Thăng Long - Hà Nội: Những kỷ nguyên vàng son

Thứ Hai, 20/01/2020, 13:32
Với Thăng Long - Hà Nội, năm 1010 là năm “khai sinh”. Năm ấy, Lý Thái Tổ đã để lại sau lưng mình, cố đô Hoa Lư nhỏ hẹp, dễ phòng thủ nhưng khó phát triển, quyết đưa dân tộc “vươn vai Phù Ðổng”, đường bệ dựng cơ đồ mới bề thế giữa trung châu, trong thế đất “rồng cuộn hổ ngồi”, công nhiên “Thái Tổ, Thái Tông” cùng thiên hạ, vĩnh viễn giã từ vai trò “Ðế vương sơn thành - thạch động”. “Từ giã hoa lau” không dễ, nhưng phải làm.

Ra đến Thăng Long, nhà vua cho xây thành trì to lớn, 4 cửa vàng son mà cả ngàn năm sau ta còn thấy rõ, khi khai quật Hoàng thành.

Ở đây, nhà Lý xây dựng bộ luật quốc gia thành văn đầu tiên trong lịch sử nước nhà (“Hình thư” - 1403), phục vụ cho việc xét xử.

Ở đây, nhà Lý cho xây Chùa Một Cột (1049), dựng tháp Báo Thiên (1057) và đúc chuông Quy Ðiền (1080). Tháp và chuông này là 2 trong “Tứ đại khí” Ðại Việt (cùng với tượng chùa Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh, đời Trần sau này).

Ở đây, nhà Lý lập Văn miếu và tổ chức khoa thi đại khoa đầu tiên (Minh kinh bác học - 1072), công nhận vị Trạng nguyên đầu tiên của nước ta (Lê Văn Thịnh).

Từ đây, nhà Lý “phá Tống bình Chiêm”, Lý Thường Kiệt đọc “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ nhất: Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên phân định tại thiên thư - Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm - Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư, (Nước Nam là của vua Nam - Sách trời đã định, sửa làm sao đây - Giặc kia xâm phạm đất này - Chúng bay rồi chuốc lấy ngày bại vong - ÐTL tạm dịch).

Từ đây, nhà Lý cho đắp đê Cơ Xá trị thủy sông Hồng (1108). Ðó là con đê trước đó chưa từng có ở Bắc Bộ. Nhà Lý cũng đã vẽ - viết “Nam Bắc phân giới địa đồ - 1172” để “văn bản hóa - pháp lý hóa” tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt - “Nước Nam là của vua Nam...”.

Cho đến khi Lý Chiêu Hoàng “bàn giao” ngôi báu cho Trần Thái Tông, cơ đồ nhà Lý đã rất khang trang - Bắc giáp Lưỡng Quảng, Vân Nam; Nam đã vào qua Hoan, Hóa.

Rõ ràng,năm 1010 là năm mở đầu kỷ nguyên vàng son thứ nhất của Thăng Long, năm “công bố” Ðại Việt (tên nước do nhà Lý đặt) giữa càn khôn.

“Tiếp quản”nhà Lý, từ Thăng Long, “sẵn nong sẵn né” lại qua bàn tay thao lược của Trần Thủ Ðộ - “Ðầu tôi chưa rơi xin bệ hạ đừng lo”- nhà Trần mở mang kinh đô, củng cố chính trị - hành chính, phát triển như vũ bão về văn hóa và sức mạnh quân sự, làm nên kỷ nguyên vàng son thứ hai của Ðại Việt, của Thăng Long, đến mức cuối Trần, Phạm Sư Mạnh, học trò Chu Văn An, làm quan đến “Nhập nội Hành khiển”, ngắm Thăng Long đã phải thốt lên: Tới đây, ta muốn dùng bút lớn/ Lấy cả sông Hồng làm nghiên xuân - ÐTL tạm dịch.

Kế thừa “Tàng thư các” nhà Lý, nhà Trần cho làm các sách: “Thống chế”,  “Lễ nghi”, “Quốc triều thường lễ” (1230), lập “Quốc tử viện - 1336” cho con em của văn quan và tụng quan học, tiếp tục trị thủy sông Hồng và đắp đê Ðỉnh Nhĩ (Quai Vạc - 1248) để trị thủy cả hệ thống sông Thái Bình, lập “Quốc học viện” để mở rộng đối tượng nho sinh, mời nho sĩ tài giỏi cả nước đến giảng bài và lập “Giảng võ đường” để đào tạo võ quan (1253). Vua Trần sai Lê Văn Hưu soạn “Ðại Việt Sử ký” (1272), sai Trương Hán Siêu vàNguyễn Trung Ngạn soạn “Hoàng triều đại điển” và tu soạn “Hình thư” (1341).

Về võ công, nếu nhà Lý rực rỡ bởi hai lần phá Tống (1075 - 1077) và hai lần bình Chiêm (1044 - 1069) với Thái úy Lý Thường Kiệt văn võ song toàn, thì triều Trần sáng chói cùng ba lần kháng Nguyên thắng lợi (1258 - 1285 - 1288) với các nhà vua của lòng dân (Hội nghị Diên Hồng - 1285 - là một ví dụ), và đặc biệt là với Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, người viết “Hịch tướng sĩ văn” - “Thiên cổ hùng văn”, cùng “Binh gia diệu lý yếu luận” (Binh thư yếu lược), “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”; chủ soái của hai cuộc kháng Nguyên cuối, rồi được người đời tôn vinh là “Ðức Thánh Trần” cùng lời di huấn bất hủ: “Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”.

Nếu nhà Lý trọng đạo Phật (Lý Thánh Tông đứng đầu Thiền phái Thảo Ðường), thì Trần Thái Tông viết “Khóa Hư lục” trong đó có “Tựa Thiền Tông chỉ nam”; Trần Tung viết “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục”; Trần Nhân Tông sáng lập Thiền phái Trúc lâm (1295)và biến Thiền phái ấy thành Quốc giáo, bằng cách thụ Bồ Tát giới, cho từ Trần Anh Tông trở xuống.

Nếu trước Lý, ta chưa có văn học thành văn thì đến Lý - Trần, thơ ta đã được triều đình cho ấn loát cùng kinh Phật. Có thể nói, đến Lý - Trần, “Văn hóa vật thể” và đặc biệt là “Văn hóa phi vật thể” của chúng ta đã ngày càng đường bệ. Nếu thời Lý mới có một số ít tác gia vốn là vua quan với Thiền sư (chủ yếu là làm thơ Thiền), thì đến thời Trần, chúng ta đã có hàng loạt tác gia lớn như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Pháp Loa, Huyền Quang, Lê Văn Hưu... và có “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Mạc Ðĩnh Chi cùng với cả “chùm” sao “kinh bang tế thế”: Trần Thủ Ðộ, Lê Phụ Trần, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng v.v... Công nghiệp và trước tác của họ tỏa ra muôn ngả, thậm chí còn khiến cho cả triều đình phương Bắc cũng phải “ngả mũ”.

Ði về phương Nam, nếu Lý vào đến Hoan - Hóa, thì Trần kiêm Ô - Lý.

Thế rồi “Bãi bể hóa nương dâu”, Thăng Long “chợt” biến thành Ðông Ðô khi Hồ Quý Ly ép vua Trần dời kinh vào Tây Ðô (An Tôn, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - 1397).

Rồi Thăng Long lại “chợt” thành ra Ðông Quan suốt 20 năm, từ khi Minh diệt Hồ (1407) cho đến khi Lê Lợi lập “Hội thề Ðông Quan” cho Vương Thông được quy hàng (1427).

Lê Thái Tổ lấy lại nước, khôi phục quốc hiệu Ðại Việt và gọi Thăng Long là Ðông Kinh, Tây Ðô là Tây Kinh. Lịch sử chắc cũng phải cảm thông với việc này - Nhà Lê xuất từ Thanh Hóa, cái tên Tây Kinh chỉ là để Lê Thái Tổ tôn vinh quê nhà chăng (sau này, nhà Lê còn cho xây dựng Lam Kinh ngay tại nơi dựng cờ khởi nghĩa, cũng tại quê nhà)?

Ở Thăng Long - Ðông Kinh, Lê Thái Tổ sai Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo” (1428), một áng “Thiên cổ hùng văn” nữa, thường được coi là “Tuyên ngôn độc lập” lần thứ hai của Ðại Việt. Người dâng “Bình Ngô sách” ngày mới dựng cờ khởi nghĩa giờ lại được viết “Bình Ngô đại cáo” sau ngày thắng lợi. Lê Thái Tổ quả là người có “con mắt xanh”, vừa ban cho Nguyễn Trãi một vinh dự vô song, vừa dùng đượcmột cây đại bút cho việc trọng của triều đình.

Cũng tại đây, vua Lê sai Phan Phu Tiên soạn “Ðại Việt sử ký” (1455), chép tiếp từ Trần Thái Tông đến khi quân Minh rút về nước (“Ðại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu đời trước chỉ chép từ Triệu Ðà cho tới Lý Chiêu Hoàng).

Cũng từ đây, Lê Thánh Tông “lấy nước Hồng Hà” rửa oan cho Nguyễn Trãi (1464) và thân làm tướng đánh Chiêm Thành (1471), lập thừa tuyên Quảng Nam với vệ Thăng Hoa.

Tại đây, Ngô Sĩ Liên hoàn thành và dâng vua, bộ “Ðại Việt sử ký toàn thư” 15 quyển, chép từ thời Hồng Bàng cho đến Lê Thái Tổ (1479).

Tại đây, Thân Nhân Trung, Quách Ðình Bảo, Ðỗ Nhuận, Ðào Cửu, Ðàm Văn Lễ soạn sách “Thiên Nam dư hạ tập” 100 quyển, trong đó có bộ “Luật Hồng Ðức”, bộ luật hoàn chỉnh nhất trong các vương triều Việt đến lúc đó (1483).

Tại đây, Lê Thánh Tông cho lập bản đồ toàn Việt - “Hồng Ðức bản đồ” - tập bản đồ đầy đủ đầu tiên ở nước ta (1490).

Lịch sử cho thấy, Thăng Long, đến Lê Thánh Tông, đã trở thành kinh đô hùng mạnh của một nước Ðại Việt kỷ cương, cường thịnh bậc nhất trong nền quân chủ Việt Nam, từ chính trị, kinh tế, quân sự đến văn hóa. Ðây là kỷ nguyên vàng son thứ ba của Thăng Long.

Rồi Thăng Long Lê - Mạc, Thăng Long Lê - Trịnh hỗn độn qua đi.

Thăng Long Trịnh - Nguyễn phân tranh chỉ còn là cái bóng của vàng son Bắc Hà!

Trải bao thăng trầm, Thăng Long lấy lại hào quang của mình, với việc Quang Trung Nguyễn Huệ thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh (1789)- “Ðánh cho nó biết nước Nam này có chủ”. Cái vầng hào quang cuối cùng ấy của Thăng Long quân chủ, của Quang Trung “Áo vải cờ đào”, tiếc thay, đã không thể dài lâu! Quang Trung mất, Nguyễn Ánh thắng (1802), Phú Xuân (Huế) trở thành kinh đô Ðại Nam và đến Minh Mệnh, Thăng Long chỉ còn là “Tỉnh Hà Nội”...

Mặc tất cả những điều ấy, giữa hỗn độn, Thăng Long vẫn được thấy “Nam dược thần hiệu”, “Hồng Nghĩa giác y thư” của Tuệ Tĩnh; vẫn có “Chinh phụ ngâm khúc” của Ðặng Trần Côn - Ðoàn Thị Ðiểm và “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều. Và, cảnh quanh Hồ Tây - Thăng Long vẫn được Nguyễn Huy Lượng, làm quan to từ Lê sang Nguyễn, tả rằng: Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc/ Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa/... Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức/ Mặt nước in bóng giáo ba ngù/... Lễ nhạc ấy nghìn thu ít thấy/ Phong cảnh này mấy thuở nào so.

Và, Nguyễn Văn Siêu vẫn “phải” viết về sông Hồng: Suốt dòng xa, lửa nghìn xóm lập lòe bên khói sóng/ Chật bến gần, buồm gấm tựa rừng lên đợi hải hành - ÐTL tạm dịch. Và, Cao Bá Quát, bên sông Hồng, vẫn “phải” viết: Ngó Bắc, núi cao liền châu thổ/ Nhìn Nam, trời lớn cuốn ngàn mây/ Rốn Rồng, thành quách vươn uy tráng/ Sóng tựa hoa đào vạn sắc bay - ÐTL tạm dịch.

 Cái “Long mạch”, “Tuệ mạch”, “Thi mạch” Thăng Long chẳng bao giờ ngừng! Chính nó làm nên cốt cách Thăng Long.

Rồi An Nam thuộc Pháp. Hơi kiếm thần Hồ Gươm đành “náu trong sao Ngưu, sao Ðẩu” suốt trăm năm!

Ðể kết thúc trăm năm “Ngày ta nằm dưới đít ngày tây”, trên lịch An Nam thời Pháp thuộc, hãy nhớ về năm 1890!

Năm 1890, một vĩ nhân tương lai “Trăm năm may ra mới xuất hiện một lần”, chào đời, sau này là Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng năm (tháng 3), Toàn quyền Ðông Dương ra lệnh thành lập tỉnh Thái Bình, gồm phủ Thái Bình cũ, phủ Kiến Xương (tách từ Nam Ðịnh) và huyện Thần Khê (tách từ Hưng Yên).

Cùng tháng (tháng 5), người Pháp cho đặt đoạn đường sắt đầu tiên ở Bắc Kỳ, đoạn Phủ Lạng Thương (Bắc Giang nay) - Lạng Sơn.

6 năm sau, Toàn quyền Ðông Dương ra lệnh lập “Trường Quốc học Huế” và 9 năm sau, người Pháp làm cầu Ðuy-me (Long Biên) và thành lập “Trường Viễn Ðông Bác cổ”...

Trước đó (1889), Toàn quyền Ðông Dương đã ra lệnh thành lập thành phố Ðà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam. Ðà Nẵng được xếp là thành phố cấp II, ngang với Chợ Lớn và Phnôm Pênh.

Năm 1888, người Pháp khánh thành đường dây điện báo Sài Gòn - Hà Nội (qua Quy Nhơn, Ðà Nẵng, Huế, Vinh) và thành lập “Công ty Mỏ than Bắc Kỳ”, có trụ sở đặt ở Paris; Tổng thống Pháp ra lệnh thành lập thành phố Hà Nội (thành phố cấp I, ngang với Sài Gòn), đồng thời cũng nâng Hải Phòng lên thành thành phố cấp I; Vua Ðồng Khánh ra đạo dụ, nhượng hẳn “quyền sở hữu hoàn toàn” Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng cho Pháp!

Trước đó nữa (1887), Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh thành lập “Liên bang Ðông Dương” thuộc Pháp, lúc đầu chỉ gồm Cao Miên và Việt Nam (đã bị chia làm 3 kỳ - Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và đến năm 1899, sáp nhập thêm cả Lào.

Nói rộng ra một chút như thế để thấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chào đời, người Pháp đã là “Ông chủ”, đã “tự làm mọi việc” trên toàn xứ Ðông Dương nói chung và trên đất nước ta nói riêng; từ hành chính, giao thông, bưu chính... đến khai mỏ, mở trường, lập viện..., dân Việt hoàn toàn mất nước. Triều đình Huế bất lực và chỉ còn là bù nhìn! Nhưng về hành chính, có một việc ta nên “ghi công” cho người Pháp, đó là việc người Pháp đã “vượt qua” Minh Mệnh, “cho” Tỉnh Hà Nội thành ra Thành phố Hà Nội - Thành phố cấp I thuộc Pháp!

21 năm sau (1911), Người ra đi tìm đường cứu nước.

40 năm sau (1930), Người thành lập chính Ðảng của mình.

55 năm sau (1945), Người cùng Ðảng của mình và toàn dân giành chính quyền, phục quốc và Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tiếp nối hào quang bao đời Thăng Long Ðại Việt. Ngày 2/9 năm ấy, Người công bố “Tuyên ngôn độc lập”, bằng văn bản chính thức, trước quốc dân đồng bào và thế giới, sau hai bản “Tuyên ngôn độc lập” huyền thoại của Lý Thường Kiệt và Nguyễn Trãi, mở ra một kỷ nguyên vàng son nữa cho Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội cũng là nơi đón nhận bản Hiến pháp đầu tiên của nền Cộng hòa (1946). Năm ấy, Hà Nội cũng là nơi phát đi lời hiệu triệu “Toàn quốc kháng chiến”, để lại Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưngvà 9 năm sau, Hà Nội đón bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản - Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về; Năm cửa ô xòe năm móng rồng/ Ðoàn quân về nhấp nhô như sóng...

Năm 1954, Người cùng Ðảng của mình và cả dân tộc làm nên Ðiện Biên Phủ, ngòi nổ cho chuỗi nổ dây chuyền phá tan “Chủ nghĩa Thực dân kiểu cũ”, xây dựng Miền Bắc thành “Hậu phương lớn” (Yếu tố thường xuyên quyết định thắng lợi ở tiền tuyến - Staline) trong cuộc “Kháng chiến thần thánh” lần thứ 2 - Chống Mỹ cứu nước; biến cả Trường Sơn thành một chiến trường với “Ðường mòn Hồ Chí Minh” huyền thoại...

Ðến trước khi Người mất (2-9-1969), thì phiên họp đầu tiên, chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ đã diễn ra ở Paris (13-5-1968), làm tiền đề cho “Hội nghị bốn bên về Việt Nam” lịch sử. Cũng ở Paris, sau khi “Chiến tranh Cục bộ” của Mỹ ở Miền Nam thất bại (ngày 25-1-1969, phiên họp toàn thể chính thức đầu tiên của Hội nghị ấy, khai mạc tại Phòng họp Trung tâm của Hội nghị Quốc tế).

Mỹ đã phải chấp nhận đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam - Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam và “dắt” Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đến họp cùng. Mỹ cũng đã phải nghĩ đến “Việt Nam hóa chiến tranh”. Sau khi Người mất, các đồng chí và đồng bào của Người còn làm thêm được một Ðiện Biên Phủ nữa – “Ðiện Biên Phủ trên không” (1972).

Từ 1975, Việt Nam hoàn toàn thống nhất, cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ Nhân dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo cùng với Ðảng của mình, đã hoàn toàn thắng lợi.

Nhìn lại bối cảnh lịch sử khi Người được sinh ra và nhìn “cơ đồ” Người để lại, không cần phải sâu sắc lắm, cũng thấy ngay rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một vị anh hùng dân tộc, một vĩ nhân trong các vĩ nhân. Người đã thuộc về “Thế giới người hiền”, không chỉ của dân ta mà còn là của nhân loại. Người cùng Ðảng của mình dẫn cả dân tộc làm cách mạng, vừa giành lại được nước, dựng nên một chính thể - chế độ mới, vừa thống nhất giang sơn và biến nhân dân của mình, từ phận “vong quốc nô”, thành chủ nhân ông của đất nước ấy. Sự nghiệp của Người còn có ảnh hưởng sâu sắc đến sự tiến bộ của thế giới hiện đại. Có Người, nước Việt nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng, lại có một kỷ nguyên vàng son nữa.

Chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, không thủ đô nào có nhiều thi ca về mình như Thăng Long - Hà Nội. Không một vĩ nhân nào có nhiều thi ca viết về mình như Bác của chúng ta!

Nhìn sơ lược lịch sử ta, dễ thấy rằng, khi nào chúng ta có “Vua sáng, tôi hiền”; khi nào chúng ta giữ được đạo đức và phẩm cách; cân bằng, thông minh và mạnh mẽ cả trong chính trị - kinh tế - văn hóa và võ bị; thì ta có “Ðại đoàn kết toàn dân”, thì ta không bị ngoại bang “bắt nạt” và những kỷ nguyên vàng son ắt về trên núi sông. Chúng ta ngày nay cũng nhất định phải thế!

Thăng Long - Hà Nội, Tết ông Táo Kỷ Hợi - 2019.

Tùy bút lịch sử Đỗ Trung Lai
.
.
.