Đình Tường Phiêu - “của để dành” trong kho tàng văn hóa Việt
Mái đình Thánh Tản trong tâm thức dân làng
Đình Tường Phiêu tọa lạc tại trung tâm xã Tích Giang (Phúc Thọ, Hà Nội), cách Thủ đô Hà Nội gần 40km về phía Mặt trời lặn. Mái đình cổ được đánh giá là một sản phẩm nghệ thuật kỳ thú, di sản kiến trúc gỗ tiêu biểu, lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với nhiều nghi thức độc đáo của vùng đất xứ Đoài xưa.
Ngôi đình được nhân dân khởi công xây dựng từ năm 1430 và đến năm 1645 tu bổ lại khang trang để thờ Thành Hoàng làng là Đức Thánh Tản Viên Sơn, vị thánh đứng đầu trong hàng tứ bất tử của người Việt đã xuất hiện trong rất nhiều các di tích vùng nông nghiệp lúa nước ngoại vi Hà Thành.
Chỉ định kỳ các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, dân làng Tường Phiêu lại long trọng tổ chức lễ rước kiệu Tam vị Thánh Tản. Tuy nhiên, mùa xuân Kỷ Hợi năm nay, lễ rước kiệu Thánh được dân làng gần xa tụ hội đông hơn bao giờ hết để cùng nhau hân hoan chào đón một sự kiện đặc biệt: đình làng Tường Phiêu được công nhận Di tích Quốc gia xếp hạng đặc biệt.
Điều đó đã trở thành niềm vinh dự, tự hào không gì sánh nổi đối với mỗi người con xã Tích Giang trước vòng xoáy không ngừng của thời cuộc. Rằm tháng Giêng vừa qua, dân làng cùng nhau tổ chức những nghi lễ truyền thống để chào đón danh hiệu “vàng”, cũng là dịp để tỏ lòng biết ơn đến Đức Thánh Tản Viên Sơn đã cứu dân độ thế.
Nghi thức tế Thánh trang nghiêm tại sân đình là phần không thể thiếu trong lễ hội Tường Phiêu. Ảnh: Kiều Trang |
Ông Khuất Hữu Tình, nguyên Chủ tịch UBND xã Tích Giang đã sống bên mái đình làng hơn 80 năm, chứng kiến từng sự thay da đổi thịt của Tường Phiêu qua những năm chiến tranh bom đạn, ông không khỏi xúc động khi mái đình cổ nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà nước:
“Đình làng Tường Phiêu là mái đình Cả của chúng tôi và đã được nhà nước phong tặng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Chúng tôi vô cùng xúc động, vinh dự và tự hào vì là một người con xã Tích Giang, được che chở dưới tình thương của ngài Đức Thánh Tản. Dù là những dịp rước kiệu, lễ hội hay những sinh hoạt lao động ngày thường, dân làng cũng đều gắn bó với sân đình”.
Bao thế hệ dân làng Tường Phiêu lớn lên tại vùng quê ấy đều khắc ghi một lời truyền, rằng trên chính mảnh đất này, vì thương dân làng Tích Giang sống nghèo khổ, lại chất phác thật thà, nên chính Ngài Tản Viên Sơn Thánh đã đến đây, dạy dân nghề trồng lúa và nghề bắt cá “dập sào” độc đáo, giúp con dân trong làng bớt đi phần cơ cực.
Cũng tương truyền rằng, vì Đức Thánh Ngài mải mê dạy dân mà quên cả mặt trời lặn. Người dân phải đốt đuốc đi rước Ngài về. Thế nên lễ rước kiệu Ngài năm nào cũng vậy, ngoài đốt lên 4 cây đuốc “đình liệu” thật lớn, cao cả chục mét, còn có vô vàn ngọn đuốc nhỏ mà trai tráng trong làng tự thắp lên. Muôn ngàn ngọn đuốc nhỏ ấy như một sự tri ân sâu sắc dành cho những bậc Thánh có công lao vun đắp đời sống cho cư dân một vùng thuần nông vất vả tự bao đời.
Đêm rước kiệu Ngài về đình Tường Phiêu, cả cánh đồng Tích Giang lung linh trong hàng trăm ánh đuốc. Giữa mênh mông hương mạ đánh dấu mùa lúa mới, dân làng Tường Phiêu lại gắn kết bên nhau, truyền cho nhau mối tình cảm bền chặt, để cùng nhau xây dựng làng quê nhỏ phồn vinh hơn trong ngày mới.
Những giá trị bất biến
Mái đình từ bao đời nay đã trở thành một phần của tâm thức làng, văn hoá làng. Với đình Tường Phiêu, đó còn là niềm tự hào khi mà các nhà nghiên cứu văn hoá kiến trúc cổ chỉ ra rằng, không gian kiến trúc nơi đây là một sáng tạo với nhiều đặc trưng nghệ thuật độc đáo, không dễ gặp ở bất kỳ ngôi đình nào khác.
Đình được xây dựng theo hướng Tây Nam trông về ngọn núi Ba Vì sừng sững. Đình Tường Phiêu bao gồm các hạng mục: Nghi Môn và Đại Bái. Nghi Môn gồm hai trụ biểu, đế thắt cổ bồng, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đắp nổi câu đối chữ Hán ca ngợi công lao của Đức Thánh Tản Viên và cảnh quan ngôi đình.
Đại Bái là một ngôi nhà ngang gồm 5 gian, 2 dĩ, dài khoảng 20m, rộng khoảng 10m. Trên bờ nóc đắp nổi “lưỡng long chầu nguyệt”. Đầu bờ nóc đắp nổi hai con kìm, bờ giải có từng cặp sấu, nghệ thuật đối xứng nhau. Gian giữa được thiết lập khám thờ, trên khám có long ngai, bài vị thờ Tản Viên Sơn Thánh và các vị đồng triều phối hưởng.
Theo chia sẻ của Nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền, ông cho rằng: “Nếu như ở thời Mạc trở về trước nói chung, các kiến trúc có phần ép xuống nặng nề mang tính đè nén, thì đến đình Tường Phiêu, nó không chỉ đẹp mà còn bay lên bằng bốn góc mái cong. Đình Tường Phiêu, góc của nó không có kiến trúc xuôi vòm mà có kiến trúc chữ “Nhất”.
Chính hiện tượng chữ Nhất ấy sẽ dẫn đến “hậu cung lực”. Gian giữa của đình trước đây được lát đá, chất liệu mang tính linh thiêng. Vì kiến trúc này là của nông dân nên họ quan tâm đến yếu tố dương và âm. Bởi mái như vậy là thuộc về tầng trời, những ngói cổ của nó như tích tụ cả một bầu trời sinh lực, thông qua những các cột ấy chảy xuống trần gian.”
Ấy vậy nên khi bước vào đình lễ thánh, người dân được đứng trong dòng chảy sinh lực, thân thể có cảm giác như đang được đất trời ôm ấp, đùm bọc và được đứng trong dòng sinh khí vũ trụ thiêng liêng mà luôn hy vọng người người khỏe mạnh, mọi sự tốt lành.
Có bề dày lịch sử và giá trị nghệ thuật cao, kiến trúc đặc sắc của đình Tường Phiêu đã hình thành nên kết cấu liền mạch và thoáng rộng cho di tích. Điều này được thể hiện ở bố cục duy nhất một đơn nguyên cùng phần kết cấu gỗ kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật xây cất với không gian phong thủy.
Từ những hình tượng: rồng ẩn trong mây, rồng múa đôi cùng chim phượng, tiên cưỡi rồng, tiên có cánh,… người dân Tường Phiêu luôn chất chứa những khát vọng hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, những đường nét tạo hình “Long, Ly, Quy, Phượng” trau chuốt, uyển chuyển chính là tuyệt tác nghệ thuật không dễ sáng tạo.
Thú vị hơn, hình tượng tứ linh ở Tường Phiêu, trong đó có hình rồng khác hẳn với tạo hình ở nhiều ngôi đình Đoài thế kỷ XVI khác. Ví như tay rồng nắm râu, nắm tóc; lân đầu rồng, thân hươu,… biểu tượng cho phong cách khoáng đạt, gần gũi nhưng không kém uy nghiêm, quyền lực. Các hoa văn, họa tiết các câu đầu cột, các lọng của đình cũng rất khác biệt với các đình khác.
Trong khi rất nhiều đình chùa bị hư hỏng nặng, mai một qua thời gian, người dân Tích Giang vẫn giữ được ngôi đình qua nắng mưa, gió bão thất thường, để đình Tường Phiêu luôn đứng vững, hiên ngang như ngày hôm nay. Theo chia sẻ của ông Khuất Hữu Tình, ngôi đình cổ được nhà nước vô cùng quan tâm nên nhân dân luôn tự ý thức chăm sóc và bảo tồn di tích.
Năm 2013, đình Tường Phiêu được nhà nước cấp ngân sách 2 tỷ 250 triệu đồng để tu bổ, sửa sang. Về phía người dân, các hộ gia đình vẫn duy trì nhắc nhở, bảo ban nhau chủ động sửa chữa những hỏng hóc nhỏ, còn những hư hỏng lớn thì cần có sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước.
Ông Khuất Văn Thịnh (Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích đình Tường Phiêu) cho biết thêm: “Ngoài phục chế, tu sửa lại những yếu kém của đình, dân làng Tường Phiêu chúng tôi vẫn giữ nguyên hình dáng cổ cùng với phong tục, tín ngưỡng cho đến ngày nay. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là các nhà khoa học nên đình Tường Phiêu đã được khám phá ra là ngôi đình rất đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật.”
Trải qua biết bao thăng trầm cùng với những biến cố lịch sử, đình Tường Phiêu vẫn đứng trang nghiêm bên dòng sông Tích, trở thành chỗ dựa tinh thần để nhân dân làng Tường Phiêu kính cẩn nghiêng mình trước ngài Đức Thánh Tản Viên Sơn. Cũng là để cộng đồng người Việt mở lòng khám phá, thêm yêu mến những vật báu tinh thần mà cha ông muôn đời truyền lại.