Cần sớm có kế hoạch tu sửa đình cổ nhất Nam Bộ

Thứ Tư, 23/11/2016, 09:27
Nhìn từ ngoài vào, khu nhà này đã nghiêng hẳn về 1 bên, từng mảng gạch trên tường bong tróc. Tiến vào trong, toàn bộ hệ thống cột của đình đã bị mối mọt “ăn” suốt hơn 300 năm khiến mục, nát.

Bên trên, mái ngói cũ kỹ đã hư hỏng nhiều, nền nhà gạch tàu đã nát, rêu phong phủ đầy... lồi lõm. Bốn bức tường xung quanh có chỗ được dựng bằng gỗ mục, có chỗ được dựng bằng tôn gỉ, sét, có đoạn chỉ là lưới B40 chắp vá. 

Toàn bộ các hiện vật thờ cúng nằm trong khu vực này đều phải di dời để tránh hư hỏng và bị mất cắp. Bên trong khu Nhà Hội sở ngổn ngang những võng cũ, sạp cũ của những người vô gia cư, kẻ nghiện ngập, những người bán vé số dạo dùng làm nơi trú ngụ.

Ông Hồ Văn Cụm - Thư ký đình Thông Tây Hội cho biết, trước cảnh Tổ Đình thành hoàng xuống cấp, bá tánh không khỏi bùi ngùi. Nhưng “số tiền cần để trùng tu vượt quá sức đóng góp của nhân dân” thế nên dù đã xuống cấp từ lâu nhưng vẫn chưa có biện pháp nào để khắc phục. Chỉ mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm sửa chữa để người dân yên lòng thành kính dâng hương.

Đình Thông Tây Hội được lập vào năm 1679 - là ngôi đình đầu tiên của Nam Bộ. Có một điểm đặc biệt đó là phần lớn đình ở Nam Bộ không ghi rõ tên thần thành hoàng mà chỉ ghi “Thành hoàng bổn cảnh”, chỉ riêng điện thờ đình Thông Tây Hội có bài vị cổ ghi rõ: “Hữu Đông Chinh Dực Thánh Thành Hoàng Đại Vương”. 

Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hai con trai của vua Lý Thái Tổ. Sau khi Lý Công Uẩn qua đời, các vị dấy binh nổi loạn thất bại, nhưng được vua Lý Thái Tông khoan hồng tha chết, cho đi khai khẩn mở mang bờ cõi nơi phương Nam. Hai ông được tôn là tổ của nghề khai khẩn phương Nam. Lưu dân miền Trung khi tiến vào Nam Bộ đã đưa theo trên thuyền bài vị của hai vị thành hoàng.

Đến năm 1883 thì đình được xây dựng theo kiến trúc hiện nay. Đình Thông Tây Hội có 156 cây cột, trên diện tích 761m², có 36 cổ vật xưa in trong cuốn hoành phi. Diện tích hiện nay khoảng 3.000m². Chính điện sửa vào năm 1998, nNà Hội sở hiện đã xuống cấp 80%.   

Nét độc đáo nhất trong kiến trúc đình thể hiện ở phần chính điện, gồm 2 tòa nhà kiểu tứ trụ, mái giáp nhau theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”.

Đặc sắc nhất là trang thờ thần với đề tài “lưỡng long triều nguyệt” được chạm khắc tinh xảo và kỳ công nhất. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Thông Tây Hội vẫn lưu giữ gần 40 hiện vật quý: bao lam, hoành phi, câu đối trang thờ… với những đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng gần như nguyên bản.

Đình Thông Tây Hội là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng theo Quyết định số 2009 ngày 26-9-1998.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với đình Thông Tây Hội, năm 2014, Bộ VHTT&DL đã cấp kinh phí 500 triệu đồng để gia cường, chống đỡ, chống sập khu Nhà Hội sở.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Sở nhận thấy không hiệu quả, nên Sở có văn bản gửi Bộ VHTT&DL để thỏa thuận dự án phục dựng Nhà Hội sở với số tiền  3,7 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố. Thời điểm năm  2015 có luật đầu tư công nên kéo dài việc triển khai tu sửa đình.

Đến thời điểm này, Sở kế hoạch đầu tư thành phố đang trình UBND thành phố phê duyệt, giao vốn để nhanh chóng thi công phục dựng công trình Nhà Hội sở của đình Thông Tây Hội.

Hải Âu
.
.
.