Bao cấp chương trình hay ra Nhà hát lớn Hà Nội

Thứ Hai, 22/08/2016, 15:05

Ngày 22-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố danh sách 25 vở diễn, chương trình được "bao cấp" biểu diễn từ tháng 8 đến tháng 12-2016 tại Nhà hát lớn Hà Nội đồng thời tuyên bố Nhà hát sẽ "cấm cửa" tất cả các chương trình có chất lượng nghệ thuật yếu. 

 

 

Ngày 22-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công bố 25 vở diễn, chương trình đầu tiên trong chuỗi chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao để giới thiệu đến công chúng thủ đô và du khách đến Nhà hát lớn Hà Nội. Được tổ chức với phương thức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ là cơ quan “bao cấp” hoàn toàn, sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn nảy sinh từ cơ chế hoạt động theo kiểu bao cấp này.

“Cấm cửa” các chương trình có chất lượng nghệ thuật thấp vào Nhà hát lớn Hà Nội

 Do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đây là hoạt động nhằm giới thiệu các chương trình, nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tiêu biểu, có chất lượng nghệ thuật cao của các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phục vụ khán giả thủ đô và du khách quốc tế. Hoạt động này cũng là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm đưa Nhà hát lớn Hà Nội thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu cho khán giả trong và ngoài nước.

Công bố đài thọ toàn bộ chi phí cho các vở diễn, chương trình chất lượng cao nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tuyên bố sẽ không cho phép các chương trình kém chất lượng ra Nhà hát lớn Hà Nội

 Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Vương Duy Biên cho biết, từ trước đến nay, Nhà hát lớn Hà Nội là địa chỉ được rất nhiều cơ quan ban ngành, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị có thực lực kinh tế mạnh tìm đến thuê địa điểm làm chương trình. Tuy nhiên, để xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu thì từ nay, bản thân nhà hát sẽ phải cân nhắc, lựa chọn thật kỹ các chương trình diễn ra tại nhà hát. Ngay các đơn vị kinh tế lớn, nếu muốn thuê địa điểm để tổ chức chương trình mà chất lượng nghệ thuật không cao thì cũng không được thuê sân khấu của nhà hát.

Thực tế, việc cơ quan chủ quản – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lo toàn bộ kinh phí để trang trải cho các chương trình,vở diễn được chọn đưa ra diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội sẽ là điều kiện đặc biệt thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ và các đơn vị công lập. Trong đợt đầu tiên, 25 chương trình, vở diễn được chọn đưa ra Nhà hát lớn Hà Nội đợt này, các đơn vị nghệ thuật chỉ phải lo về mặt chuyên môn. Tất cả các kinh phí trang trải cho chương trình, vở diễn đều do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp đứng ra vận động các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ. Ngay hoạt động quảng bá, bán vé cho các chương trình, nghệ sĩ, các đơn vị có vở diễn hoàn toàn không phải bận tâm vì đều được giao cho Nhà hát lớn Hà Nội lo.

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan: Biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội là ước mơ của bất kỳ đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ nào

Nỗi lo đường dài…

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Ngoan, giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết, chị rất vui khi có các chương trình đầu tiên được chọn đưa ra Nhà hát đợt này. Theo nghệ sĩ Thanh Ngoan, biểu diễn ở một địa điểm sang trọng, “đủ chuẩn” nhất hiện nay như Nhà hát lớn Hà Nội luôn là niềm mong mỏi của bất cứ đơn vị nghệ thuật hay nghệ sĩ nào. Tuy nhiên, giá thuê địa điểm ở đây rất cao so với doanh thu có thể mang về cho một đơn vị hoạt động sân khấu, đặc biệt là sân khấu của nghệ thuật thống như Chèo. 

Nếu phải bỏ ra từ 35 triệu đồng đến 40 triệu đồng cho mỗi đêm diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội thì nhà hát Chèo không dám tổ chức vì giá vé sẽ phải đội lên nhiều lần mà vé chưa chắc bán được. Trong khi đó, tại rạp của nhà hát Chèo Việt Nam ở Kim Mã, sân khấu có khán giả truyền thống của mình, giá vé khá “mềm”, chỉ từ trên 100.000 đồng đến trên 200.000 đồng/vé. Diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội đợt này, chi phí thuê địa điểm cho mỗi đêm diễn chỉ còn 25 triệu đồng nhưng nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có chủ trường bao cấp kinh phí, nhà hát Chèo Việt Nam cũng không dám mạo hiểm vì số tiền này đã ngang bằng cả một hợp đồng đi diễn tỉnh của nhà hát.

Nghệ sĩ, đơn vị hoạt động nghệ thuật thuộc hệ thống công lập mừng vui trước chủ trương mới này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng nghệ sĩ tự do, các đơn vị xã hội hóa thì không hẳn. Mặc dù, ban tổ chức chương trình khẳng định, cơ hội này không chỉ dành riêng cho các đơn vị công lập song các đơn vị làm sân khấu xã hội hóa lại không kỳ vọng nhiều lắm về việc sản phẩm nghệ thuật của mình được chọn diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội dưới hình thức bao cấp như trên. Bởi, con số 130 đơn vị trực thuộc Bộ quản lý hiện nay là không nhỏ. Thực tế, 25 chương trình, vở diễn được chọn đợt đầu cũng đều thuộc các đơn vị công lập.

Với chủ trương mới này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ có nhiều cơ hội phục vụ khán giả ở Nhà hát lớn Hà Nội

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái đặt vấn đề: Ngay các chương trình, vở diễn của các đơn vị sân khấu của lực lượng Công an nhân dân, quân đội cũng cần được quan tâm chọn đưa ra Nhà hát lớn Hà Nội vì đây là những mảng hoạt động rất phong phú, phục vụ đối tượng khán giả không nhỏ hiện nay. Về đối tượng thụ hưởng cũng cần mở rộng, nhất là với sinh viên theo học ngành văn hóa nghệ thuật. Giá vé cao, các em khó có cơ hội tiếp cận chương trình nên ban tổ chức có thể dành những vị trí nhất định, có thể kém thuận lợi khi xem chương trình song có giá rẻ để cho đối tượng khán giả này.

Một vấn đề khác cũng khiến không ít người băn khoăn là với hình thức bao cấp hoàn toàn như trên, dù là không phải lấy kinh phí từ nhà nước nhưng liệu có kích thích được các đơn vị tự lực tự cường, xây dựng các chương trình, vở diễn dung hòa giữa nghệ thuật và thị hiếu công chúng? Liệu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể vận động nguồn xã hội hóa để nuôi các chương trình được bao lâu? Chưa kể, Nhà hát lớn Hà Nội -  đơn vị được giao phụ trách công tác truyền thông cho các chương trình bị đánh giá là còn khá nhiều điều cần phải bàn khi  hoạt động truyền thông, quảng bá của chính đơn vị lâu nay chưa mạnh, nếu không muốn nói là còn yếu.

Thiết nghĩ, việc xây dựng Nhà hát lớn Hà Nội thành địa chỉ văn hóa xứng tầm đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ sĩ tỏa sáng tài năng nhưng để chủ trương này đi vào đời sống theo cách làm trên một cách lâu dài và vững bền hơn, chắc chắn, những  băn khoăn trên phải cần được ban tổ chức có giải pháp phù hợp.

Ngọc Nguyễn
.
.
.