Đề nghị truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà viết kịch Xuân Trình
Hội thảo cũng là hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức.
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936-1991) là một trong những tác giả, nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Gần 30 kịch bản của ông đã được các đoàn sân khấu cả nước dàn dựng.
Các kịch bản sớm tập trung vào vấn đề dân chủ hóa đời sống kinh tế xã hội, đề cao tính chân thật và tính nhân văn của tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận xã hội như “Chuyện những người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Lập xuân”, “Hận thù từ đâu tới”, “Bạch đàn liễu”, “Ngôi nhà trong thành phố”,“Xóm vắng”, “Cố nhân”, “Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi đến mùa xuân”, “Ngày xưa nơi đây là chiến tranh”, “Ngôi nhà màu hồng ngọc”, “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”, “Tai họa hay rủi ro”… Từ những năm 1960 đến 1990, nghệ sĩ Xuân Trình được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới.
Ông còn là một nhà lãnh đạo sân khấu với khát vọng đưa sân khấu thoát khỏi bao cấp, xã hội hóa thực sự để ngày càng phát triển, lớn mạnh bằng các nguồn lực tinh thần và vật chất ngoài nhà nước. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng, có sức cổ vũ lớn, để lại nhiều bài học quý giá của một nghệ sĩ chiến sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với hiện thực cuộc sống, với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, của Đảng và nhân dân. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và được tỉnh Nam Định lấy tên của ông để đặt tên cho một đường phố của Thành Nam này.
Tuy nhiên, cũng theo Ban Tổ chức hội thảo, đến nay, tầm vóc và vị trí của nghệ sĩ Xuân Trình trong nền sân khấu chưa thực sự được đánh giá đúng mức.
Các bài học sống động có giá trị của cuộc đời và sự nghiệp dâng hiến vô tư cho Tổ quốc, Đảng và nhân dân với tư cách một nghệ sĩ cộng sản chân chính của ông chưa được tổng kết và phổ biến rộng rãi trong giới sân khấu, văn học nghệ thuật cũng như công chúng.
Hội thảo khoa học Quốc gia “Xuân Trình - Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới” sẽ tập trung nghiên cứu đánh giá chung về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Xuân Trình, về lý tưởng, nhân cách sống, tài năng và nhiệt huyết sáng tác, đóng góp cho quê hương đất nước, cho nhân dân, cho Đảng của nhà viết kịch.
Hội thảo do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; NSND Trịnh Thúy Mùi, Ủy viên Thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam; Nhà báo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam chỉ đạo tổ chức. Theo kế hoạch, hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 30-11 tại Hà Nội.
Dịp này, Đoàn kịch LUCTEAM dàn dựng lại vở kịch “Bạch đàn liễu” của nhà viết kịch Xuân Trình. Đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của ông đi vào đề tài dân chủ hóa xã hội, đánh thẳng vào cường hào mới ở nông thôn, cảnh báo tác hại của chúng đối với sự nghiệp của Đảng và nhân dân.
Hiện nay, “Bạch đàn liễu” đang được đạo diễn NSUT Trần Lực, NSND Trung Anh và các nghệ sĩ trẻ của LUCTEAM gấp rút hoàn thành để ra mắt khán giả vào ngày 29-11. Ngày 30-11, Chi hội Sân khấu Nam Định cũng trình diễn trích đoạn vở “Đợi đến mùa xuân” - một trong những vở kịch hay nhất của nhà viết kịch Xuân Trình.