Di sản báo chí từ Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Thứ Năm, 20/06/2019, 14:11
Những cuốn sổ ghi chép đã nhuốm màu thời gian, những chiếc máy ảnh lâu đời đã không còn hiện diện trong đời sống thường nhật, những trang báo đã cũ, trang viết đã ố vàng… Hàng vạn hình ảnh, kỷ vật, tư liệu liên quan đến nghề báo, người làm báo Việt Nam đã được tập hợp về địa chỉ chung: Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến, Bảo tàng sẽ chính thức “trình làng” vào cuối năm 2019.

Bận rộn là điệp khúc của bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong hầu hết các cuộc hẹn gặp với chúng tôi dịp này. Bà cho biết, bên cạnh các hoạt động chuẩn bị cho thời điểm Bảo tàng ra mắt công chúng, đội ngũ cán bộ công nhân viên của Bảo tàng đang tập trung cho khá nhiều hoạt động song song khác: Triển lãm tư liệu hiện vật đã được sưu tầm, lập hồ sơ hiện vật, tìm kiếm, tiếp nhận hiện vật mới…

Ðây là những tư liệu hiện vật vô cùng trân quý, không chỉ đối với người hiến tặng mà còn là di sản chung của Báo chí Việt Nam cần được bảo vệ, giữ gìn, phát huy. May mắn là những người làm Bảo tàng đã nhận được sự đồng hành, ủng hộ rất lớn của những người từng làm báo, tham gia làm báo hoặc có các hoạt động liên quan. Sau hơn chục lần tổ chức phát động tiếp nhận hiện vật, đến nay, Bảo tàng đã nhận được hơn 2 vạn hiện vật về Báo chí Việt Nam.

Các hiện vật được các nhà báo hiến tặng.

Gửi gắm nhiều kỳ vọng, đó cũng là tâm tình chung đối với Bảo tàng Báo chí Việt Nam của hầu hết các nhà báo mà chúng tôi có dịp tiếp cận. Trân trọng trao lại cho Bảo tàng một số bản thảo, bài giảng đầu tiên của cố nhà báo Quang Ðạm, nhà báo Hồng Chương từ năm 1977 đến năm 1989 và 10 cuốn sách “Tâm tình từ con số 7” của chính mình, nhà báo Trần Bá Lạn, nguyên trưởng khoa Báo chí đầu tiên của trường Tuyên giáo trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: Khi biết tin Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thành lập, chúng tôi vô cùng vui.

Dù khả năng còn hạn chế, chúng tôi vẫn động viện nhau cố gắng sưu tầm, tìm lại một số tài liệu, hiện vật, các hồ sơ, văn  bản hoặc các bài có ý nghĩa cho hoạt động báo chí Việt Nam cho thời kỳ lịch sử mà chúng tôi được chứng kiến. Hy vọng, Bảo tàng sẽ đánh thức những hiện vật lâu nay vẫn “ngủ quên” trong các kho tư liệu để chúng trở thành những câu chuyện sống động không những về làm báo, nghề báo, người làm báo mà còn là những năm tháng sống, chiến đấu, xây dựng, bảo vệ đất nước của quân, dân ta.

Xưởng in Ban Giáo dục Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam qua tư liệu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Trao lại cho Bảo tàng 15 cuốn sách sân khấu của một số tác giả tiêu biểu, nhà văn, nhà báo Ngô Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên TBT tờ Tạp chí Sân khấu, Giám đốc NXB Sân khấu xúc động chia sẻ, với ông, Bảo tàng Báo chí là công trình vô cùng đặc biệt. Bảo tàng không chỉ ghi nhận công lao của các nhà báo mà quan trọng hơn, Bảo tàng là nơi để các thế hệ biết các nhà báo đã làm được những gì cho cuộc chiến đấu và chiến thắng của dân tộc trong kháng chiến cũng như những năm tháng bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Lâu nay, các tài liệu lưu lạc khắp nơi.

Mấy chục năm chiến tranh và đến tận hôm nay, nhiều tài liệu đã bị quên dần đi. Chính Bảo tàng sẽ là nơi gìn giữ và phát huy các tư liệu hiện vật đặc biệt này. Vì vậy mà không chỉ hôm nay và các năm tiếp theo, ông sẽ còn tiếp tục hiến tặng các tài liệu mà bản thân đã gìn giữ, tìm kiếm được.

Thực tế, trong kho tư liệu khá đồ sộ của Bảo tàng Báo chí Việt Nam lưu giữ, chúng tôi còn bắt gặp vô số các hiện vật đã từng được các tập thể, cá nhân làm báo trân trọng, giữ gìn nhiều năm. Ðó là máy ghi âm Marantz, Camera Panasonic M9000 sử dụng từ 1992 và đầu đọc băng cối được cán bộ công nhân viên của Ðài PTTH Ninh Bình sử dụng nhiều chục năm trước. Ðó là Camera Panasonic AJ D200, monitor Sony dùng trong trường quay gắn bó với Ðài Phát thanh và truyền hình Bắc Giang suốt từ năm 1992 đến năm 2012.

Cũ và quý hiếm hơn nữa là khá nhiều hiện vật do gia đình cố nhà báo, luật sư Phan Anh đã hiến tặng: Ðĩa CD sưu tập báo Thanh Nghị, sách viết về luật sư, nhà báo Phan Anh, nhiều bài viết về hiến pháp và quyền lập hiến và một số bức ảnh gắn bó với cuộc đời hoạt động của ông. Những kỷ vật quý gắn liền với quá trình công tác của cố nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão luyện Trần Văn Lưu được gia đình hiến tặng, trong đó có bức ảnh trụ sở báo Ðộc lập năm 1948, 4 máy ảnh hiệu Hacoflex, Kodak và Pheinmetall được ông sử dụng từ 1945-1954, máy chữ hiệu Hermes Baby và sưu tập báo nước ngoài…

Cố nhà báo Quang Ðạm (Tạ Quang Ðệ), một trong những Ủy viên Ban Biên tập đầu tiên của Báo Nhân Dân, nổi tiếng với thành công chủ yếu nhờ tự học và được đánh giá là một nhà báo có học vấn uyên thâm cũng “hiện diện” với 2 bản thảo viết tay: “Báo chí Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám” và “Con đường báo chí đi theo Trường Chinh”; đồng hồ để bàn hiệu SLAVA do Liên Xô sản xuất được cố nhà báo sử dụng trong khi làm việc tại báo Nhân Dân cho đến lúc về hưu và một số kỷ vật quý khác.

Không chỉ có người làm báo trong nước mà Bảo tàng còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ tư liệu hiện vật từ các cá nhân người nước ngoài.

Cố nhà báo thuộc dòng dõi hoàng tộc – ông Nguyễn Minh Vỹ (tên thật là Tôn Thất Vỹ), người đã tham gia và có nhiều đóng góp cho cách mạng từ năm 1928, là cây viết quen thuộc của nhiều báo như Tràng An, Tiếng Dân, Nhành lúa, từng làm báo Sự Thật Liên khu V, Chủ nhiệm báo Thống Nhất đã “đến” với Bảo tàng bằng rất nhiều tư liệu báo chí, trong đó có báo Thống Nhất, số kỷ niệm 25 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, số 55, ra ngày 28-8-1970, 1 đài Sony được ông sử dụng sau năm 1975…

Cố nhà báo Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân cũng “hiện diện” bằng bức ảnh 2 người chụp chung khi còn là phát thanh viên của Ðài Tiếng nói Việt Nam đang truyền thanh tại chỗ nhân dịp Quốc khánh 2-9-1960, tại Quảng trường Ba Ðình, bức ảnh phóng viên Nguyễn Văn Nhất phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Ðồng, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại hội nghị Fontainebleau ngày 31-5-1946 mà còn nhiều huân huy chương, thẻ nhà báo…

Nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTX Việt Nam, người đã chứng kiến giờ phút hân hoan người dân Sài Gòn giải phóng trưa ngày 30-4-1975 xuất hiện tại Bảo tàng với bức ảnh nổi tiếng trong lịch sử: xe tăng tiến vào Dinh Ðộc Lập và cả cuốn sách “Năm tháng xa xanh”…

Bày tỏ kỳ vọng về Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhà báo Hà Ðăng, nguyên TBT Báo Nhân dân và TBT Tạp chí Cộng sản cho hay, ông đã trao tặng Bảo tàng khá nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời làm báo của mình qua các thời kỳ. Là người làm báo lâu năm, ông tin tưởng, Bảo tàng nói được sự ra đời, những đóng góp của báo chí Việt Nam. Người làm báo đến bảo tàng sẽ được sống lại những năm tháng mà bản thân mình cũng có đóng góp vào đó.

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bà Trần Kim Hoa chia sẻ: Bảo tàng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập ngày 28-7-2017 và hiện tại đang triển khai thi công để có thể hoàn thành trưng bày vào cuối năm 2019. Với một khối lượng công việc đồ sộ, chuẩn bị cho ngày ra mắt, Bảo tàng đã may mắn nhận được sự hỗ trợ rất to lớn của các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân, các nhà báo, gia đình nhà báo và công chúng báo chí trong cả nước.

Người làm Bảo tàng luôn mong muốn tập hợp được nhiều nhất, phát huy tốt nhất các giá trị di sản văn hóa báo chí Việt Nam. Nhưng, làm được điều này, chắc chắn, chỉ có nỗ lực của người làm Bảo tàng thôi thì chưa đủ. Ngoài sự ủng hộ của các ngành, các cấp, của người làm báo nhiều thế hệ, chắc chắn, trong tương lai, Bảo tàng sẽ còn cần đến sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác.

Các nhà sưu tập tư nhân là một điển hình. Bởi lẽ, sau những năm tháng chiến tranh và nhiều chục năm sau này, đã có rất nhiều hiện vật báo chí đang “lưu lạc” khắp nơi, trong đó có các bộ sưu tập của các cá nhân yêu thích sưu tầm…

Ngọc Nguyễn
.
.
.