Tọa đàm Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn

Thứ Sáu, 23/03/2018, 09:06
Ngày 22-3, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn” dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học-Nghệ thuật.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình môn Ngữ văn mới đưa ra 6 tác phẩm bắt buộc là chưa đủ, chưa đảm bảo sự cân đối cả về thể loại lẫn các giai đoạn văn học. Việc thiết kế chương trình theo hướng mở là cần thiết nhưng cũng cần phải thận trọng bởi mở là để tạo sự đa dạng trong thống nhất chứ không phải là tạo nên sự hỗn loạn, nhất là trong khâu kiểm tra, đánh giá.

PGS.TS Phạm Quang Long, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: Về nội dung chương trình, ban soạn thảo chỉ quy định 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là do những người biên soạn sách giáo khoa, sách tham khảo, người dạy có quyền tự chọn theo cách hiểu và sự yêu thích, mục đích của mình.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm khoa học “Góp ý chương trình phổ thông môn Ngữ văn”.

Những tác phẩm này chủ yếu tập trung vào hai giá trị cốt lõi là yêu nước và nhân đạo là phù hợp nhưng lại đơn điệu về thể loại và có phần bất cân xứng giữa các giai đoạn văn học. Phần còn lại được Chương trình giới thiệu như những gợi ý mà không bắt buộc. Đối với những tác phẩm dài cũng không gợi ý nên trích đoạn nào, dạy những nội dung gì.

“Đành rằng, quy định theo hướng mở sẽ tăng quyền chủ động cho người dạy và người học. Tuy nhiên, nếu mở quá cũng sẽ tiềm ẩn những nhân tố khó kiểm soát, gây khó khăn trong việc đánh giá, thi cử”- ông Long bày tỏ băn khoăn.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Bá Thành, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nêu ý kiến: Nếu chỉ chọn 6 tác phẩm là bắt buộc học, còn lại là tự chọn thì sẽ tạo nguy cơ loạn về sách giáo khoa. Mỗi trường, mỗi địa phương sẽ lựa chọn và biên soạn theo cách của mình. Các kỳ thi quốc gia về môn Ngữ văn sẽ khó đạt được sự thống nhất về định hướng đề thi.

GS. Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, Nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng: Cả một nền văn học hơn 10 thế kỷ (chưa kể đến văn học dân gian Việt Nam) mà chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc là điều khó chấp nhận.

Nếu chỉ dừng lại 6 tác phẩm bắt buộc mà phần còn lại chỉ là gợi ý, tự chọn tác phẩm tương tự thì khi tốt nghiệp, chắc chắn rằng, năm nào cũng chỉ thi trong 6 tác phẩm bắt buộc đó vì sẽ khó có văn bản nào khác ngoài 6 tác phẩm được tất cả các bộ sách giáo khoa lựa chọn. Cùng chung băn khoăn nay, GS Hà Minh Đức nêu ý kiến: Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung thêm số lượng tác phẩm bắt buộc, đặc biệt là giai đoạn hiện đại để cân đối hơn về thể loại, các giai đoạn văn học cũng như giá trị tư tưởng của tác phẩm.

“Trong trường hợp nếu việc lựa chọn các tác phẩm bắt buộc có quá nhiều ý kiến bất đồng, khó thống nhất, có thể học cách làm của Hội nhà văn trong việc bình chọn 20 nhà văn Việt Nam tiêu biểu để dựng tượng là tổ chức một hội đồng bình chọn, tiến hành bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiếu sẽ cho một mẫu số chung, từ đó giúp việc lựa chọn trở nên chính xác hơn”- GS Hà Minh Đức đưa ra gợi ý.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu quan điểm, Nhìn vào danh mục tác phẩm gợi ý trong chương trình, cá nhân ông cảm thấy có một số tác giả trẻ chưa thực sự tiêu biểu song lại thiếu vắng một số tác giả đặc sắc như Nhà văn Anh Đức, Nhà văn Nguyễn Thi... Đặc biệt, nội dung liên quan đến Trường Sa hầu như chưa có trong khi chủ đề này được đưa rất sống động trong SGK các cấp của Trung Quốc.

Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, việc thiết kế chương trình hướng đến mục đích phần cứng sẽ có độ bền vững cao, tức ổn định trong vòng 10 năm-20 năm, đảm bảo không biến SGK thành một hình thức kinh doanh giáo dục. Còn phần mềm, hay còn gọi là phần mở, cần phải thay đổi, cập nhật liên tục dưới sự kiểm soát của Bộ GD&ĐT. Nhà văn Lê Thành Nghị cũng đề xuất: Việc lựa chọn tác giả, tác phẩm, bên cạnh giá trị văn chương cũng cần quan tâm đến các yếu tố khác như nhân thân của tác giả, nhằm hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Với tư cách là người có nhiều năm nghiên cứu về văn học thiểu số, PGS Trần Việt Trung, Đại học Thái Nguyên đề nghị: “Dự thảo chương trình Ngữ văn mới hiện không có bóng dáng của các tác giả là người dân tộc thiểu số. Cần bổ sung một số tác phẩm văn học thiểu số ưu tú từ văn học dân gian đến hiện đại để đảm bảo sự cân đối giữa các dân tộc, vùng miền”. 

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới cho biết, các ý kiến tại buổi tọa đàm này sẽ được Ban soạn thảo ghi nhận, nghiên cứu nghiêm túc.

Cũng theo PGS Đỗ Ngọc Thống, việc chương trình thiết kế theo hướng mở là nhằm tăng tự chủ cho các tác giả viết sách giáo khoa theo định hướng 1 chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Liên quan đến việc quy định 6 tác phẩm bắt buộc, ông Thống cho rằng, nếu chương trình chỉ học mỗi 6 tác phẩm này thì đúng đây là một điểm cần băn khoăn. Nhưng như đã nói với hơn 4.000 giờ Ngữ văn, giáo viên sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp rất nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế sẽ có nhiều tác giả, tác phẩm lớn, có giá trị khác các em sẽ được học trong chương trình...

Kết luận buổi tọa đàm, lãnh đạo Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học-Nghệ thuật Trung ương cho biết: Các ý kiến đóng góp từ tọa đàm sẽ được tổng hợp thành văn bản gửi Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo và Bộ GD&ĐT, trong đó đề xuất những giải pháp cụ thể về tổ chức thực hiện cũng như về chuyên môn để có thể hoàn thiện khung chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.

Huyền Thanh
.
.
.