Những “thuyền rồng tí hon” quảng bá văn hóa xứ Huế
Những ngày cuối năm, khu nhà xưởng của vợ chồng chị Minh Trang ở kiệt số 8 Tú Xương, phường Tây Lộc, TP Huế, có 15 công nhân miệt mài làm việc chế tạo nên những sản phẩm thuyền rồng bằng tre tí hon cho các đơn đặt hàng dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Vừa chỉ bảo các công nhân chế tác mẫu thuyền đúng theo yêu cầu của khách đặt hàng, chị Trang cho biết, ý tưởng làm mô hình thuyền tre xuất phát từ lúc chị chứng kiến một đoàn khách du lịch ngoại tỉnh đến Huế tham quan và ngồi thuyền rồng nghe ca Huế.
Chị Trang bên các sản phẩm thuyền rồng làm bằng tre. |
“Lúc ấy mình nghĩ tại sao lại không làm một sản phẩm về mô hình thuyền rồng mang nét văn hóa xứ Huế để du khách làm quà lưu niệm. Vậy nên vợ chồng mình đã quyết tâm học hỏi, nghiên cứu mẫu mã đến cách đan thuyền và trang trí hoa văn lên thuyền rồng tre...”, chị Trang chia sẻ.
Để thực hiện ý tưởng, năm 2005, vợ chồng chị Trang đã cùng nhau bắt tay chế tác nên những chiếc thuyền tre nhỏ nhắn, dễ thương để du khách mua làm quà kỷ niệm khi ghé đến Huế.
Theo anh Nguyễn Tuấn (chồng chị Trang), để làm nên một chiếc thuyền tre phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau và đòi hỏi sự khéo tay, kiên trì của người thợ.
Trong đó, công đoạn quan trọng nhất chính là việc lựa chọn thân tre chắc chắn, không bị mối mọt để vót nên những thanh đan đều tăm tắp và khó nhất là việc cắt hình đầu, đuôi rồng, sau đó ghép vào thuyền tre, tạo nên sản phẩm hoàn thiện. “Do sản phẩm có nhiều tiểu tiết và yêu cầu tính thẩm mỹ cao nên mỗi ngày, bình quân xưởng chỉ sản xuất được khoảng 50 chiếc thuyền tre.
Mặc dù đây là sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhưng mình lại bán giá “rất bèo”, mỗi chiếc từ 15-25 nghìn đồng, tùy theo kích cỡ lớn hay nhỏ, xem như lấy công làm lời để phục vụ khách du lịch đến Huế. Ngoài làm thuyền tre, xưởng còn làm quạt nan vẽ hoa văn trên vải”, anh Tuấn bày tỏ.
Sau khi mô hình thuyền rồng Huế làm từ tre thu nhỏ được khách du lịch yêu thích, lựa chọn mua nhiều, vợ chồng chị Trang quyết định mở rộng khu nhà xưởng, đầu tư 600 triệu đồng để mua sắm máy móc và đào tạo nghề cho nhiều công nhân địa phương để phục vụ nghề. Hiện xưởng của chị Trang là cơ sở duy nhất ở Huế chuyên chế tác thuyền tre để phục vụ nhu cầu khách du lịch.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Tây Lộc, nhiều năm qua, sản phẩm thuyền tre độc đáo của vợ chồng chị Trang, anh Tuấn đã được nhiều cửa hàng, quầy bán đồ lưu niệm ở TP Huế, chợ Đông Ba chọn đưa về trưng bày để bán cho du khách. Ngoài ra, thuyền tre còn được xuất đi các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, một số tỉnh, thành ở phía Bắc và phía Nam để phục vụ khách du lịch.