Quấy rối tình dục nơi công sở

Thứ Sáu, 29/06/2018, 09:41
Nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH và Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc ở Việt Nam cho thấy, không có các nghiên cứu chuyên đề về vấn đề này, cũng như không có thống kê chính thức về QRTD. Mặc dù vậy, một vài nghiên cứu và báo chí lại cho thấy QRTD tại nơi làm việc đang rất phổ biến. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ.

Tổ chức CARE quốc tế cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề QRTD tại nơi làm việc chưa được các doanh nghiệp, cơ quan quan tâm đúng mức. Một trong các nguyên nhân mà nhiều chuyên gia thống nhất là do nhận thức xã hội, văn hóa khiến một số hành vi QRTD chỉ được coi là trêu đùa.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật liên quan chưa thật sự hoàn thiện. Bộ luật Lao động 2012 của Việt Nam có 4 điều quy định liên quan đến vấn đề QRTD tại nơi làm việc nhưng chưa đưa ra được khái niệm, hành vi và cơ chế nhận diện về QRTD cũng như chưa quy định cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ chế xử phạt kẻ QRTD…

Hành vi QRTD tại nơi làm việc mới chỉ được hiểu là xảy ra ở trong trụ sở, văn phòng, nhà máy mà chưa tính đến các trường hợp QRTD khác xảy ra ở ngoài phạm vi những nơi trên nhưng vẫn liên quan đến công việc, như liên hoan công ty ở nhà hàng, ký túc xá dành cho công nhân, quấy rối qua mạng Internet với đồng nghiệp.

Chính việc chưa định nghĩa rõ ràng về các hành vi QRTD nên còn có sự  nhầm lẫn giữa các hoạt động đùa vui, quan tâm chăm sóc lẫn nhau với việc QRTD tại nơi làm việc. Do đó, dẫn đến khó khăn cho việc xác định hành vi nào là QRTD cũng như xử lý hành vi này.

Đáng lưu ý khi QRTD còn xảy ra ở cả những người có trình độ học vấn cao và vị thế cao, đặc biệt là QRTD và nạn nhân thường biết rõ nhau như đồng nghiệp với đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới… với nhiều hình thức, từ lời lẽ tán tỉnh hay thô tục phản văn hóa, lời lẽ kích dục trực tiếp hoặc nhắn tin qua điện thoại, phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, cấu véo, đụng chạm thể xác… liên quan tới tình dục; đề nghị hoặc cưỡng ép quan hệ tình dục. Trong đó QRTD phổ biến nhất là bằng lời nói.

Đại diện của CARE quốc tế cho rằng, chúng ta cần thay đổi tư duy để không còn coi chủ đề QRTD là vùng cấm và để cùng nâng cao nhận thức trong việc xác định ranh giới giữa các hành vi được và không được chấp nhận. Thảo luận về QRTD cần thoát ra khỏi việc đổ lỗi và miệt thị nạn nhân để chuyển sang thảo luận về việc xây dựng và thực thi các quy định, chính sách một cách hiệu quả sao cho có thể bảo vệ cá nhân bị quấy rối thay vì lờ đi hành vi của kẻ quấy rối.

Thực tế cho thấy cần thiết phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn chặn, giải quyết và tiến tới xóa bỏ hành vi QRTD tại nơi làm việc, tạo môi trường lao động lành mạnh và an toàn không chỉ xuất phát từ lợi ích của người lao động mà còn cả của chủ sử dụng lao động, nhất là đối với phụ nữ.

Thanh Hằng
.
.
.