Du lịch ẩm thực Việt Nam: “Mỏ vàng” vẫn chờ khai thác?
Tổng cục Du lịch và các Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội Đầu bếp… đã, đang nỗ lực vận động người dân, du khách và cộng đồng làm du lịch chung tay bầu chọn cho Việt Nam với kỳ vọng, giải thưởng này sẽ là cú hích để phát triển du lịch ẩm thực Việt – một trong số các “mỏ vàng” bị cho là chưa được khai thác hiệu quả lâu nay của ngành Du lịch.
Thực tế, không phải đến hiện nay, những tiềm năng của ẩm thực Việt mới được chú ý. Từ hơn 10 năm trước, trong một lần đến Việt Nam, “cha đẻ” của marketing hiện đại, ông Philip Kotler đã từng gợi ý: Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới. Sự phong phú, hấp dẫn của ẩm thực Việt đã bắt đầu được chú ý.
Nhưng, nói như ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc của Tổ chức kỷ lục Việt Nam, ẩm thực Việt phong phú, hấp dẫn nhưng lâu nay, phần lớn du khách quốc tế mới chỉ nhắc đến Phở hay Bún chả. Rất nhiều món ngon khác chưa được nhiều người biết đến.
Để góp phần đưa ẩm thực Việt đến với đông đảo bạn bè quốc tế hơn, nhiều năm liền, Tổ chức kỷ lục tổ chức xác lập kỷ lục, công bố Top các món ngon hàng đầu Việt Nam, lập các hồ sơ xác lập kỷ lục châu Á về ẩm thực. Nhưng thực tế, không phải địa phương nào cũng quan tâm đến tiềm năng này.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam khẳng định, món ăn Việt Nam vô cùng hấp dẫn, ít mỡ, nhiều rau xanh, gia vị phong phú, có phương pháp chế biến đa dạng như nấu, nướng, tái, chín, ăn gỏi. Món ăn, cách ăn ở mỗi vùng miền đều có đặc trưng riêng, nét văn hóa độc đáo riêng có. Chưa kể, tính tương tác trong du lịch ẩm thực hiện nay rất cao.
Khai thác ẩm thực thành các sản phẩm du lịch đang là xu hướng được quan tâm hiện nay. |
Nếu trước đây, du khách thường chỉ đến thưởng thức ẩm thực thì hiện nay có rất nhiều tour, nhiều hình thức khám phá ẩm thực khác, giàu tính trải nghiệm hơn. Các tour tổ chức cho khách theo chân đầu bếp đi ra chợ, trực tiếp chọn mua ẩm thực, về tự tay nấu nướng đang có xu hướng tăng cao. Du lịch ẩm thực đường phố khá phổ biến, đặc biệt ở khu phố cổ Hà Nội. Khách đến Việt Nam, tham gia tour của một đơn vị lữ hành, mua tour nửa ngày, một ngày hoặc 2 tiếng để hướng dẫn viên đưa khách đến các nhà hàng nổi tiếng nhưng mang tính chất đường phố, vỉa hè, khám phá các món ăn dân dã như bánh cuốn, bánh rán…
Với tour dành cho người có khả năng chi trả cao, thời gian lưu lại dài, hướng dẫn viên đưa khách đến những nhà hàng có đầu bếp nổi tiếng. Du khách có thể yêu cầu đầu bếp nấu riêng những món ăn thật ngon cho họ. Có tour dành riêng cho các đầu bếp chuyên nghiệp, không phổ biến đại trà nhưng sức lan tỏa rất cao. Lý do là các đầu bếp chuyên nghiệp nổi tiếng, đi khắp nơi trên thế giới nên cơ hội chia sẻ, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam qua ẩm thực cũng lớn hơn.
Tour du lịch mà Hiệp hội Đầu bếp Việt Nam từng tổ chức cho Chủ tịch Hiệp hội đầu bếp thế giới ông Thomas A. Gugler - người sở hữu 750 giải thưởng và bằng khen từ nhiều nơi trên thế giới và nhiều đầu bếp thế giới khác thời gian qua là điển hình. Thông qua ông Thomas và các đầu bếp này, rất nhiều đầu bếp khác trên thế giới đã biết và thường xuyên hỏi thăm, trao đổi với các đầu bếp trong nước về ẩm thực Việt…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thường Quân cũng cho rằng, du lịch ẩm thực Việt mới phát huy khá tốt ở một số địa phương như Hà Nội, Hội An, TP Hồ Chí Minh. Rất nhiều địa phương khác có nhiều tiềm năng nhưng đang gặp khó khăn khi muốn phát triển du lịch ẩm thực. Cụ thể, vùng Tây Bắc rất giàu có về nguyên liệu, từ rau xanh đến gia súc, gia cầm, ốc, cá... nhưng người địa phương chưa tạo được sự khác biệt với những đặc trưng riêng trong các món ăn cho du khách.
Hiện nay, nếu đi tour một vòng qua các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, khách đều được ăn các món như cá suối, rau tầm bóp, gà, lợn bản. Đây là những món rất ngon nhưng chế biến tương đối giống nhau. Nếu đi đâu cũng ăn như thế thì chỉ 1, 2 ngày, khách sẽ ngán ngấy. Chưa kể, người làm tour của du lịch Việt cũng đang có nhiều hạn chế.
Nhiều người làm tour rất giỏi nhưng hạn chế về kiến thức ẩm thực nên áp đặt tính chất chủ quan cá nhân quá cao vào sản phẩm, chưa đề cao tính hữu ích, nhu cầu của du khách trong thực tế. Vẫn còn nhiều hướng dẫn viên đưa khách đến những nhà hàng, điểm thưởng thức không đạt chuẩn. Dù chưa phát hiện trường hợp rủi ro nào về ẩm thực nhưng thời gian qua, những clip về người bán hàng trong những khu vực chật hẹp, nóng bức, thiếu vệ sinh, dùng tay bốc thịt, bánh rồi lại thò tay vào túi tiền, trao đổi với du khách… bị lan truyền trên cộng đồng mạng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch ẩm thực Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng: Du lịch cạnh tranh nhờ sản phẩm du lịch. Sự hấp dẫn của các sản phẩm du lịch quyết định sự phát triển du lịch, trong đó có du lịch ẩm thực. Ẩm thực Việt Nam hấp dẫn, độc đáo, đang được thế giới quan tâm nhưng hôm nay chúng ta chưa phát huy được sản phẩm du lịch ẩm thực Việt Nam nên chưa thực sự phổ biến trên thế giới, dù rằng đã có rất nhiều du khách bày tỏ sự thích thú khám phá ẩm thực khi đến Việt Nam.
Việc Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch ẩm thực hàng đầu thế giới của Giải thưởng du lịch thế giới năm 2019 là kết quả điển hình. Nhưng, để phát triển du lịch ẩm thực Việt, chắc chắn, người làm du lịch và phải suy nghĩ để làm sao nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn nữa. Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn nữa, cần cổ vũ cho đội ngũ đầu bếp của chúng ta tập trung nghiên cứu, sáng tạo các món ăn mang đặc tính của Việt Nam…
Ông Nguyễn Thường Quân chia sẻ: Để phát huy được tiềm năng sẵn có của du lịch ẩm thực, người hoạt động ẩm thực cần cố gắng nỗ lực trong xây dựng các sản phẩm thể hiện được tính tinh tế của ẩm thực Việt Nam, văn hóa đặc trưng riêng, du khách cảm nhận được tài năng, sự khéo léo của người đầu bếp. Nhưng, du lịch ẩm thực cũng rất cần sự quan tâm, phối hợp đồng bộ hơn của các hướng dẫn viên, đơn vị lữ hành, cơ quan quản lý các cấp trong xây dựng, phát huy sản phẩm, tiếp cận và phục vụ du khách.