Chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công”: Những hi sinh không thể lãng quên

Thứ Bảy, 17/08/2019, 10:25
Sáng 10-8, hàng trăm người dân địa phương cùng nhiều cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an đã đến thắp nén nhang tưởng nhớ và tiễn biệt đồng chí Phạm Minh Tú, Công an viên xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Anh ra đi giữa cơn lũ dữ khi đang làm nhiệm vụ giúp dân.

Cách đó chỉ vài ngày, vào tối 3-8, đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, cũng hi sinh khi giúp dân chống lũ...

Năm qua, lực lượng Công an đã lập nhiều chiến công xuất sắc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và, máu người chiến sĩ công an vẫn đổ trên mọi trận tuyến…

Núi rừng tiễn đưa anh

Tối 3-8, đồng chí Thao Văn Súa rời ngôi nhà ấm áp ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn đi kiểm tra các hộ gia đình có nguy cơ bị sạt lở trong cơn lũ. Nhi Sơn cùng 2 xã khác của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn. Trời mưa to, nước từ thượng nguồn ào ào đổ về. Núi đất đá ở khu vực gần trường Tiểu học Nhi Sơn bất ngờ đổ ập xuống... 6 giờ sáng hôm sau người ta mới tìm được thi thể đồng chí Súa và đưa về an nghỉ.

Vợ con anh bàng hoàng trước nỗi đau tột cùng. Người phụ nữ ở tuổi 32 vốn đã già trước tuổi do vất vả mưu sinh, giờ trở nên suy sụp. Chị bất đắc dĩ trở thành trụ cột cho những đứa con.

Chỉ sau đó chưa đầy 1 tuần, ngày 10-8 người dân xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, lại nghẹn lòng đưa tiễn đồng chí Phạm Minh Tú, công an viên về với đất mẹ sau khi dũng cảm giúp dân trong dòng nước lũ.

Chị Thào Thị Dơ, vợ đồng chí Thao Văn Súa.

Trong năm qua, đã có thêm những chiến sĩ Công an bị thương, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ. Nhiều người vợ, người mẹ đã cạn dòng nước mắt. Họ nén nỗi đau để tiếp tục cuộc sống thiếu vắng người đàn ông trụ cột, thay chồng nuôi con. Câu chuyện về người cán bộ địa bàn ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, hi sinh đúng vào mùng 3 tết Nguyên đán 2018 là minh chứng điển hình cho sự gian khổ của người chiến công an giữa thời bình và những mất mát không thể đong đếm với người thân, đồng đội.

Giáp tết 2018, Công an tỉnh Điện Biên mở đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán. 16 CBCS (trong đó có đồng chí Mào Văn Long) xuống các địa bàn trọng điểm để chủ động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động “Vương quốc Mông”, tà giáo “Giê Sùa”.

Mào Văn Long (SN 1983), đã có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với số đối tượng hoạt động “Vương quốc Mông” lại thông thạo địa bàn, có uy tín với quần chúng nhân dân nên được phân công làm tổ trưởng tổ công tác đảm bảo an ninh trật tự tại huyện Mường Nhé và trực tiếp phụ trách xã Mường Nhé. Đây là địa bàn trọng điểm mà các đối tượng “Vương quốc Mông” thường lợi dụng để hoạt động chống phá.

Thực hiện nhiệm vụ xác minh, đấu tranh vô hiệu hóa 2 đối tượng hoạt động lập “Vương quốc Mông” ở bản Nậm Pố, Nậm Là thuộc xã Mường Nhé, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, lại ở trong vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn nên đồng chí Mào Văn Long nhiều lần bị dính mưa, cảm lạnh. Do thường xuyên phải di chuyển địa bàn, anh chỉ mang thuốc do đơn vị cấp, chưa nhập viện khám bệnh để cố gắng hoàn thành nốt nhiệm vụ được giao. Tết Nguyên đán 2018, anh lại bước vào đợt cao điểm mới.

Đại diện Cục truyền thông CAND thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau với gia đình đồng chí Thao Van Súa. Ảnh: Thiện Minh.

Trong cuộc trò chuyện điện thoại hiếm hoi với vợ ở vùng bắt được sóng, Long chia sẻ với vợ về sức khỏe, cũng không ngờ sau đó bệnh trở nên trầm trọng. Vợ anh - cô giáo mầm non Phạm Thị Phúc ở bản Mường Nhé lo lắng cho sức khỏe của chồng nên khuyên anh về nghỉ ngơi, dưỡng bệnh. Nhưng, Long hẹn vợ xong nhiệm vụ mới trở về. Và, anh cũng đâu ngờ, đó là lần cuối vợ chồng trò chuyện.

Sáng mùng 3 tết, sức khỏe của Mào Văn Long bất ngờ suy sụp. Đồng đội ở địa bàn vội vàng đưa xe máy chở anh về nhà. Phúc nhìn thấy chồng, nước mắt cứ ứa ra. Anh không thể nói chuyện với vợ và 2 đứa con nhỏ được nữa. Ngay sau đó anh được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé nhưng không kịp. Núi rừng Tây Bắc mãi mãi mất đi một người chiến sĩ an ninh với những bước chân không biết mỏi. Đồng đội sẽ thay anh làm nhiệm vụ giữ yên bản làng nhưng còn gia đình anh? Những đứa con chưa đủ tuổi cảm nhận nỗi mất mát lớn lao.

Cô con gái nhỏ Mào Gia Linh nhiều đêm liền giật mình thức giấc, thì thào bên tai mẹ: “Con nhớ bố lắm!”. Còn cậu con trai mới hơn 1 tuổi thì chẳng thể hiểu để mà bày tỏ nỗi nhớ.

Âm vang những chiến công

Tối 15-8, những vị khách đầu tiên của Chương trình Giao lưu nghệ thuật “Âm vang chiến công” của Báo CAND và Truyền hình ANTV - Cục Truyền thông CAND (diễn ra tối 16-8) đã có mặt tại Hà Nội. Mẹ con chị Phạm Thị Phúc, bé Mào Gia Linh được Đại úy Lường Thị Thanh và Trung úy Lâm Thị Dìa, đồng đội của anh Mào Văn Long ở Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Điện Biên đưa về Hà Nội. Cậu con trai nhỏ không được về cùng mẹ. Đã hơn 1 năm trôi qua nhưng Đại úy Thanh vẫn cảm thấy mọi chuyện như vừa xảy ra.

Chị chia sẻ, đơn vị bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của đồng đội: “Long trẻ, khỏe nhưng đi địa bàn xa, lại không có điều kiện chữa bệnh kịp thời nên cảm thương hàn đánh gục nhanh quá. Long có một người em sinh đôi, mỗi khi đến thăm nhà, chúng tôi lại giật mình khi nhìn thấy hình bóng của Long”.

Vợ Long sinh năm 1990, người dân tộc Thái, nghẹn ngào kể: “Có lúc em mơ thấy anh ấy về, mặc áo mưa công an, vội vội vàng vàng. Em hỏi: “Bố đi đâu vậy?” thì anh ấy nói: “Bố phải đi công tác” rồi anh chợt tan vào hư vô”. Cuộc sống của 3 mẹ con ở bản Mường Nhé thời gian qua trông cậy vào ông bà ngoại.

Vợ con Đại úy Mào Văn Long.

Hằng ngày, Phúc trèo đèo lội suối vào điểm trường xa xôi để dạy chữ cho học trò. Với chị, mỗi ngọn núi, cánh rừng đều như in bóng người chồng yêu thương đang lặng lẽ đi giữ bình yên cho bản làng.

Hơn Phúc 3 tuổi, chị Thào Thị Dơ vừa trải qua nỗi đau mất chồng. Chị Dơ (SN 1987), là vợ đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên Dơ được về Hà Nội nhưng không phải để thăm Thủ đô mà chị về dự chương trình tôn vinh sự hi sinh cao cả của anh Súa cùng các đồng đội khác sau nửa tháng từ ngày anh mất. Cả một ngày ngồi trên xe ô tô vượt đường xa từ sáng sớm đến 6 giờ tối mới tới nơi, cộng với nỗi đau tinh thần chưa nguôi, trông chị thật mệt mỏi.

Lần đầu tiên ở trong khách sạn với các thiết bị tiện nghi, anh công an địa bàn phải hướng dẫn chị sử dụng từng thiết bị trong phòng. Dơ nói tiếng Mông, không nói được tiếng Kinh. Tôi nhờ Trung úy Lầu Thị Dìa, cũng là người dân tộc Mông, Công an tỉnh Điện Biên phiên dịch giúp. Dơ tâm sự, anh Súa thương vợ con lắm, hằng ngày đi làm công việc về vẫn giúp vợ việc nhà. Chị và các con quanh năm với ruộng lúa, nương ngô. Nhưng chị tự hào vì có chồng làm công an, được cống hiến cho quê hương.

Cũng dịp này năm ngoái, chương trình tôn vinh người chiến sĩ công an nhân kỷ niệm ngày thành lập lực lượng CAND mang tên “Âm vang chiến công” đã lấy đi nước mắt của bao người. Tối 18-8-2018, giữa các tiết mục nghệ thuật là lễ tôn vinh những CBCS công an có thành tích đấu tranh chống tội phạm và thân nhân các CBCS đã hi sinh. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã thăm hỏi, động viên và trích quỹ Nghĩa tình đồng đội trao tặng quà cho CBCS và thân nhân các CBCS đã hi sinh.

Đứng trên sân khấu, có người vợ, người mẹ nén nỗi đau nhưng cũng không kìm được cơn xúc động. Bên dưới hàng ghế khán giả, nhiều người lén lau những giọt nước mắt lăn dài trên má. Khi chương trình kết thúc, rất nhiều khán giả đã nán lại cửa nhà hát để dành một cái ôm thật chặt với những người phụ nữ thiệt thòi.

Những ngày vui chơi hiếm hoi của Đại úy Mào Văn Long với các con.

Tôi còn nhớ, trước đó, trong buổi đón tiếp các thân nhân, bữa cơm trước giờ dự chương trình “Âm vang chiến công”, vợ liệt sĩ Lưu Minh Thức ở Hà Giang nhìn thấy sắc áo xanh đồng đội của chồng thì cứ thế nức nở. Nước mắt chị chảy tràn đến tận lúc lên sân khấu nhận quà từ Bộ trưởng Tô Lâm.

Còn mẹ của liệt sĩ Bùi Minh Quý lại không rơi nước mắt. Bà luôn mỉm cười với đồng đội của con. Trước lúc lên sân khấu, bà mặc áo dài, trang điểm tươm tất. Trong bữa cơm, bà dành riêng một cái bát, đôi đũa và chiếc ghế đặt bên mình. Bà bảo, để chỗ đó cho đứa con trai duy nhất vừa hi sinh. Bà không khóc nhưng đã làm cho người khác khóc vì cái cách cố cất đi nỗi đau khôn nguôi của người mẹ.

Đúng là, sự hi sinh của người lính trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm chưa bao giờ đong đếm được. Trước khi là người lính, họ là những đứa con. Trước khi hi sinh, họ là chồng, là cha. Cách chấp nhận sự hi sinh của người thân dù khác nhau nhưng luôn là sự mất mát, là nỗi đau tột cùng thật khó nguôi ngoai.

Vững vàng trên mọi mặt trận

Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng CAND đã liên tiếp lập nhiều chiến công trên mọi mặt trận đấu tranh chống tội phạm và bảo vệ cuộc sống bình yên. Những vụ bắt giữ các đối tượng buôn bán ma túy với số lượng lên đến hàng tấn, triệt phá những đường dây tội phạm hoạt động tín dụng đen, phát hiện tổ chức buôn bán, sản xuất xăng giả, phát hiện, xử lý nhiều vụ lừa đảo, đánh bạc online hàng nghìn tỷ đồng...

Trong đợt lũ đầu tháng 8 diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ miền Bắc cho đến miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam đều thiệt hại nặng nề, hàng nghìn CBCS được huy động giúp dân cứu người, tài sản và khắc phục hậu quả. Hình ảnh các CBCS ngâm mình trong nước lũ, tranh thủ ăn vội chiếc bánh mì trong bộ quần áo ướt sũng, lấm lem... đã trở thành những hình ảnh đẹp hơn bao giờ hết.

Tôi cứ bị ám ảnh bởi sự cố gắng ngăn lại cảm xúc chực trào ra của cô giáo mầm non Phạm Thị Phúc trước tôi và đồng đội của chồng. Tôi ám ảnh bởi sự khắc khổ, đau đớn của người vợ đồng chí Trưởng Công an xã còn nguyên vẹn nỗi đau mất chồng vừa cách đó chưa đầy nửa tháng... Thế nhưng, trong câu chuyện của những người vợ ấy, tôi vẫn thấy ở họ một niềm tự hào về sự ra đi đầy ý nghĩa của người chồng thương yêu, dù rằng họ không bao giờ mong có niềm tự hào ấy.

Và chắc chắn, cũng chẳng bao giờ họ muốn chồng mình được tôn vinh trên sân khấu trong nước mắt đầy xót xa như thế. Niềm an ủi giúp họ vợi bớt nỗi đau chính là tình đồng đội, là sự quan tâm, sẻ chia của đồng đội chồng mình sau ngày các anh đi xa.

Chia tay chị Phúc, chị Dơ... tôi thấy ấm lòng trước hình ảnh bé Mào Gia Linh cứ tíu tít bên các cô cán bộ an ninh. Bố của cô bé sẽ không bao giờ bị lãng quên. Những cái tên như Lưu Minh Thức, Hà Phi Long, Trần Văn Dũng, Cầm Văn Khoa, Trần Văn Vang... đã đậm sâu trong tâm trí đồng đội và nhân dân.

Từ năm 1986 đến tháng 7 năm 2018, đã có 306 CBCS Công an hi sinh được công nhận là liệt sĩ, 1.226 CBCS công an bị thương được công nhận là thương binh, nhiều chiến sĩ công an bị phơi nhiễm HIV trong quá trình công tác, chiến đấu. Từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều CBCS bị thương, hi sinh trong công tác, trong đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, cứu dân trong lũ dữ...

Rất nhiều CBCS làm nhiệm vụ thầm lặng, dâng hiến tuổi thanh xuân ở các địa bàn xa xôi, đầy khó khăn gian khổ.

Việt Hà
.
.
.