Nhiều thông điệp từ không gian Di chúc Hồ Chí Minh
- Mấy khía cạnh quan tâm khi đọc lại di chúc Bác Hồ
- Đạo lý Việt Nam trong Di chúc Bác Hồ
- Những chi tiết chưa nói của Di chúc Bác Hồ
Điều lắng đọng, hấp dẫn đối với khách tham quan
Mới đầu giờ sáng nhưng lượng khách quốc tế và trong nước đến Bảo tàng Hồ Chí Minh đã rất đông. Tại khu vực trưng bày không gian tưởng niệm Hồ Chí Minh, nhiều vị khách đang chăm chú, tỉ mẩn xem lại những hiện vật, tài liệu tại đây. Bản Di chúc Bác viết năm 1968 gồm 6 trang viết tay với những phần sửa chữa của Người luôn thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan.
Chị Kỷ, nữ hướng dẫn viên tại đây cho chúng tôi biết: Kể từ thời điểm Bác bắt đầu viết di chúc vào ngày 10-5-1965, mỗi năm tiếp theo vào các dịp sinh nhật của mình, Bác đều lấy Bản Di chúc ra viết thêm, sửa chữa lại. Bản Di chúc Bác viết năm 1968 được trưng bày tại đây là Bản Di chúc được Người viết và chỉnh sửa nhiều nhất. Trong đó, đối với những điểm cần nhấn mạnh, ví dụ về phần việc riêng của mình, Người đã sử dụng bút đỏ để gạch chân hoặc sửa lại.
Ðiều đặc biệt trong các bản Di chúc của mình, Bác luôn khẳng định một niềm tin sâu sắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta nhất định sẽ thắng lợi, nhân dân hai miền Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.
Trong không gian tưởng niệm Hồ Chí Minh, cách đây ít lâu, Bảo tàng đã phục dựng không gian 3D về Bác Hồ đang ngồi viết Di chúc. Bức tượng sáp Bác Hồ đang ngồi đánh máy lại văn kiện quan trọng cuối đời mình để lại cho muôn đời sau. Trong không gian tĩnh mịch của ngôi nhà sàn giản dị, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ngồi đó với tiếng máy chữ lách cách tuôn trào, gợi cho du khách một không khí hết sức thiêng liêng, gần gũi, nhiều cảm xúc.
Không gian Bác Hồ viết Di chúc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế. Ðiều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Ðảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (Trích Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Cả một đời cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, trước lúc đi xa, Người đã để lại cho Ðảng ta, đất nước ta, nhân dân ta một văn kiện lịch sử vô giá. Di chúc của Người có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, nhiều mặt, là kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Ðặc biệt, tại khu vực trưng bày không gian tưởng niệm Hồ Chí Minh, du khách sẽ nhìn thấy hai hiện vật, gồm chiếc đồng hồ Bác đã sử dụng dừng lại ở thời điểm 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969 - thời điểm Người vĩnh biệt chúng ta để về với thế giới người hiền. Bên cạnh đó là Bản Di chúc cuối cùng của Bác năm 1969 và đã được công bố sau khi Bác mất. Và đây cũng là Bản di chúc chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không gian tưởng niệm Hồ Chí Minh ngoài Ngôi đền thờ tượng trưng được dựng theo kiến trúc cổ đình chùa Việt Nam, với các chất liệu dân tộc và vòm mái cong, còn có phần trưng bày xúc động về lễ tang của Người với những dải băng tang và vòng hoa được nghệ thuật hoá được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới.
Ngay sát bên không gian tưởng niệm là phần trưng bày gồm những hình ảnh, hiện vật thể hiện quyết tâm của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người. Ðó là những hình ảnh, hiện vật thể hiện tiến trình đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như đưa đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội sau ngày đất nước thống nhất, đúng như mong ước của Người trước lúc đi xa.
Thông điệp để lại
Nhiều cụ già, em nhỏ đã dừng lại bên gian tưởng niệm, lắng nghe tiếng lách cách từ chiếc máy chữ Người vẫn dùng để soạn thảo Bản Di chúc đặc biệt để lại cho dân tộc, như vẫn thấy Bác vẫn còn đây, gần gũi giản dị nhưng những lời căn dặn của Người lại hết sức vĩ đại, tầm vóc đến muôn đời sau. Với lượng khách thăm mỗi ngày từ 2.000 – 4.000 lượt, trong cuốn sổ ghi lại cảm tưởng tại Bảo tàng dày đặc những dòng cảm xúc của rất nhiều những vị khách tham quan với đủ các ngôn ngữ trên thế giới. Xúc động trước những điều hết sức bình dị mà cao cả, vĩ đại từ con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người khi đến đây đều tự cảm nhận cho riêng mình những bài học sâu sắc và ý nghĩa.
“Hôm nay con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác. Con tim bồi hồi, xao xuyến. Cảm thấy tự hào vì là người con của nước Việt. Với lòng tự hào dân tộc, chúng con xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu, học tập và rèn luyện theo tấm gương của Bác. Một vị cha già kính yêu của dân tộc. Người đã suốt cuộc đời vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, lo cho dân, cho nước, vì cuộc sống bình yên hạnh phúc, ấm no của nhân dân Việt Nam. Bác chính là niềm tự hào của chúng con. Bác mãi mãi ở trong tim của người dân Việt” (Nguyễn Văn Ba); “Bác Hồ kính yêu! Chúng cháu từ Hà Giang được về thăm Lăng Bác. Ðây là lần đầu tiên cháu được đến đây. Chúng cháu đã được nhìn thấy nơi Bác ở, nơi Bác làm việc. Chúng cháu hứa sẽ học tập tốt để trở thành người tốt Bác ạ!- Yêu Bác” (Cháu Thảo – Hoa).
Ngoài số lượng khách tham quan lớn trong nước và quốc tế, Bảo tàng Hồ Chí Minh là địa chỉ để học sinh, giáo viên nhiều trường học trên cả nước tìm đến để tổ chức các hoạt động kết nạp đội viên Ðội Thiếu niên Tiền phong, vừa học lịch sử, vừa trải nghiệm thực tế qua những hình ảnh được trưng bày trực quan sinh động tại bảo tàng.
Chị Amelia, nữ du khách người Australia đang tham quan tại đây chia sẻ: “Ðến đây, nhìn những dòng người xếp hàng dài để được viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chăm chú tham quan Bảo tàng, tôi mới cảm nhận hết sức hấp dẫn từ con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam. Tôi đã đọc Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại và thực sự ấn tượng về những tư tưởng của Người đã để lại cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau”.
Nghiên cứu về phong cách Hồ Chí Minh trong Di chúc, Giáo sư, TS Hoàng Chí Bảo, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã viết: “Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc nổi bật ở những điểm sau: Một là, thể hiện một năng lực và bản lĩnh văn hóa sâu sắc và tinh tế: chữ ít nhất mà nghĩa nhiều nhất, hàm súc, cô đọng, mang phong cách hiền triết Á Ðông và đậm bản sắc Việt Nam. Hai là, thể hiện một tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào thắng lợi.
“Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Ðó là một điều chắc chắn”. Ba là, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng. Di chúc hàm chứa tư tưởng đổi mới và hội nhập, phải làm những việc cấp bách, trước mắt mà cũng lo toan những trù tính chiến lược trong tương lai, kế hoạch xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Bốn là, thể hiện sự khoáng đạt, cởi mở, hài hòa, nhân ái, vị tha, khoan dung, độ lượng và thủy chung tình nghĩa. Năm là, thể hiện một nhân cách vĩ đại và cao thượng...”.