Đồng lòng con Lạc, cháu Hồng - cội nguồn sức mạnh Việt Nam

Thứ Bảy, 19/01/2019, 07:29
Đất nước Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử đã trải quan biết bao thăng trầm, thử thách mà vẫn tồn tại và phát triển bởi người Việt ta có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, xứ sở, dù đi đâu, ở đâu, làm gì vẫn nhớ về nguồn gốc, đất nước mình.


Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, cảm xúc đầu tiên của người xa quê hương là nhớ gia đình, người thân, đất nước.

Không biết tự bao giờ, lời ru của mẹ khi còn trong nôi: "Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn" cứ theo ta lớn dần cùng năm tháng, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam. Những câu ca dao ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, máu thịt, trở thành nếp sống, đạo lý làm người, nhớ về nguồn cội, tổ tiên, gia đình, quê hương, đất nước, nơi "chôn nhau, cắt rốn" đã nuôi mình nên người.

Dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất trên thế giới có ngày Quốc giỗ (giỗ Tổ Hùng Vương) - thờ cúng ông Tổ chung của dân tộc - là bản sắc độc đáo của văn hóa Việt và bây giờ đã trở thành di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại. Hướng về cội nguồn trở thành niềm tin thiêng liêng của dân tộc, có sức sống lâu bền và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán có rất  nhiều người Việt Nam sống xa Tổ quốc nao nức về quê hương đón Tết.

Đất nước Việt Nam suốt mấy nghìn năm lịch sử đã trải quan biết bao thăng trầm, thử thách mà vẫn tồn tại và phát triển bởi người Việt ta có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, xứ sở, dù đi đâu, ở đâu, làm gì vẫn nhớ về nguồn gốc, đất nước mình.

Hai tiếng "Việt Nam" là máu thịt, niềm tự hào, kiêu hãnh và thiêng liêng nhất của mỗi người con đất Việt, là lời nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là 1 nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là đường lối, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Điều 18, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Đã có rất nhiều chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài như tạo điều kiện để bà con kiều bào đi về thuận lợi, được hưởng những chính sách như người ở trong nước, được sở hữu tài sản, được kinh doanh, được xem xét cấp lại quốc tịch Việt Nam nếu có nguyện vọng...

Đất nước Việt Nam không có bất cứ phân biệt nào về nguồn gốc, xuất xứ, lý do ra đi, về thành phần giai cấp, về tôn giáo đều bình đẳng. Tất cả những ai cùng chung mục tiêu xây dựng nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, thống nhất, giàu mạnh thì đều được hoan nghênh, chào đón quay trở lại Việt Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhiều nhân sĩ, trí thức lớn và kiều bào ta ở nước ngoài, đang sống ở những đô thị hoa lệ châu Âu, có điều kiện vật chất lý tưởng nhưng đã từ bỏ cuộc sống sung túc để trở về nước theo tiếng gọi của quê hương, đem tài năng, sức lực của mình giúp dân, giúp nước, như: Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ Hồ Đắc Di,...

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, hàng chục vạn kiều bào ta ở nước ngoài tuy sống xa Tổ quốc, vẫn hướng về đất nước, là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân và chính giới các nước, nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về đất mẹ, đã có sự đóng góp to lớn cả về vật chất và tinh thần cho quê hương, đất nước, và là đầu mối quy tụ để "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế", góp phần truyền bá hình ảnh đất nướcViệt Nam tươi đẹp khắp thế giới. Lượng kiều hối tăng hằng năm đã chứng tỏ trách nhiệm của người Việt đối với quê hương, đất nước.

Rất nhiều người đã về nước tích cực tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo, trong đó có người từng là quan chức cao cấp trong chế độ cũ. Tuy muộn màng, nhưng nhiều giọt nước mắt hối hận đã rơi. Họ hối tiếc vì không trở về đất mẹ Việt Nam sớm hơn.

Không chỉ với những người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, có những người không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng là "con Lạc, cháu Hồng" thì trong lòng họ vẫn luôn thổn thức hai tiếng "Việt Nam". Dòng họ Lý ở Hàn Quốc vốn có xuất xứ là dòng họ Lý của Việt Nam, dù trải qua gần nghìn năm nay nhưng con cháu của họ luôn hướng về tổ tiên.

“Hồi nhỏ, cha tôi vẫn luôn nói với tôi: “Tổ tiên của con là người Việt Nam”. Lúc nhỏ tôi chưa tin điều này. Nhưng giờ đây tôi có thể tự hào: Tôi là người Việt Nam!”, người con hậu duệ đời thứ 36 của dòng họ Lý Long Tường, ông Lý Tường Tuấn (1 người Hàn Quốc) đã nói xúc động như vậy. Có những người sinh ra và lớn lên ở nơi "đất khách, quê người", chỉ biết đến Việt Nam qua những câu chuyện kể của bà, những điều nhắn nhủ của cha mẹ nhưng đã thôi thúc họ tìm về cội nguồn "quê cha, đất tổ" của mình.

Gần đây nhất là trường hợp của thủ môn Đặng Văn Lâm (đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam), người sinh ra và lớn lên ở đất nước Nga nhưng mang trong mình dòng máu Việt đã trở về quê hương lúc 17 tuổi, qua 8 năm khổ luyện bóng đá, anh đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi góp sức mình cho đội tuyển bóng đá quốc gia.

Và còn biết bao ví dụ khác nữa đã làm lay động, thổn thức hàng triệu trái tim của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây chính là minh chứng sống động cho tình yêu quê hương, đất nước của người Việt trên khắp thế giới và niềm tin vào chính sách đại đoàn kết dân tộc, nhân văn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đáng tiếc, vẫn còn một số ít người Việt Nam ở nước ngoài còn tư tưởng khác biệt, xa lánh, nghi ngờ, thậm chí xuyên tạc chính sách, pháp luật liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta.

Tiếng nói lạc lõng của họ không đại diện cho người Việt Nam ở nước ngoài, bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, lôi kéo, trở thành công cụ, những "cái loa" phát ngôn chống lại đất nước và nhân dân Việt Nam. Do vậy, cần phải tỉnh táo và kiên quyết chống lại những lời nói, hành vi phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc, làm xấu đi hình ảnh của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Lịch sử nhân loại cho thấy, không có dân tộc nào trên thế giới chấp nhận những ai chống đối đất nước, bôi nhọ vào lịch sử, phủ nhận công lao của ông cha mình. Luật pháp mỗi nước đều quy định, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất, cảnh báo cho những ai làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu, làm gì thì luôn nhớ mang trong mình dòng máu "con Lạc, cháu Hồng", "con Rồng, cháu Tiên", phải nhớ đến nguồn cội, hướng về quê hương, chung tay xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, như lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Hỡi ai con cháu Hồng Bàng/ Chúng ta phải biết kết đoàn cùng nhau".

Chí Công-(Học viện Chính trị CAND)
.
.
.