Không có gì mà ầm ĩ cả

Đánh tráo câu chữ

Thứ Sáu, 10/06/2016, 16:43
Mỗi một ngày "quái vật mạng xã hội" đòi một vật tế thần. Thông thường đó là một tiêu điểm nhảm nhí vô hại. Khi hết những thứ nhảm nhí thì những thứ bình thường trở thành vật tế.

Chương trình truyền hình "60 phút mở" thực ra là một chương trình bình thường.Khuôn kịch bản tạo ra tranh luận đa chiều về sự chia sẻ thông tin.Tiêu điểm là MC Phan Anh với chia sẻ thí nghiệm về cá chết.Vấn đề mở cho nhân vật đa chiều (các nhà báo, nhà xã hội học, nghệ sĩ…) thể hiện quan điểm của mình.

Sự việc chẳng có gì nếu không có ai đó đã đánh tráo chữ "tranh luận" bằng chữ "đấu tố".Chữ này đã thổi bùng lên sự bức xúc mang tính hoang đường.Chuyện xưa ở châu Âu, có diễn viên nhạc kịch đóng như thật đến nỗi một khán giả là sĩ quan đã không kiềm chế nổi đứng dậy bắn chết ngay nghệ sĩ. Hạ gục diễn viên xong, viên sĩ quan mới tỉnh ra đây là cảm xúc ảo, bèn tự sát.

Tại nghĩa địa, mộ hai người chôn cạnh nhau với lời đề trên bia "Diễn viên vĩ đại nhất" và "Khán giả vĩ đại nhất". Một kịch tác gia Đức đã cho rằng: Phải gọi đây là "diễn viên tồi nhất" và "khán giả tồi nhất" mới đúng. Diễn mà thật đến nỗi người xem quên mất kịch thì hết cả nghệ thuật.Khán giả đi xem kịch mà lại thiếu sự tỉnh táo thì trí não chưa trưởng thành.

Với truyền hình, khán giả của chúng ta xem “60 phút mở” đã xót xa vai diễn tiêu điểm và căm giận những diễn viên phản biện.Sự ngây thơ xét cho cùng có vô tội không?

Minh họa: Lê Tâm

Mới đây, sự kiện một cựu quân nhân Mỹ tham gia vụ thảm sát tại Thạnh Phong trở thành Chủ tịch Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt nam đã khiến cho dư luận tranh cãi việc khép lại quá khứ có phải là được phép quên hay xóa không?

Đây không phải là ảo mà câu chuyện có thực, cảm xúc có thực.Đây không phải là câu chữ mà là lịch sử.Thật mất cảnh giác nếu nghĩ lịch sử là cái không thể tẩy xóa được. Điều đó nằm trong nhận thức, trong tay của người dùng chữ. Sắp tới ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, chúng ta càng thấy trách nhiệm của người dùng chữ trong thời kỳ bùng nổ thông tin.

Trước đây, cụm từ "Chiến tranh Việt Nam" chỉ xuất hiện trên báo chí nước ngoài.Hiện nay cụm từ này dùng khá phổ biến trên báo ta.Dường như các tác giả trẻ cho rằng đây là cụm từ khách quan nhất.Dường như cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của chúng ta được đánh đồng với tất cả các cuộc xung đột bất kể tính chất.

Huyền thoại quyền anh Mohamed Ali đã từng từ chối nhập ngũ sang Việt Nam và bị tù đã nói: "Tại sao tôi phải đi 10 ngàn dặm để thả bom lên đầu những người Việt Nam vô tội trong khi ở Mỹ còn người da đen bị đối xử tệ bạc...".

Những lời đó cho thấy tính chất phi nghĩa của đội quân xâm lược.Người Việt cảm ơn ông. Với 117 năm chống hai đế quốc giành độc lập dân tộc từ 1858 tới 1975, từ không tấc sắt, tấc đất, người Việt Nam đã giành lại toàn vẹn đất đai của cha ông. Tất cả những chính thể bù nhìn bảo vệ quyền lợi của kẻ xâm lược không có tư cách để phát biểu.

Ngoại bang xâm lược có thể gọi là chiến tranh hay gì khác để che chắn các hành động phi nghĩa nhưng với người Việt thì không có lời nào chính xác hơn từ "kháng chiến". Từ này được ghi rõ nét trên tất cả các văn bản truyền thống và huân chương.Chúng ta chỉ có một lựa chọn là tự vệ.Người Việt không chấp nhận đánh tráo câu từ.

Còn bạn, khi bạn vui tươi hoặc phẫn nộ khi nghe một lời nói thì lời đó là ảo hay thật?

Lê Tâm
.
.
.