Chu Chí Thành và những bức ảnh “hướng tới tương lai”

Thứ Năm, 20/06/2019, 10:55

Chu Chí Thành là một cựu phóng viên chiến trường của Thông Tấn xã Việt Nam, đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012) với cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”; gồm 4 bức ảnh: “Thoát khỏi ngục tù”, “Nghẹn ngào đón mừng các chiến sĩ thắng lợi trở về”, “Hạnh phúc của những người chiến thắng” và “Những bước đi đầu tiên trên vùng giải phóng”…

Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông, nhiều bức ảnh thể hiện khát vọng hướng tới ngày mai, hòa bình và hữu nghị giữa những người từng là kẻ thù trên chiến trường.

Từ bức ảnh “hai người lính” mang khát vọng thống nhất, hòa hợp…

Một ngày đầu hè nhưng cái lạnh vẫn còn se sắt, tôi đến thăm nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, người có nhiều bức ảnh “để đời” về đề tài chiến tranh. Trong căn nhà có mặt ngõ khá rộng ở đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông thân mật và nhiệt tình tiếp tôi. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những bức ảnh nổi tiếng. Như bức “Hai người lính” của Chu Chí Thành được nhiều người quan tâm và dõi theo số phận nhân vật trong ảnh.

Mẹ của phi công Markham Ligon Gartley vui mừng được gặp và đón con về Mỹ.

Bức ảnh được chụp tháng 3-1973 tại Quảng Trị, ở vùng giáp ranh hai miền đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Trong ảnh, người lính giải phóng vận bộ quân phục quen thuộc, đầu đội mũ tai bèo và người lính quân đội Sài Gòn trong bộ rằn ri, khoác vai nhau thân mật đến mức nếu họ mặc quần áo dân sự thì đó chỉ có thể là hình ảnh của hai người bạn chí cốt…

Bối cảnh chụp đã được Chu Chí Thành kể lại sau khi ông công bố bức ảnh vào năm 2009. Năm 1973, Chu Chí Thành là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, có mặt tại Quảng Trị để ghi lại hình ảnh của cuộc trao trả tù binh giữa các bên, diễn ra tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Với sự nhạy cảm của một phóng viên chiến trường, ông đã chụp được nhiều bức ảnh chân thực, phản ánh khát vọng hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc.

Bức ảnh "Hai người lính" mang thông điệp hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc.
Hai người lính Nguyễn Huy Tạo (bìa trái) và Bùi Trọng Nghĩa. Ảnh: tienphong.vn
 

Người cựu phóng viên chiến trường nhớ lại: “Khi đó, ban ngày thì những người lính phía Việt Nam Cộng hoà sang chơi, còn ban đêm thì nhóm bộ đội miền Bắc lại vẫy tay gọi í ới chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh, hút thuốc lá Ðiện Biên. Thực sự, tôi cứ ngỡ là chuyện đùa giữa thời chiến”.

Hôm đó, Chu Chí Thành chụp được bức ảnh một số lính thuỷ quân lục chiến Sài Gòn nói chuyện với các nữ dân quân địa phương. Khi vừa chụp xong thì một người lính Cộng hoà bất ngờ gọi, nhờ ông: “Anh nhà báo ơi, chụp cho em một bức ảnh kỷ niệm với anh lính giải phóng”. Chu Chí Thành ngạc nhiên nhưng rất nhanh chóng chỉnh ống kính, bấm máy ghi lại hình ảnh hai người lính thân mật khoác vai nhau…

Chu Chí Thành nhớ lại: “Sau đó họ gặp gỡ nhau vui vẻ nói chuyện một lúc rồi giải tán. Trong bối cảnh chính trị lúc đó, tôi thấy là một hiện tượng rất lạ. Vào thời khắc đó, tôi nghĩ hình ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau chính là biểu tượng của khát vọng hoà bình, thống nhất đất nước. Khi đó, tôi nghĩ rằng ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc”.

Sau này, Chu Chí Thành đã nhiều năm tìm kiếm nguyên mẫu trong ảnh nhưng phải đến khi có sự vào cuộc của cộng đồng mạng, đặc biệt là các báo Tuổi trẻ, Tiền Phong… thì mọi việc mới được minh định. Ðến thời điểm này (tháng 5-2019), hai người lính đều còn mạnh khỏe. Họ là Nguyễn Huy Tạo (phía quân Giải phóng) và Bùi Trọng Nghĩa (phía quân đội Sài Gòn) và họ đã gặp lại nhau, gặp lại tác giả bức ảnh “Hai người lính”.

NSNA Chu Chí Thành tại nhà riêng, tháng 3-2019. Ảnh: Duy Hiển.

Ðến “Hạnh phúc trong mơ” tại Hà Nội của viên phi công tù binh Mỹ

Từ tháng 3 năm 1965, Mỹ chính thức đưa quân sang Việt Nam trực tiếp tham chiến và nhiều binh sỹ của họ đã trở thành tù binh. Chiến tranh ngày một leo thang và bom đạn Mỹ hằng ngày trút lên khắp đất nước Việt Nam, đồng nghĩa với việc ngày trở về cố hương của của các tù binh Mỹ càng thêm xa vời, mù mịt. 

Tuy nhiên, xuất phát từ truyền thống nhân đạo và hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã không ít lần chủ động phóng thích tù binh Mỹ, mà không đặt bất cứ điều kiện nào với phía Hoa Kỳ.

Và Chu Chí Thành lại “có duyên” với những hình ảnh hướng tới hòa bình, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Mỹ, khi ông được phân công chụp ảnh lễ phóng thích 3 tù binh Mỹ tại Hà Nội và tháng 9 năm 1972, trước thời điểm chụp bức ảnh “Hai người lính” nửa năm.

Ngày 1-9-1972, Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam ra lệnh phóng thích 3 tù binh Mỹ, là phi công bị bắt giữ trong trường hợp lái máy bay dội bom xuống miền Bắc Việt Nam. Ðó là các tù binh: Markham Ligon Gartley, sinh ngày 16-5-1944, cấp bậc trung úy hải quân, số lính 703.644 thuộc đại đội VF 142 tàu Constellation, lái máy bay F.4B, bị bắt ngày 17-8-1968 tại Nghệ An; Norris Alphonzo Charles, sinh ngày 4-8-1945, cấp bậc trung úy hải quân, số lính 755.256 thuộc đại đội VF III, tàu U.S.S. Coral Sea, lái máy bay F.4B, bị bắt ngày 30-12-1971 tại Hà Tĩnh; Edward Knight Elias, sinh ngày 16-1-1938, cấp bậc thiếu tá không quân, số lính 492.64.9169 FR, thuộc đại đội trinh sát chiến thuật 432, căn cứ Udon, Thái Lan, lái máy bay RF 4C, bị bắt ngày 20-4-1972 ở Quảng Bình.

Niềm hạnh phúc của Norris Alphonzo Charles khi gặp lại người vợ Olga Charles trong lễ phóng thích tại Hà Nội năm 1972.

Buổi lễ phóng thích diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17-9-1972. Phía Việt Nam có luật sư Bùi Thị Cẩm, Ủy viên Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ; đại diện một số đơn vị chức năng; phía Mỹ có bà Cora Weiss, đại diện Liên minh nhân dân vì hòa bình và công lý Mỹ; đại diện một số cơ quan ngoại giao và báo chí quốc tế tại Hà Nội.

Phát biểu khi được tiếp nhận 3 phi công tù binh, bà Cora Weiss đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc và trân trọng sự nhân đạo của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Bà khẳng định: “Con đường duy nhất để những phi công Mỹ đang bị giam giữ ở Việt Nam được trở về nước là chấm dứt chiến tranh”.

Chu Chí Thành nhớ lại: “Ðịa điểm phóng thích là trụ sở của một đơn vị quân đội trên phố Lý Nam Ðế - Hà Nội, có hội trường khá rộng. Ba phi công tù binh được đưa từ nhà tù Hỏa Lò sang. Hai tù binh Markham Ligon Gartley và Norris Alphonzo Charles có lẽ là người hạnh phúc nhất khi được mẹ, vợ sang tận Hà Nội đón nhận.

Mẹ của Markham Ligon Gartley là một người phụ nữ rất đẹp, quý phái. Bà tỏ rõ niềm vui rạng ngời trong ánh mắt khi gặp lại con trai và cảm kích trước sự nhân đạo của phía Việt Nam. Còn tù binh Norris Alphonzo Charles được vợ là Olga Charles sang đón. Họ đã xúc động ôm lấy nhau với niềm hạnh phúc như trong mơ ngay tại Hà Nội, nơi Charles đã từng giội bom và trở thành tù binh”…

Những khoảnh khắc xúc động đó, đều được Chu Chí Thành lưu lại bằng những bức ảnh khắc họa niềm vui và hạnh phúc của 3 phi công tù binh Mỹ cũng như thân nhân của họ

Từ “Hai người lính” đến “Hạnh phúc trong mơ”, những bức ảnh giàu tính nhân văn, khát khao thống nhất, hòa bình và hữu nghị của Chu Chí Thành đã trở thành hiện thực. Nước Việt Nam đã thống nhất, đồng bào Nam – Bắc sum họp một nhà vào năm 1975; Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995 và hiện tại là đối tác toàn diện, có quan hệ hữu nghị, hòa bình, tin cậy.

Ðó là chữ “duyên” của một người nghệ sĩ, chiến sĩ cầm máy ảnh Chu Chí Thành.

Trần Duy Hiển
.
.
.