Bổ sung 2 địa danh có truyền thống cách mạng ở Đà Lạt vào ngân hàng tên đường phố

Thứ Tư, 03/03/2021, 08:55
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định bổ sung 3 địa danh của thành phố Đà Lạt vào Ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đáng chú ý, 2/3 địa danh trên là vùng đất của các gia đình có truyền thống cách mạng, quy tụ về đây từ những năm 1950.

Cụ thể, theo Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 26/2/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng, các địa danh được bổ sung vào danh mục Ngân hàng tên đường, phố, công trình công cộng là 3 địa danh: Tự Tạo, Sào Nam và Xuân Thành.

Khu vực Tự Tạo là diện tích đồn điền trồng cây khuynh diệp lấy tinh dầu làm thuốc của một chủ người Pháp từ năm 1950 ở Đà Lạt. Đến cuối năm 1954, nhiều gia đình cơ sở tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến ở các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên-Huế tới Bình Định bị địch khủng bố, đàn áp đã vào đây làm ăn sinh sống, chờ cơ hội liên lạc, hoạt động cách mạng. 

Trước tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm áp dụng Luật 10-59 trả thù những người kháng chiến, ấp Tự Tạo càng quy tụ nhiều người về khai hoang lập nghiệp. Theo các cụ cao niên, ấp Tự Tạo là do người dân tự tạo nên cuộc sống.

Địa danh Sào Nam được lấy theo bút hiệu của cụ Phan Bội Châu. Ấp này được hình thành từ năm 1948 dọc theo đường Trịnh Hoài Đức (thành phố Đà Lạt) hiện nay. Đến cuối năm 1951, bà con trong ấp đã xin xây dựng đình làng và đặt tên “Sào Nam” cho ấp. 

Năm 1953, hơn 40 gia đình gốc Nghệ An, Hà Tĩnh từ Lào về nước và được bố trí sinh sống định cư tại đây. Các gia đình này đã mang theo truyền thống cách mạng từ quê hương vào, tạo nên một vùng lõm chính trị quan trọng của Đông Bắc Sào Nam và cả Đông Bắc Đà Lạt trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Địa danh Xuân Thành là tên của một thôn thuộc khu vực Trại Mát (Đà Lạt) do một số người Kinh từ miền Trung lập nên từ năm 1930. Xuân Thành có nghĩa là làng được thành lập vào mùa Xuân. Đây là tên gọi quen dùng từ xa xưa, đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, có ý nghĩa về lịch sử hình thành, văn hóa, xã hội của địa phương.

Chu Quốc Hùng
.
.
.