Nhà văn Ma Văn Kháng: “Đề tài về Công an xuyên suốt nhiều tác phẩm của tôi”

Thứ Năm, 17/08/2017, 05:37
Ở vào tuổi 81, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn vô cùng minh mẫn, dường như, ông chưa bao giờ quên điều gì trong ký ức của mình, cả chặng đường lập nghiệp, làm văn chương và những kỷ niệm về bè bạn. 


Tác phẩm của ông, đều là những dấu ấn đồ sộ của văn chương Việt như các tiểu thuyết: “Đồng Bạc trắng hoa xòe”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Mùa lá rụng trong vườn”, “Mưa mùa hạ”, "Chuyện của Lý"... 

Trong những lần trò chuyện cùng ông, nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ rằng, trong suốt chặng đường mấy chục năm viết văn của mình, ông có duyên nợ với các tác phẩm thuộc đề tài an ninh, ông cũng từng là người tham gia giải Cây Bút Vàng do Báo CAND và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức và đoạt giải đặc biệt với tác phẩm "San Cha Chải". 

Nhân dịp này, chúng tôi gặp nhà văn Ma Văn Kháng để nghe ông kể lại câu chuyện đời mình thông qua những trang viết.

Căn nhà gắn bó với ông cả đời người ở trung tâm thủ đô Hà Nội mang dáng vẻ hiền hòa như chủ nhân của nó. Nhà văn Ma Văn Kháng ngồi đó, giữa căn phòng gọn gàng, ngăn nắp và đầy ấm áp nhìn ngắm sự trưởng thành của những đứa cháu nội ngoại. 

Ông chỉ vào túi thuốc đủ loại mà hàng ngày ông vẫn phải uống để duy trì sức khỏe và chống lại những căn bệnh tuổi già: "Tuổi già, buồn lắm, chỉ có... thuốc làm bạn!". 

Nói thì nói vậy chứ ông vẫn đều đặn hàng ngày đọc báo, nghe đài, soạn lại bản thảo để những cái chưa kịp in thì in thành sách, nhiều cuốn của ông tái bản thường xuyên hàng năm. Cả một đời làm nghề và say nghề, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào lòng độc giả như hình bóng một cây đại thụ. 
Nhà văn Ma Văn Kháng.

Và những câu chuyện của ông, kể cả đã đi vào trang sách hay chỉ đơn giản là một câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu, cũng là một bài học về nhân sinh, về cuộc đời mà ông đã trải nghiệm, đã đi qua…

Kể lại câu chuyện gắn bó với cuộc thi giải Cây Bút Vàng, một dấu ấn đậm nét đối với một thế hệ những người viết văn thời của ông, nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ: "Trong hai năm 1996 - 1998, một cuộc thi truyện ngắn về đề tài an ninh giải Cây Bút Vàng do Bộ Công an và Hội Nhà văn chủ trì đã được phát động. Tổng kết cuộc thi, tháng 8 năm 1998, truyện ngắn San Cha Chải của tôi đã được nhận giải cao nhất, giải Cây Bút Vàng. 

Điều này chỉ có thể lý giải là vì một sự ngẫu nhiên, ngẫu nhiên và ngẫu nhiên. Một quy luật lớn nhất chi phối đời một con người. Sáng tác văn học cũng vậy. Những cái chúng ta viết ra đều chịu tác động của cái quy luật lớn này. Và nếu ngẫu nhiên có ngẫu nhiên rủi ro, ngẫu nhiên may mắn thì cơ duyên đã dành cho tôi một ngẫu nhiên may mắn. 

Tôi nói thế là bởi vì thoạt đầu tôi không có ý định viết truyện tham gia cuộc thi; phần nữa cũng là bởi, tôi được mời vào Ban chung khảo cuộc thi truyện ngắn này. Tuy nhiên, ý định của tôi đã phải thay đổi, bắt đầu từ sáng kiến của Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an, nhà văn Hữu Ước. Tôi nhớ là lúc ấy cuộc thi đã vào chặng nước rút. 

Tết 1998 sắp đến. Tôi nhận được giấy mời tìm đến cuộc họp tổ chức ở một căn phòng nhỏ cạnh phòng Tổng Biên tập ở 90 Nguyễn Du - trụ sở Tạp chí Văn hóa văn nghệ Công an, thì thấy nhà văn Hữu Ước đã có mặt cùng Thiếu tướng Phạm Văn Dần, Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND và một số nhà văn, như anh Nguyễn Quang Thiều, anh Chu Lai, anh Nguyễn Quang Lập... Vào họp, anh Hữu Ước nói luôn, đại ý: Cuộc thi sắp kết thúc, mời các anh tới để đề nghị các anh viết truyện tham dự cuộc thi. 

Với riêng tôi, anh Hữu Ước nói: nếu anh Kháng có truyện tham dự cuộc thi, thì có thể rút ra khỏi danh sách Hội đồng chung khảo. Kết thúc cuộc họp, Tổng Biên tập Hữu Ước tặng mỗi nhà văn một triệu đồng.

Cuộc họp là một hành động thúc đẩy kịp thời, nó là một cú hích thông minh, nó thể hiện một kinh nghiệm quan trọng của mọi cuộc thi văn chương có đề tài giới hạn là phải có một lực lượng nòng cốt. Cuộc họp ngẫu nhiên ấy đã đánh thức ký ức tôi. Tôi nhớ lại một câu chuyện mà tôi đã được nghe hồi công tác ở Lào Cai. 

Nội dung câu chuyện đơn giản như sau: Hồi kháng chiến chống Pháp, có một anh du kích Mèo nhận nhiệm vụ áp tải một tên trùm phỉ xã bắt được ra huyện; dọc đường, tên trùm phỉ tỉ tê trò chuyện, khơi gợi tình cảm dân tộc, anh mủi lòng, nên lúc sau đang đi gặp con suối mát, anh đã cởi trói cho nó tắm rồi sau đó giao súng cho nó giữ hộ để mình xuống tắm. Kết quả là tên trùm phỉ cầm súng bắn anh du kích, may mà không trúng, rồi ù té chạy, trốn vào rừng. 

Chất liệu sống nguyên trạng này có nhiều cái thuận. Thứ nhất là nó có tình huống, một tình huống có kịch tính, thậm chí ly kì, một yêu cầu gắt gao của truyện ngắn. Thứ hai là nó có nhân vật; và nhân vật có điều kiện bộc lộ, phát triển tính cách. Thứ ba, nó có khả năng ôm chứa, chuyển tải nhiều ý tưởng thú vị. Và thứ tư nữa là nó có một không gian thiên nhiên đẹp, có thể thỏa thích vẫy vùng ngòi bút, với núi non trời mây, rừng cây con suối... 

Tôi đã phải vận dụng gần như tất cả hiểu biết, kỷ niệm, ấn tượng tôi đã có trong nhiều năm dài sống ở miền núi, nghĩa là toàn bộ vốn sống có từng nào thì huy động ra bằng hết, chứ không dè sẻn, để viết truyện ngắn này. 

Hồi đó, giải thưởng Cây Bút Vàng nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Không thể quên vì hiện vật Giải thưởng này là một cây bút làm bằng vàng đặt trong một chiếc hộp kính vuông mỗi bề dài 30cm, lúc nào cũng hiện diện trong căn phòng khách của nhà tôi. 

Giải thưởng được Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương trao ngày 15-8-1998. Tổng giá trị là 15 triệu đồng. Trong đó, 12 triệu tiền mặt. Và một cây bút làm bằng 6 chỉ vàng bốn con 9 (giá mỗi chỉ lúc này là 450.000 VNĐ, bằng 1/8 giá thời điểm hiện nay). Theo giá vàng hiện nay mà dịch chuyển số tiền giải 15 triệu đồng thành tiền tương đương thì hẳn là to lắm! 

Từ sau Giải Cây Bút Vàng, như định mệnh, bằng văn chương neo mình với sự nghiệp  bảo vệ an ninh của Tổ quốc và sự yên bình của cuộc sống. Ít ra thì cũng đã ba bốn lần tham gia Ban Tổ chức, Ban giám khảo các cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện ký về đề tài này. Lại có khi viết cả lý luận nữa. 

Còn truyện ngắn về công cuộc phù trợ cái thiện, chống lại cái ác thì đã là cảm hứng có từ cội nguồn, nên từ ngày đó vẫn xuất hiện đều đều trên báo chí. Giải Cây Bút Vàng- một kỷ niệm vàng. Nói vậy mà không sợ là ngoa ngôn. Là bởi vì, không thể ngờ, lại có lúc bao nhiêu suy ngẫm và cảm hứng lại có thể tích tụ, kết tinh tạo nên được một cái gì đó như là ao ước  trong sáng tạo của mình. 

Năm 2012, tôi công bố gần như trong một năm 2 cuốn tiểu thuyết về đề tài hình sự. Bóng đêm (Nxb Công an nhân dân), Bến bờ (Nxb Phụ nữ) là kết quả của nhiều năm tháng thâm nhập cuộc sống của các chiến sĩ Công an với biết bao yêu mến và trân trọng".

Nhà văn Ma Văn Kháng là người sống với nhiều hoài niệm. Ông bảo rằng có một câu châm ngôn của M.Gorky mà ông đã từng rất tâm đắc từ thời trẻ cho tới tận bây giờ, đó là: "Với quyển sách và cây bút, là vũ khí trong tay, chúng ta chiến đấu cho ngày mai".

Chính vì thế, với ông, ngay cả trong những ngày cơ khổ ở túp nhà ổ chuột, trong cái hẻm thuộc ngõ 221 phố Nguyễn Khuyến, viết được trang nào là lại cất xuống gầm giường cùng đám nồi niêu xoong chảo, ông đã có tiểu thuyết "Mưa mùa hạ". 

Những ngày ăn đói mặc rét, chân tay tê cóng co cắp vì bệnh thấp khớp, ở ngôi nhà tập thể trên phố Cốc Lếu, TP Lao Cai, ông đã viết được "Đồng bạc trắng hoa xòe". 

Ông đã hoàn thành "Mùa lá rụng trong vườn", "Côi cút giữa cảnh đời", "Đám cưới không có giấy giá thú" ở căn nhà cấp 4 cũ nát, tiền thân của ngôi nhà xây dựng lại khang trang như hôm nay, ông đã viết "Chó Bi", "Đời lưu lạc", Ngược dòng nước lũ" và cả loạt truyện ngắn lưu giữ bóng hình cuộc sống những năm cuối thế kỷ XX. 

Nhiều người nói rằng, sống đã rồi mới viết, với nhà văn Ma Văn Kháng, đời sống và đời viết là một cuộc song hành. Bởi vậy ông thích triết lý của Khổng Tử, ông thánh của đạo Nho: “Ta, lúc 15 tuổi đã để chí học hành. 30 tuổi đã đứng vững. 40 tuổi nhận thức không lầm lẫn. 50 tuổi mới hiểu được mệnh trời. 60 tuổi thuận lợi mọi điều. 70 tuổi tự do hành động mà không trái phép tắc quy luật”. 

Điều đó cũng giải thích vì sao Nửa thế kỉ cầm bút với gần 20 cuốn tiểu thuyết và hơn 200 truyện ngắn, nhà văn Ma Văn Kháng đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam như một biểu tượng của cuộc đời lao động viết văn không ngừng nghỉ và mệt mỏi...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.