Cục Bản quyền tác giả phủ nhận việc đồng ý cho VCPMC thu tiền khách sạn có tivi
Cuối giờ chiều ngày 28-9, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã lên tiếng khẳng định, Cục chưa bao giờ có văn bản hay lời nói thể hiện sự đồng ý hay cho phép Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc của khách sạn, đặc biệt là khoản thu đối với khách sạn có tivi như báo chí đưa tin những ngày qua.
- Hoang mang vì sử dụng tivi phải trả phí bản quyền âm nhạc
- Thực thi bản quyền về văn học, nghệ thuật: Vướng… như gà mắc tóc
- Khi bản quyền lại rối như… canh hẹ
Trước đó, từ tháng 5-2017, hàng loạt các khách sạn tại Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối việc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) triển khai thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc đối với các khách sạn có tivi. Theo các chủ khách sạn này, VCPMC thu như thế là vô lý, là thu phí chồng phí và tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc phải do các đài truyền hình, nhà cung cấp dịch vụ phát sóng chi trả.
Sau rất nhiều những tranh cãi từ các chuyên gia, nhà quản lý, luật sư, công chúng vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Cho rằng việc thu tiền bản quyền âm nhạc của VCPMC đang có phần taọ bất ổn trong xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Trung tâm tạm dừng việc thu phí khách sạn và phải minh bạch thu, chi tiền bản quyền tác phẩm âm nhạc.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả |
Trong bản tổng kết 6 tháng đầu năm sau đó của VCPMC cho rằng quyết định can thiệp của Bộ đã khiến doanh số của Trung tâm sụt giảm nghiêm trọng. Tháng 9-2017, Trung tâm tiếp tục công bố thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc đối với khách sạn, trong đó có khoản thu 25.000đồng/tivi của khách sạn. Trong thông tin phát đi, Trung tâm khẳng định, việc thu tiền này đã được Cục Bản quyền tác giả đồng ý.
Ngay sau đó, nhiều chủ khách sạn và Hiêp hội khách sạn Đà Nẵng đã lập tức phản đối, cho rằng sẽ không chi 1 đồng nếu thấy khoản thu không hợp lý.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Bùi Nguyên Hùng khẳng định, việc VCPMC triển khai thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc đối với các khách sạn, kể cả khoản thu với tivi đều đúng quy định pháp luật. Thế nhưng, việc thu tiền này phải có sự đồng thuận của bên sử dụng. Ông Hùng cũng cho rằng, mức phí 25.000 đồng/tivi mà VCPMC áp giá cho các khách sạn là chưa hợp lý.
Cũng theo ông Bùi Nguyên Hùng, hoạt động bảo vệ bản quyền, trong đó có bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là rất cần thiết. Đây là việc làm chính đáng, cần thiết để bảo vệ người hoạt động sáng tạo, kích thích họ làm nên nhiều tác phẩm hay, cống hiến cho cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, việc thu tiền phải đảm bảo quyền lợi của cả 3 bên gồm chủ thể quyền, người sử dụng tác phẩm và quyền thưởng thức tác phẩm của công chúng. Thu tiền bản quyền tác giả âm nhạc với khách sạn, nhà hàng không là trường hợp ngoại lệ. Đây là một dạng thỏa thuận dân sự, Cục Bản quyền tác giả không can thiệp song cơ quan quản lý sẽ dừng hoạt động thu tiền bản quyền của VCPMC nếu việc làm này tiếp tục gây bất ổn trong xã hội.
Ông Hùng còn khuyến cáo, VCPMC nên cân nhắc thiệt hơn, “nếu thấy khoản thu nào không đáng” thì không nên cố thu bằng mọi giá. Bởi lẽ, bản quyền tác giả âm nhạc rất rộng lớn, nơi nào mang về nguồn thu lớn, đã minh bạch, dễ tiến hành thì thực hiện trước. Các khu vực mang về ít kinh phí, còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng thì nên tạm gác lại…