Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức kỳ họp thứ 6:

Đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về hoạt động văn hóa nghệ thuật

Thứ Sáu, 02/08/2019, 07:10
Chiều 1-8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã tổ chức kỳ họp thứ 6 nhằm đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng trong thời gian qua và thảo luận các hoạt động trọng tâm đến cuối năm.


Kỳ họp do PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì.

Bám sát thực tiễn, triển khai hiệu quả nhiều phần việc quan trọng

Phát biểu khai mạc kỳ họp, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Từ sau kỳ họp thứ 5 đến nay, trong hoàn cảnh vừa có những khó khăn, vừa có những thuận lợi chủ quan và khách quan, Hội đồng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu lý luận, nắm bắt thực tiễn để tư vấn giúp Đảng, Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT).

Đồng chí cũng đề nghị, tại kỳ họp này, các thành viên Hội đồng cần tập trung thảo luận, đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp thứ 5 và thứ 6, đặc biệt là những công việc đã triển khai; phân tích, đánh giá về những việc đã làm được, làm tốt và những công việc chưa làm hoặc làm chưa hiệu quả; trên cơ sở đó  chỉ rõ những nguyên nhân và giải pháp khắc phục, giải pháp triển khai hiệu quả các kế hoạch công tác  6 tháng cuối năm 2019, các giải pháp để phát huy vai trò, tổ chức hiệu quả hoạt động của các tiểu ban chuyên môn…

Toàn cảnh kỳ họp thứ 6 của Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Thay mặt Hội đồng trình bày báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng 6 tháng đầu năm 2019 và phương hướng,  nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, PGS.TS. Phan Trọng Thưởng khẳng định: Trong thời gian qua, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, sự phối hợp của các đơn vị chức năng thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, các vụ, đơn vị của Ban.

Vì vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, từ sau kỳ họp thứ 5 đến nay, Hội đồng đã bám sát thực tiễn, nắm bắt tình hình VHNT nói chung, lý luận, phê bình nói riêng, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều công việc. 

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng đã tư vấn giúp Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Hội đồng thường xuyên nắm bắt thông tin, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực VHNT. Hội đồng đã tham gia và có những đóng góp thiết thực trong việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 

Hội đồng đã tổ chức xây dựng Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết, đề xuất các giải pháp và 5 kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới. Đồng thời, Hội đồng đã cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, tổ biên tập sơ kết Nghị quyết đi khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết tại một số địa phương, đơn vị trọng điểm, đóng góp cho Ban chỉ đạo, tổ biên tập để xây dựng báo cáo chung về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chỉ đạo trình Ban Bí thư.

Hội đồng cũng đã tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT xuất bản năm 2018; nghiệm thu và thanh lý hợp đồng hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT đối với 14 tác phẩm triển khai năm 2017, bao gồm 11 bản thảo sách và 3 bài viết. Hiện nay, Hội đồng đang khẩn trương tổ chức xét và ký hợp đồng hỗ trợ các tác phẩm sẽ triển khai trong năm 2019, với tổng số 64 đề cương gửi về đề nghị hỗ trợ.

Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng đã tổ chức tọa đàm khoa học “Xây dựng tiêu chí lựa chọn tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu, lý luận phê bình hiện nay”. Tọa đàm quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang trực tiếp giảng dạy văn học trong các nhà trường trao đổi bước đầu về các tiêu chí khoa học để lựa chọn các tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại để phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu lý luận, phê bình hiện nay. 

Đây là cơ sở để Tiểu ban Lý luận, phê bình VHNT trong nhà trường tiếp tục xây dựng chương trình khảo sát thực tế nhằm tham mưu cho Hội đồng tư vấn chuyên sâu giúp Đảng, Nhà nước về vấn đề này trong thời gian tới. 

Ngoài ra, Hội đồng chủ trì triển khai thực hiện 3 đề tài khoa học cấp Ban Đảng năm 2019; phân công chủ nhiệm, đăng ký đề tài “Các yếu tố tác động tới thực tiễn văn học, nghệ thuật hiện nay”, báo cáo Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương để thực hiện trong năm 2020; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xây dựng bản thảo, xuất bản 2 cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học về “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay: Thực trạng và định hướng phát triển”, “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” Hội đồng giúp Thành ủy Hải Phòng thành lập Hội đồng Giám khảo, các Tiểu ban Giám khảo, chấm các tác phẩm tham dự cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật chủ đề “Hải Phòng – Khát vọng vươn lên”. Đặc biệt, Tạp chí Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đã xuất bản được 6 số, trong đó có 1 số chuyên san, 2 số chuyên đề. 

Nhiều công việc đang được Hội đồng chuẩn bị triển khai trong 6 tháng cuối năm: Hội nghị tập huấn về chủ đề “Nâng cao trình độ nhận thức và năng lực quản lý, lãnh đạo văn học nghệ thuật năm 2019” cho các học viên khu vực phía Bắc tại Hải Phòng và phía Nam tại TP Hồ Chí Minh; mở lớp bồi  dưỡng dành cho đội ngũ các cây bút trẻ viết lý luận, phê bình trong cả nước.

Cần quan tâm đầu tư về con người

Tại kỳ họp, 12 ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự nhất trí với báo cáo đánh giá của Hội đồng. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá cao hoạt động của các tiểu ban trong Hội đồng, đồng thời kiến nghị Hội đồng cần thường xuyên làm việc với các Trưởng tiểu ban để các tiểu ban mạnh dạn xây dựng, triển khai các đề án, hoạt động hiệu quả hơn.

Đại tá, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học Phạm Khải,  Phó Tổng Biên tập Báo CAND chia sẻ: Thời gian qua, hoạt động của Hội đồng đạt nhiều kết quả tích cực, một phần là bởi đã kết hợp được sức mạnh tổng hợp từ các cán bộ quản lý Nhà nước với các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực. Tạp chí Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đã có nhiều bài bám sát đời sống VHNT. Tuy nhiên, thời gian tới, Hội đồng cần đầu tư nhiều hơn cho tạp chí về nhân sự, vì số người làm trực tiếp, thường xuyên cho tạp chí hiện quá ít.

Cũng theo nhà thơ Phạm Khải, trong thời gian tới, đầu tư cho VHNT cần quan tâm đầu tư về con người. Cụ thể, Hội đồng cần mở các lớp bồi dưỡng cho lực lượng hoạt động phê bình VHNT ở các địa phương, các cơ quan báo chí, tham mưu với Ban Tuyên giáo, cơ quan Trung ương mở lớp bồi dưỡng, khảo sát trình độ của đội ngũ các phóng viên viết về VHNT của các cơ quan báo chí, từ đó có hướng xây dựng thành lớp cán bộ nòng cốt, kế cận…

Một số thành viên Hội đồng cũng đề ra những giải pháp thiết thực nhằm tăng cường các hoạt động VHNT để giáo dục lòng yêu nước, nâng cao tinh thần dân tộc, các hoạt động bám sát thực tiễn đời sống VHNT; tổ chức các tọa đàm về VHNT phát trên sóng truyền hình; đầu tư cho các tác phẩm và có chiến lược  trong cạnh tranh VHNT…

Thay mặt Hội đồng tiếp thu các ý kiến và tổng kết kỳ họp, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: Với một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Kỳ họp thứ 6 của Hội đồng đã cơ bản hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp, Hội đồng đã hoàn thành khối lượng công việc tương đối lớn, có những bước chuẩn bị tích cực cho những sự kiện quan trọng sẽ tổ chức trong thời gian tới. Các thành viên Hội đồng cũng đã  thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những hạn chế để có biện pháp khắc phục. 

Tuy nhiên, với 10 nhiệm vụ Hội đồng đã đề ra và được các thành viên thống nhất thực hiện đến cuối năm 2019, khối lượng công việc rất nhiều. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc, các thành viên Hội đồng phải bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao là tư vấn giúp Đảng và Nhà nước những vấn đề thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT, lấy chất lượng tư vấn làm thước đo đánh giá chất lượng các hoạt động của Hội đồng. Các Tiểu ban chuyên môn cần tích cực, chủ động hoạt động. Mỗi Tiểu ban đề xuất chủ đề nghiên cứu chuyên sâu, tiến hành tổ chức ít nhất 1 tọa đàm khoa học, gắn với việc khảo sát thực tế để tư vấn…

24 tập thể, cá nhân được trao Tặng thưởng tác phẩm lý luận phê bình VHNT

Tối 1-8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT xuất bản năm 2018. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Về phía Ban tổ chức có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương…

Theo Ban tổ chức, năm nay có 86 tác phẩm gửi về đề nghị Hội đồng xét thưởng, trong đó có 37 cuốn sách, 49 bài viết và chương trình phát thanh. Các tác phẩm được lựa chọn tặng thưởng trải đều cho cả 3 lĩnh vực chuyên ngành gồm lý luận chung; lý luận, phê bình văn học; lý luân, phê bình các loại hình nghệ thuật. Các tác phẩm đều có giá trị khoa học và thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí xét chọn của Hội đồng. So với kỳ tặng thưởng lần thứ 5, ở lần xét thưởng này, mặt bằng chung, chất lượng các tác phẩm được nâng cao, xuất hiện một số công trình tốt, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống VHNT. Đây là một biểu hiện sinh động cho thấy uy tín và sức thu hút từ Tặng thưởng của Hội đồng đối với giới lý luận, phê bình VHNT.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao tặng thưởng cho 15 tác phẩm tiêu biểu. Trong đó, 4 tác phẩm đạt mức A: “Lý luận và phê bình kiến trúc ở Việt Nam” (nhóm tác giả Hội Kiến trúc sư Việt Nam), “Trang phục người Việt Nam xưa – nay” (tác giả:  PGS.TS Đoàn Thị Tình), “Tiếp thu tinh hoa thi pháp kịch nước ngoài”, tập 2 (tác giả: Tất Thắng), “Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học” (tác giả: Trần Nho Thìn).

Ban tổ chức cũng đã trao 6 tác phẩm đạt mức B; 5 tác phẩm đạt mức C và tặng thưởng 9 đơn vị có nhiều đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình VHNT.

Ngọc Nguyễn
.
.
.