Chuyện bên lề một bài hát nổi tiếng về người anh hùng nhỏ tuổi

Thứ Năm, 09/06/2016, 09:52
Bài hát “Nguyễn Bá Ngọc – người thiếu niên dũng cảm” của nhạc sỹ Mộng Lân là một trong những ca khúc thiếu nhi hay nhất của nhạc sỹ Mộng Lân cũng như của kho tàng bài hát dành cho tuổi thơ Việt Nam.

Năm 1965, cái chết của cậu thiếu niên 13 tuổi Nguyễn Bá Ngọc đã khiến những ai biết chuyện cũng phải rơi nước mắt vì cảm kích và thương xót. Nguyễn Bá Ngọc quê ở thôn Ngọc Trà 1, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian này, các tỉnh từ Thanh Hóa trở vào Quảng Bình, Vĩnh Linh là mục tiêu bắn phá rất ác liệt của máy bay Mỹ. Sáng ngày 4-4-1965, một tốp máy bay Mỹ đột ngột xuất hiện quần thảo, gầm rú trên bầu trời Quảng Xương. Lúc này, Nguyễn Bá Ngọc cùng các bạn đang bắt ngao ở bến sông Ghép (cậu vẫn thường xuyên ra sông này bắt ốc, ngao về cho mẹ). Bỗng cậu nghe tiếng những loạt bom nổ dữ dội ở phía nhà mình và thấy nhiều nhà bị cháy, bốc khói mù mịt. Cậu lao về xem tình hình của mẹ và các em ra sao. Thấy tất cả đã xuống hầm an toàn, cậu tạm thời yên tâm. Nhưng đúng lúc đó cậu lại thấy bên nhà hàng xóm có hai em nhỏ là Ong và Đơ chưa xuống được hầm, đang khóc thét.

Không một giây lưỡng lự, Ngọc quyết định ra khỏi hầm để bế hai em xuống. Trong lúc loay hoay một tay bế đứa nhỏ, tay kia dắt đứa lớn thì Ngọc bị trúng mảnh bom, máu ra quá nhiều, lênh láng, ướt đẫm chiếc áo. Sau đó được bà hàng xóm tên Lê Thị Khoát băng bó vết thương rồi đưa đi bệnh viện, nhưng vì mất quá nhiều máu, ngày hôm sau, cậu đã hy sinh (5-4-1965).

Cuối năm 1965, trong một lần về thâm nhập thực tế sáng tác ở huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, nhạc sỹ Mộng Lân đã nghe người dân ở đây kể lại chuyện Nguyễn Bá Ngọc quên thân mình cứu hai em nhỏ. Đặc biệt, ông có dịp tiếp xúc với bà Lê Thị Khoát là người trực tiếp băng bó vết thương cho Ngọc và đưa cậu đi bệnh viện kể lại tường tận diễn biến sự việc Ngọc hy sinh.

Cảm kích, xúc động trước hành động vô cùng quả cảm của cậu thiếu niên anh hùng, Mộng Lân đã viết nên bài hát. Khi ấy, ông làm việc ở Ban Âm nhạc thiếu nhi Đài Tiếng nói Việt Nam nên khi trở về đã thuận lợi trong việc phổ biến bài hát này. Bài hát súc tích, có giai điệu trong sáng, dễ hát, dễ thuộc nên nhanh chóng được thiếu nhi cả nước ưa thích và trở nên nổi tiếng.

Ngày ấy, chưa có nhiều báo chí và các loại hình truyền thông phong phú khác như bây giờ nên sự việc Nguyễn Bá Ngọc dũng cảm quên thân mình cứu hai em nhỏ không dễ được đông đảo người dân khắp nơi biết đến. Nhưng sự lây lan của bài hát đã khiến người ta biết đến tấm gương này.

Tuy nhiên, Nguyễn Bá Ngọc trong một thời gian dài vẫn chưa được truy phong danh hiệu Anh hùng mặc dù hành vi của cậu là quá quả cảm, tấm gương của cậu là quá chói sáng, chẳng khác gì những anh hùng trẻ tuổi trong quá khứ.

Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/2001), Thủ tướng Phan Văn Khải cũng nói: “Nhân dân và các thế hệ trẻ nước ta mãi mãi ghi nhớ chiến công và tên tuổi các Anh hùng liệt sỹ trẻ tuổi như Kim Đồng, Vừ A Dính, Lê Văn Tám, Kpa KLon, Nguyễn Bá Ngọc…”, nhưng các cơ quan có trách nhiệm xúc tiến các thủ tục để truy tặng danh hiệu anh hùng cho Nguyễn Bá Ngọc thì vẫn như bỏ quên trường hợp này.

Mỗi lần một nhà báo nào có dịp đến quê hương Nguyễn Bá Ngọc ở Quảng Xương lại đến thăm tượng đài cậu thiếu niên dũng cảm và ngôi trường mang tên cậu được dựng ở quê hương này, rồi họ lại viết bài nhắc lại sự việc Ngọc chưa được phong. Và thế là tháng 3 vừa qua, Nguyễn Bá Ngọc đã chính thức được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Năm 2000, trong một lần về sáng tác ở Thanh Hóa, tôi đã tìm đến gia đình Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc. Lúc này, thân phụ của Nguyễn Bá Ngọc là cụ Nguyễn Bá Bôi đã ở tuổi 89 nhưng vẫn còn khỏe, minh mẫn. Tôi hát cho cụ nghe trọn vẹn bài hát của nhạc sỹ Mộng Lân. Cụ đã không cầm được nước mắt và nói: “Chúng tôi làm cha mẹ luôn dạy Ngọc và các em nó phải luôn giữ đạo lý làm người, giữ tâm trong sáng, sống phải biết vì người khác, thương người như thể thương thân. Tiền bạc là cần nhưng rồi cũng hết. Chỉ có danh dự và nhân phẩm mới còn lại, để tiếng cho đời”.

Rồi cụ bày tỏ nguyện vọng muốn cố sống thêm đến ngày được nhìn thấy cái bằng công nhận Anh hùng cho cậu con giai. Khi ấy nếu cụ có nhắm mắt cũng là thanh thản, quá hạnh phúc. Cụ chỉ mong một điều như thế khi đã rất gần đất, xa trời.

Nhưng thật đáng buồn và tiếc là cụ không thể chờ được đến ngày con trai được truy tặng danh hiệu. Ngày 5/4/2007, cụ từ biệt cõi tạm để về yên nghỉ chốn vĩnh hằng, hưởng thọ 97 tuổi. Có một điều trùng hợp kỳ lạ là cụ ra đi đúng ngày, tháng Nguyễn Bá Ngọc hy sinh 42 năm về trước (Ngọc mất ngày 5/4/1965).

Một cụ già bình thường như bao người bình thường khác nhưng đã răn dạy, rèn giũa nên một người con là Anh hùng. Trước khi nhắm mắt, xuôi tay chỉ có duy nhất một nguyện vọng chính đáng nhưng bị lỡ. Giá mà những ai đó làm công việc hành chính, xúc tiến các thủ tục nhanh để Nguyễn Bá Ngọc được nhận danh hiệu sớm hơn cho người cha khả kính kia được toại nguyện?

Ngôi trường mang tên Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc.

Có thể vì thế mà cụ sẽ sống thêm được đến trăm tuổi. Biết đâu? Về sự chậm trễ này, UBND xã Quảng Trung cho biết: Năm 1996 được trên hướng dẫn về việc làm hồ sơ để phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Nguyễn Bá Ngọc, xã đã kịp thời làm ngay mọi giấy tờ văn bản gửi đi. Sau đó, họ nhận được thông báo quyết định phong tặng cho Nguyễn Bá Ngọc sẽ được gửi về huyện Quảng Xương. Tất cả lãnh đạo xã cùng gia đình Nguyễn Bá Ngọc đợi mỏi mắt, cuối cùng chẳng thấy đâu.

Trong buổi chờ đợi này còn có cả Bí thư Tỉnh đoàn khi ấy. Nhân dân cả xã Quảng Trung buồn phiền mãi chuyện này cho đến tháng 3 năm nay, khi được Chủ tịch nước ký quyết định chính thức truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Nguyễn Bá Ngọc, tâm trạng ấy mới được giải tỏa.  

Lần về xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương ấy, tôi cũng có ý hỏi thăm hai anh em có tên độc đáo là Ong và Đơ (1 và 2 theo tiếng Pháp. Không hiểu vì sao cha mẹ lại đặt tên hai em như vậy), được Nguyễn Bá Ngọc che chở nên đã thoát được làn bom đạn của giặc.

Không gặp được hai người nhưng tôi được biết: Người anh tên Ong đã trở thành sỹ quan cấp tá trong Quân đội đang đóng quân ở Vũng Tàu. Sau lần đó, về Hà Nội, tôi có kể chuyện này cho nhạc sỹ Mộng Lân nghe. Ông cứ nghĩ Nguyễn Bá Ngọc đã được phong danh hiệu Anh hùng từ lâu vì thời điểm đó, hành động dũng cảm của cậu đã lùi vào quá khứ 35 năm.

Nhạc sĩ Mộng Lân hoàn toàn cảm thông và chia sẻ với gia đình và chính quyền xã Quảng Trung và có nói với tôi là ông sẽ tìm cách tác động, nhắc nhở thế nào đó với cơ quan xúc tiến việc công nhận này. Không hiểu sau đó, ông có thực hiện được không. Lại một sự trùng lặp nữa: Nhạc sỹ Mộng Lân cũng qua đời cùng năm với người cha của Nguyễn Bá Ngọc – 2007. Tuy nhiên, tác giả bài hát để đời viết về Nguyễn Bá Ngọc chỉ thọ được 71 tuổi (Mộng Lân sinh năm 1936), còn cụ thân sinh ra người anh hùng trẻ tuổi sống được 97 tuổi như đã nói (cụ sinh năm 1910).

Ngày nay, nếu ai đến xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa sẽ được nhìn bức tượng tạc hình Nguyễn Bá Ngọc che chở cho hai em nhỏ Ong và Đơ năm xưa. Tên người anh hùng 13 tuổi này còn được đặt cho trường của xã – Trường THCS Nguyễn Bá Ngọc. Bài hát của nhạc sỹ Mộng Lân viết về gương Anh hùng của Nguyễn Bá Ngọc luôn được các em học sinh trường này và tất cả các trường ở Thanh Hóa hát vang trong những kỳ họp mặt tập thể: “Trên đất nước anh hùng ngày ngày ghi những chiến công/ Gương anh Nguyễn Bá Ngọc sáng soi rực rỡ núi sông.”

Nguyễn Đình San
.
.
.