40% phim truyền hình của VFC là kịch bản mua bản quyền của nước ngoài

Chủ Nhật, 10/12/2017, 10:57
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết, việc mua bản quyền kịch bản nước ngoài là do VFC luôn thiếu kịch bản hay. Trong khi đó, những kịch bản mua bản quyền của nước ngoài cũng phải mất nhiều thời gian để “nội địa hóa”…


Phóng viên: Sau nhiều dự án phim mua bản quyền kịch bản nước ngoài về sản xuất rất thành công trong việc thu hút người xem thì “Cả một đời ân oán” - dự án phim mới nhất mà VFC giới thiệu đến khán giả cũng lại là phim truyền hình mua bản quyền kịch bản của Đài Loan. Có ý kiến cho rằng, việc mua bản quyền kịch bản phim ăn khách của nước ngoài sẽ giúp nhà sản xuất tránh được nhiều rủi ro, ít nhất là về mức độ thu hút người xem. Đây có phải là lý do cho sự lựa chọn liên tục của VFC trong thời gian gần đây?

Cảnh trong phim “Cả một đời ân oán”. 

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Không hẳn là như vậy vì đã có rất nhiều dự án phim mua bản quyền kịch bản của nước ngoài về sản xuất nhưng không thành công. Với các nhà sản xuất phim, đôi khi, việc lựa chọn kịch bản phim nước ngoài để Việt hóa là sự mạo hiểm. Chúng ta mới tiếp cận cách làm này cảm thấy mới mẻ, còn các nhà sản xuất phim đến từ các nước công nghiệp phim phát triển như Trung Quốc, Pháp, Anh thậm chí từ Hollywood (Mỹ), đây là việc hết sức bình thường. 

Hiện nay, mỗi năm, trên thế giới đều có rất nhiều hội chợ phim rất lớn, ở đó, người ta giới thiệu các dự án phim mới, chào bán kịch bản… Rất nhiều dự án, kịch bản đang được giới thiệu qua internet. Các nhà làm phim đều đến các hội chợ này để tìm kiếm kịch bản phù hợp mang về tổ chức sản xuất. Việt Nam cũng thế và việc lựa chọn các bộ kịch bản phim phù hợp theo tiêu chí của nhà sản xuất không phải là dễ dàng, đôi khi còn cần may mắn.

Phóng viên: Nhưng kết quả thời gian cho thấy, rõ ràng VFC rất thành công với các kịch bản phim mua bản quyền từ nước ngoài. Anh có thể chia sẻ lý do làm nên sự thành công này không?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Không có mẫu số chung nào cho các thành công. Các nhà sản xuất phải biết phát hiện vấn đề, và dựa trên cốt truyện của kịch bản để sáng tác tiếp. Bản thân chúng tôi sau khi mua các kịch bản phim từ nước ngoài về cũng phải bỏ rất nhiều công sức để sáng tác, nghiên cứu cách thức chuyển đổi thành các kịch bản mang dấu ấn của Việt Nam. Ví dụ, với phim “Người phán xử”, chúng tôi phải mất tới 3 năm để viết lại kịch bản. Nếu ai đã xem phim do Israel sản xuất sẽ thấy phiên bản Việt Nam khác rất nhiều.

Phóng viên: Phim truyền hình của VFC mua bản quyền kịch bản nước ngoài chiếm khoảng bao nhiêu % trong số phim đơn vị sản xuất trong năm 2017?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Khoảng 40%

Phóng viên: Các nhà sản xuất liên tục than thiếu kịch bản hay. Ngoài các kịch bản phim mua bản quyền của nước ngoài, VFC tìm nguồn kịch bản từ đâu?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Chúng tôi có 2 nguồn. Một là từ các tác giả chuyên nghiệp. Hai là bản thân VFC đặt hàng các nhà văn, nhà sáng tác. Nhưng nói thật là VFC luôn trong tình trạng thiếu các kịch bản hay.

Trong các trường điện ảnh thì hầu hết đào tạo viết kịch bản biên kịch điện ảnh, tức là các kịch bản rất ngắn. Đối với phim truyện truyền hình dài tập, để có thể kéo khán giả theo dõi bộ phim trong vòng vài tháng thì cần kịch bản rất dài. Chưa kể đặc thù thị hiếu xem phim của khán giả từng nước rất khác nhau. Ở Hồng Kông, Nhật Bản… các phim truyền hình chỉ thường 12-16 tập. Với Việt Nam, chừng đó tập phim là chưa đủ để kéo khán giả theo dõi. Do đó, phim thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự am hiểu khán giả, kinh nghiệm của các nhà sản xuất và cả sự tiếp cận công nghệ, kỹ thuật làm phim hiện đại của thế giới.

Phóng viên: Bản thân anh và VFC có gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu khán giả, rút kinh nghiệm cũng như tiếp cận công nghệ của thế giới không?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Vào quãng thời gian vài năm trước, làn sóng phim truyền hình nở rộ, có lượng khán giả rất lớn. Làm nên thương hiệu của VFC phải nhắc đến chương trình “Văn nghệ chủ nhật”. Khi các hãng phim xã hội hóa thi nhau sản xuất phim truyền hình nhằm chiếm được thị phần, VFC gặp rất nhiều khó khăn. 

Thực tế, đó cũng là quãng thời gian phim truyền hình đã đánh mất khán giả. Sau đó là sự bùng nổ của các gameshow. Khán giả phim truyền hình bị chia sẻ theo sự chuyển dịch thị hiếu người xem, nhiều người trước đây thích xem phim truyền hình thì nay lại thích xem gameshow và các chương trình giải trí khác, kể cả các chương trình trên Internet…

Đây thực sự là một thách thức rất lớn. Đứng trước những làn sóng như thế, VFC vẫn kiên định con đường khẳng định mình bằng chất lượng phim chứ không chạy theo số lượng, không chuyển sang làm gameshow hay các chương trình giải trí. Đó là truyền thống lâu năm của VFC đã được hun đúc qua bao nhiêu thế hệ, những người truyền lửa từ thời “Văn nghệ chủ nhật”, tất cả đều yêu nghề, đều mong muốn giữ và phát triển nghề. Chúng tôi luôn tin, yêu nghề thì nghề sẽ không phụ mình.

Phóng viên: Làm phim chất lượng cao thì đòi hỏi nhiều thứ, kể cả về mặt thời gian và tài chính. Về thời gian, Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên và diễn viên Lan Phương đã so sánh một cách rất hài hước là người ta quay 1 ngày 3 tập, còn VFC quay 6 ngày 1 tập khiến diễn viên rất “sốc”. Là nhà sản xuất, anh có “sốt ruột” với cách làm này?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Đấy chỉ là một cách nói vui của các cô ấy thôi. Hiện nay, VFC vẫn kiên định phát hành các bộ phim có chất lượng tới khán giả, dù rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian, rất kỳ công. Như với bộ phim “Cả một đời ân oán”, ê-kip làm phim đã chuẩn bị ròng rã cách đây 3-4 năm. Đổi lại, khi xem phim, các bạn có thể thấy rằng VFC đã đầu tư nghiêm túc.

Trong thời điểm khán giả bị chia sẻ nhiều như hiện nay, chúng tôi vẫn xác định với các đài truyền hình thì thể loại phim truyền hình luôn được khán giả quan tâm. Vấn đề là các nhà sản xuất phim có đưa ra được các bộ phim chất lượng hay không mà thôi. Vì vậy, đối với các khán giả trung thành với phim truyền hình Việt, chúng tôi luôn tìm cách giữ chân họ với những bộ phim đậm chất Việt mà không bao giờ có thể thấy trong các phim truyền hình nước ngoài.

Người Việt vẫn thích xem phim Việt, những gì gắn bó, gần gũi với mình. Đây là lợi thế về nội dung mà chúng tôi phải cố nắm bắt. Năm 2017 , VFC cũng đã đa dạng các nội dung phim của mình và hầu hết các phim đều có chất lượng, được đầu tư về phương tiện thiết bị kỹ thuật, diễn viên và đội ngũ sản xuất.  Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này. Phim sẽ không còn những câu chuyện đơn thuần về gia đình mà chạm được đến những đề tài chúng tôi tin là nhiều đối tượng khán giả đón nhận.

Ví dụ như phim nói về đời sống những thế hệ lưu học sinh người Việt sống và làm việc ở Liên Xô cũ. Việc dựng lại những bối cảnh phim quá khứ ở Việt Nam đã khó, nhưng ở đây chúng tôi còn dựng lại bối cảnh Liên Xô giai đoạn những năm 86-90 của thế kỷ  trước. Với sự đầu tư kỹ lưỡng, cùng những cảnh quay chân thực, tôi tin phim sẽ lột tả chân thực được cuộc sống những con người đi qua thời cuộc của nền kinh tế đi từ chế độ bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Sắp tới đây, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu tới các bạn những dự án khá đặc biệt, những dự án có thể  nói là lớn nhất của VFC từ trước đến nay.

Với những dự án phim như thế, chúng tôi có thể phần nào tự tin nói rằng, phim truyền hình Việt đã và sẽ có những bước tiến dài về chất lượng.

Phóng viên: Xin cảm ơn đạo diễn.

Hoa Nguyễn
.
.
.