Xâm hại di tích lăng mộ các vợ vua triều Nguyễn: Bất cập công tác quản lý

Thứ Hai, 03/07/2017, 09:21
Sau vụ việc lăng mộ bà Tài Nhân họ Lê, thụy Thục Thuận, là vợ một vị vua triều Nguyễn bị đơn vị thi công dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức-Đồng Khánh (phường Thủy Xuân, TP Huế) san ủi đã khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ lăng mộ các bậc phi, tần của vua nhà Nguyễn khi có nhiều ngôi lăng mộ đang trong tình cảnh hoang phế, không có người coi sóc...

Triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), tồn tại trong 143 năm, với 13 đời vua trị vì nhưng chỉ có 2 vị hoàng hậu đầu tiên và cuối cùng được sắc phong khi còn sống. Đó là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu Tống Thị Lan, vợ vua Gia Long và Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, vợ vua Bảo Đại; các vị Hoàng hậu khác của nhà Nguyễn đều được truy phong sau khi mất.

Từ thời vua Minh Mạng trở đi đều để trống ngôi vị chủ hậu cung, chỉ ban tước cao nhất là Hoàng quý phi, giúp Hoàng Thái hậu trong coi lương thực, chỉnh tề công việc.

Theo gia phả dòng Nguyễn Phước tộc thì các vua triều Nguyễn có rất nhiều vợ. Vợ vua được chia theo 9 bậc từ hàng Nhất giai đến Cửu giai. Điều này đồng nghĩa có hàng nghìn ngôi lăng mộ là vợ của các vua triều Nguyễn tồn tại trên đất Cố đô Huế.

Tìm hiểu được biết, ngoài lăng tẩm của các Hoàng hậu, phi tần nằm trong khuôn viên lăng vua triều Nguyễn, được UNESCO công nhận là di tích, được trông coi, tu bổ thường xuyên thì hiện có rất nhiều lăng mộ của các bậc phi tần vợ vua thuộc những cấp bậc thấp nằm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang rơi vào cảnh hoang phế, đổ nát, cỏ dại bao phủ, xuống cấp nghiêm trọng, mà ngay cả con cháu trong dòng tộc cũng không xác định được vị trí...

Điển hình là phần lăng mộ của bà Tài Nhân họ Lê, thụy Thục Thuận, vợ một vị vua triều Nguyễn được xây dựng gần lăng vua Tự Đức ở phường Thủy Xuân, TP Huế.

Mới đây, vào ngày 19-6, khu lăng mộ này bị đơn vị thi công dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức-Đồng Khánh (do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Chuỗi Giá Trị làm chủ đầu tư) đã san ủi từ cổng thành cho đến tấm bia mộ.

Ngay sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và tìm được tấm bia mộ bằng đá nằm dưới bãi san lấp, đơn vị chủ đầu tư đã đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi Hội đồng trị sự và con cháu Nguyễn Phước tộc, đồng thời cam kết xây dựng lại ngôi lăng mộ này. 

Tuy nhiên, theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế, đơn vị chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng dự án bãi đỗ xe trên thì, “trong quá trình kiểm kê, đơn vị không phát hiện dấu tích lăng mộ hoặc có thể do mộ lâu năm bị vùi lấp, che khuất nên không hay biết”(?!).

Thế nhưng, nhiều người dân địa phương cho rằng câu trả lời trên là không xác đáng và có phần bao biện, bởi nhiều năm qua, họ vẫn thường xuyên lui tới khu lăng mộ của bà Tài Nhân này để coi sóc, hương hỏa.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Trương Văn Hậu (63 tuổi, ở khu vực 3, phường Thủy Xuân) cũng khẳng định, rằng: “Hơn 20 năm trước, gia đình tôi đã chuyển về sinh sống ở gần khu vực lăng mộ nơi đây. Vào các ngày lễ, rằm, do thấy ngôi lăng mộ của bà Tài Nhân không ai chăm sóc nên tôi và một số hộ dân địa phương thường đến phát cỏ, hương khói. Mới đây, khi phát hiện việc đơn vị thi công san ủi lăng mộ, chúng tôi đã cố ngăn cản nhưng lực bất tòng tâm”.

Theo chỉ dẫn của ông Hậu, chúng tôi tìm đến lăng bà Học phi Nguyễn Thị Hương, một trong số người vợ của vua Tự Đức. Lăng bà Học phi nằm cạnh khuôn viên dự án bãi đỗ xe kể trên và bị đơn vị thi công đào khoét đến tận chân tường thành. Nhìn từ ngoài vào, lăng có khuôn viên khá rộng, cổ kính, nhưng đang trong cảnh hoang phế, nhiều hạng mục xuống cấp, cỏ dại bao phủ.

Hay lăng bà Thục tần Nguyễn Thị Bửu, vợ vua Minh Mạng được xây dựng gần chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế) cũng rất ít người biết đến. Đường dẫn vào khu lăng mộ này bị cây cỏ bao phủ dày đặc, không có biển chỉ dẫn. Nếu không có người địa phương dẫn đường và thông tin lịch sử về khu lăng mộ thì chắc chắn nhiều người sẽ nhầm tưởng đây là lăng mộ của một người dân bình thường chứ không phải là vợ vua…

“Sắp tới đây, Trung tâm sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá toàn bộ lăng tẩm hoàng gia, gồm lăng mộ các bà vợ vua, hoàng thân quốc thích, hoàng tử công chúa, từ đó lập bản đồ số hóa và đề xuất các cơ quan chức năng có giải pháp quản lý, bảo tồn phù hợp đối với những công trình có giá trị kiến trúc, mỹ thuật”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.