Châu Hương Viên cần được quan tâm trùng tu

Chủ Nhật, 21/04/2019, 06:12
Danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877-1961). Ông là một nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế và là người có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển ca Huế thính phòng. Trải qua thời gian dài không được sự quan tâm trùng tu, Châu Hương Viên là nơi ông từng sinh sống chỉ còn sót lại ngôi nhà cổ đang bị xuống cấp nghiêm trọng...

Ưng Bình Thúc Giạ Thị vốn là một vương tôn, ông là con của Hiệp tá Tiểu Thảo Hường Thiết, cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh. Sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, năm 1909, ông đỗ cử nhân Hán học và được bổ nhiệm các chức Tri huyện, Tri phủ, Bố chánh Hà Tĩnh.

Từ năm 1940-1945, ông được bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ và năm 67 tuổi, ông được phong Hiệp tá Đại học sĩ. Là một nhà thơ nổi tiếng vào thời kỳ cận đại, ông đã để lại cho đời gần 2.000 bài thơ chữ Việt và Hán, cùng nhiều vở tuồng nổi tiếng, trong đó có vở “Lộ Địch”.

Châu Hương Viên nay chỉ sót lại căn nhà cổ đổ nát, nơi danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị từng sinh sống, sáng tác thơ ca.

Đặc biệt ông là người có công lao to lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Sau khi về hưu, ông sống tại ngôi nhà cổ ba gian hai chái trong khu vườn rộng lớn, tĩnh mặc bên bờ sông Hương (nay ở đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế), với tên gọi là Châu Hương Viên.

Năm 1961, cụ Ưng Bình qua đời, Châu Hương Viên được giao lại cho con trai trưởng của cụ quản lý. Đến năm 1968, người này chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống nên ngôi nhà không còn ai trông coi. Từ đó, ngôi nhà cổ dần trở nên hoang phế, xuống cấp, đất vườn Châu Hương Viên cũng dần bị lấn chiếm và do đô thị hóa nên nay ngôi nhà cổ nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng.

Chúng tôi đến thăm Châu Hương Viên, vốn là thi đàn của “Hương Bình thi xã” và không khỏi chạnh lòng trước cảnh hoang phế, sụp đổ nơi đây. Lúc chúng tôi đến, có cả cán bộ Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế cùng đại diện chính quyền địa phương đến kiểm tra, đo đạc, xác nhận lại sơ đồ thửa đất Châu Hương Viên nhằm thực hiện phương án “giải cứu” địa chỉ văn hóa này.

Trên khu đất vườn Châu Hương Viên nay chỉ còn một căn nhà cổ với khu nhà bếp đã xuống cấp, rệu rã với những cột gỗ mục ruỗng. Phần mái căn nhà cũng bị mối mọt làm hư hại, sụp đổ gần hết. Bên trong căn nhà cỏ dại mọc um tùm, không còn vật dụng gì ngoài chiếc bàn thờ được dựng tạm để đặt di ảnh làm nơi hương khói cho danh nhân Ưng Bình.

Nhìn căn nhà cổ gắn liền với tên tuổi danh nhân Ưng Bình, nhà văn Tô Nhuận Vỹ ngậm ngùi: “Châu Hương Viên là một địa chỉ văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với những nghệ sĩ và người yêu ca Huế nhưng nay lại tan hoang đổ nát thật xót xa. Tôi và nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã không cầm được nước mắt khi đứng cúi lạy cụ trước bàn thờ tạm này”.

Theo bà Tôn Nữ Hỷ Khương, con gái út của cụ Ưng Bình hiện sống tại TP Hồ Chí Minh thì cách đây đã lâu, gia đình đã có ý nguyện tặng Châu Hương Viên cho tỉnh Thừa Thiên-Huế để làm địa chỉ văn hóa truyền thống, nhà lưu niệm. Thế nhưng sau khi bị bỏ hoang, Châu Hương Viên đã bị nhiều hộ dân xâm lấn làm nhà ở nên việc di dời giải tỏa các hộ dân này gặp khó khăn.

Còn ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế nói rằng, đơn vị đã trao đổi với gia đình bà Khương về các thủ tục bàn giao Châu Hương Viên để sớm thực hiện nghiên cứu, khảo sát, đánh giá lại toàn bộ công trình.

Vì, di tích đã gắn bó một thời với danh nhân Ưng Bình hoàn toàn có thể được công nhận là di tích cấp tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để có căn cứ bảo vệ, tiến tới trùng tu công trình có ý nghĩa này. Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện chống mối mọt, chống đỡ tránh sụp đổ những phần còn lại của di tích.

Nhà thơ Võ Quê, Chủ nhiệm CLB Ca Huế chia sẻ, nếu di tích này sớm được trùng tu, phục hồi hoàn thiện thì nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa và là địa chỉ sinh hoạt của các CLB thơ, các chương trình biểu diễn ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch. Đây cũng chính là điều mong mỏi của các văn nghệ sĩ Huế và những ai yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị.


Anh Khoa
.
.
.