Dấu tích của Bác Hồ trước cuộc bôn ba đi tìm hình của Nước

Chủ Nhật, 06/06/2021, 10:45
Theo một số tư liệu nghiên cứu, ngày 19/9/1910, thầy giáo 20 tuổi Nguyễn Tất Thành từ trường Dục Thanh – Phan Thiết vào Sài Gòn. Tới Sài Gòn, thầy Thành được bố trí sống tại nhà ông Lê Văn Đạt - một người bà con bên mẹ của cụ Trương Gia Mô.


Ông Trương Gia Mô vừa là bạn đồng liêu, vừa là Hàn lâm đãi chiếu tại bộ công ở Huế cùng thời với cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Người). Ông cũng là người đã đưa Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở trường Dục Thanh; cùng với các sỹ phu yêu nước như Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất khôn khéo, vận động viên Công sứ Pháp cấp giấy thông hành cho Nguyễn Tất Thành với một tên mới là “Văn Ba”.

Đến Sài Gòn, hai ngày sau, thầy Thành được đưa đến Liên Thành phân cuộc, địa chỉ: 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP Hồ Chí Minh). Cũng cần kể thêm, Công ty Liên Thành được thành lập giữa năm 1906 tại Phan Thiết (Bình Thuận) từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh thực chất là để hoạt động cách mạng. Sáng lập viên ban đầu của công  ty này là Nguyễn Trọng Lợi và Nguyễn Quí Anh, cùng là con trai của cụ Nguyễn Thông. Về sau, còn có sự tham gia của các ông Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang... 

Di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm, quận 5, TP Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ đã tá túc 9 tháng trước khi rời Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước.

Công ty gồm 3 bộ phận, có các chức năng khác nhau: Liên Thành Thương quán - làm kinh tế gây quỹ hoạt động; Liên Thành thư xã - tuyên truyền và truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước và Dục Thanh học hiệu - mở trường dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo theo nội dung yêu nước, tiến bộ (nơi thầy  Thành dạy học). Hai cơ sở đóng ở Phan Thiết, riêng Liên Thành thương quán đóng ở Sài Gòn. Cuối năm 1906, Liên Thành thương quán mở rộng thêm trụ sở tại 1-2-3 Quai Testard (bến Testard) - Chợ Lớn, mang tên Liên Thành phân cuộc.

Trước và trong thời gian tạm trú suốt 9 tháng tại Liên Thành phân cuộc, tuy rất khâm phục một số nhà nho yêu nước đương thời, trong đó có các cụ Đề Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu nhưng thầy Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào cả. Chính điều này càng thôi thúc Người luôn nghĩ đến tìm con đường đi riêng của mình cho vận mệnh đất nước...

Trở lại nội dung mà nhiều người thắc mắc, có ý kiến phân tích, lý giải, xuất phát trước hết từ sự thính nhạy, thấu suốt về thực tiễn tình hình, người thanh niên Nguyễn Tất Thành chọn Sài Gòn làm nơi bắt đầu cho hành trình bôn ba thực hiện sứ mệnh vĩ đại. Lý giải này rất có cơ sở khi Sài Gòn từ những năm đầu thế kỷ trước là cửa ngõ của Nam Kỳ, có nhiều công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm và cả cơ hội xuất ngoại. 

Nhưng ở độ tuổi đôi mươi, người thanh niên của vùng quê cách Sài Gòn hàng nghìn cây số của thời cát cứ phong kiến, đi lại khó khăn mà nhìn ra và chọn thành điểm xuất phát, đó chính là một sự thấu suốt – thấu suốt đến kinh ngạc. Nó cũng chính là một trong những phương pháp rất đúng đắn của Người, góp phần làm thay đổi vận mệnh cho cả dân tộc Việt Nam khi đó đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, bị áp bức. 

Theo nhiều tư liệu, tài liệu nghiên cứu, trước khi đặt chân xuống tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin rời bến Nhà Rồng vào ngày 5/6/1911, bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới, Nguyễn Tất Thành từng nung nấu một tinh thần phải tận mắt thấy, tận tai nghe, thực hiện khát vọng vĩ đại – “tìm đường cứu nước, cứu dân”. 

Tinh thần đó được vun đắp liên tục, trong đó có những ngày học trò Nguyễn Tất Thành vừa rời trường Quốc học Huế, theo cha vào Bình Định, được thi thăm các sỹ phu, di tích vùng Tây Sơn. Cũng chính tinh thần ấy mà năm 1910, hoàn thành chương trình tiểu học, khi nghe tin cha bị cách chức tri huyện Bình Khê, người học trò ấy không theo cha trở về Huế mà tiếp tục đi tiếp về hướng Nam và dừng chân ở Phan Thiết. 

Được nhận làm trợ giáo, dạy một số môn, đồng thời phụ trách hoạt động ngoại khoá của trường Dục Thanh, ngoài thời gian lên lớp, thầy Thành tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Đấy cũng là lần đầu tiên người thanh niên ấy đươc tiếp cận tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rousseau, Voltair, Mongtesquieu. 

Có một tài liệu phân tích rất hay về những ngày này: “Có lẽ những buổi bình minh ngồi trên bãi biển Phan Thiết phóng tầm mắt ra hướng khơi xa, thầy Thành như mơ về những chuyến đi tới chân trời, góc bể. Muốn nhìn ngọn núi cao thấp phải từ xa mới rõ được. Muốn hiểu hơn về tình trạng đất nước hiện tại phải có tầm nhìn thế giới xa hơn - ở những nơi đã sản sinh ra tư tưởng tiến bộ: Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Ở đó, như đang đợi, vẫy gọi bầu nhiệt huyết của người thanh niên đầy dũng khí Nguyễn Tất Thành. Hướng về phương Nam, nơi có đô thị Sài Gòn, có cảng biển với những con tàu vượt đại dương và ý tưởng đó thôi thúc thầy giáo Thành tạm xếp bút nghiên vào Sài Gòn tìm phương hướng mới”. 

Sài Gòn – nơi thầy Thành vừa đặt chân đến, khi đó đang diễn ra nghịch cảnh. Tuy nhiên, chính đời sống xa hoa và những cuộc đời lam lũ, khốn khổ của người dân lao động diễn ra trước mắt như càng thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi để “xem nước Pháp và các nước khác họ làm thế nào, để khi về sẽ giúp đồng bào mình”. 

Thời gian lưu lại Sài Gòn, thầy Thành đến với xóm thợ nghèo, tìm hiểu cuộc sống, lao động của những người cùng trang lứa với mình ở trường Kỹ nghệ thực hành (trường đào tạo thợ máy Á Đông) hay đến hiệu ủi quần áo cho thuỷ thủ cạnh Bến Nhà Rồng, lân la hỏi chuyện để xin một việc làm trên tàu biển. 

Từ một chàng trai thư sinh, có học vấn, con nhà quan triều đình chưa từng chịu đựng lam lũ, nhọc nhằn của lao động chân tay, nhưng vì lý tưởng, muốn khám phá cái mới, vì tư tưởng yêu nước, thương dân, trong người không đủ tiền đành quyết chí xuống làm phụ bếp, phu phen phục dịch chấp nhận mức lương chỉ bằng 1/3 của những bồi bàn làm việc rất nhàn nhã người Pháp để lặng lẽ không chỉ thực hiện mục đích… “xem người ta làm thế nào” mà còn là dịp tốt để rèn luyện mình trong lao động như bao thân phận của hàng triệu người dân nước Việt lúc đó. Hoà mình trong đời sống thợ thuyền – một cuộc thâm nhập thực tế lớn lao chưa từng thấy trong đời người lãnh tụ nhân dân.  

Chính trong thời gian ngắn ngủi ở Sài Gòn, vừa đi học, vừa đi làm ở trường thợ máy, vừa đi bán báo ở khu vực thương cảng để kiếm sống, tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn chính là thời gian hết sức quan trọng để người thanh niên Nguyễn Tất Thành có bước chuẩn bị trực tiếp về vật chất, tinh thần, phương tiện và có quyết định cuối cùng. Ngày 4/6/1911, với cái tên mới “Văn Ba”, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Liên Thành phân cuộc xuống tàu của Pháp mang tên Amiral Latouche Treville. Ngày hôm sau đó, ngày 5/6, con tàu nhổ neo, rời Cảng Nhà Rồng...

Năm 1915, đường Quai Testard đổi thành đường Tổng Đốc Phương, và từ 8/1975, đổi thành đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Trong ba căn nhà của Liên Thành thương quán ngày ấy, một căn được giữ lại, giờ là căn nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh, được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1988. Đấy là căn nhà phố 1 trệt, 1 lầu, nền lót gạch bông, mái lợp ngói âm dương chỉ rộng gần 35m². 

Toàn bộ không gian bên trong được sử dụng trưng bày các tư liệu hình ảnh về Bác. Trong đó, tầng 1 có bàn thờ Bác. Hai bên vách trưng bày các hình ảnh gợi nhớ làng quê của Người, các lãnh tụ của các phong trào yêu nước, các cơ sở của Liên Thành thương quán, bản đồ Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1911, hình ảnh Sài Gòn những năm 1910 - 1911, hình con tàu Đô đốc Latouche Treville... 

Một cán bộ Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm, quận 5 có tổ chức Hành trình công dân đến với lịch sử văn hóa. Cùng với di tích tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới - nơi đồng chí Trần Phú hy sinh, thì di tích tại số 5 Châu Văn Liêm là điểm đến thường xuyên. 

“Di tích tuy diện tích không lớn nhưng giá trị và ý nghĩa rất quan trọng. Bác đã ở đây và sống trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, chỉ có những người thân thiết hỗ trợ thôi nhưng đã khắc phục tất cả và hiểu thấu được con đường cứu nước của mình”, bà Trần Thị Lan, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu lập hồ sơ di tích của Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố, nói.

Trước khi xuống tàu rời Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành tâm sự với một người bạn của mình: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Hơn 10 năm sau, Người trả lời nhà thơ, nhà báo Nga Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe những từ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. 

Một lần khác, trả lời một nhà báo Mỹ Anna Luy Xtơrông, Người cho biết: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. 

Dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, đọc lại những câu nói ấy của Người, ai cũng xúc động, cảm phục tầm nhìn và tấm lòng của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi còn là một thanh niên, đã luôn đau đáu trước vận mệnh của cả dân tộc. 

Thái Bình
.
.
.