Thú đi... vườn thú

Thứ Bảy, 15/10/2005, 08:51
Mỗi khi “cục cưng” qua các chuồng thú, lại được ông bố giở ngay “từ điển” giới thiệu tỉ mỉ món ăn về con vật đó. Hẳn là, bài văn tả con vật của cậu sẽ làm cho thầy giáo phải “xếp bút nghiên” đến ngay nhà hàng đặc sản.

Cuộc đời của ông dành cho lễ nghi, tiệc tùng, nhậu nhẹt không phải là ít, đến nỗi chẳng còn thời gian, đầu óc đâu mà nghĩ tới việc đi thăm danh lam thắng cảnh hoặc vui chơi giải trí chốn công viên.

Nhưng lần này, nể vợ chiều con, ông phải đưa “cục cưng” tới thảo cầm viên để con ông quan sát và chuẩn bị cho bài văn tả con vật.

- Uyên ương là con gì, hả bố? - Cậu ấm đột ngột hỏi làm ông lúng túng.

- Uyên ương là... là... con uyên ương, chứ còn là con gì nữa - Ngừng một lát, ông nói tiếp - nhưng ăn thịt nó thì nhớ suốt đời.

Ông chợt nhớ tới món uyên ương tần hạt sen của một cơ quan nọ chiêu đãi phái đoàn của ông tới kiểm tra.

- Không phải! - Cậu con trai cãi - Uyên ương giống vịt: mỏ bẹt, chân có màng tòe, dáng đi lạch bạch...

- Nhưng thịt nó đậm ngọt, thơm ngậy, chứ không nhạt nhẽo, hôi sì như vịt nhà đâu - Vừa giải thích, ông vừa kéo con sang chuồng hổ.

- Hổ giống mèo, nhưng to hơn, dữ hơn và có vằn - Cậu con trai nhận xét.

Ông cay cú:

- Bố mà gặp lại nó, thì bố đập vỡ mặt nó ra!

Cậu con trai ngơ ngác.

Chả là lần ấy, ông vào miền Nam công tác, thằng ôn vật cứ thề sống thề chết rằng: “Nếu không phải là cao hổ cốt thứ thiệt, thì trời đánh thánh vật con. Con đi đằng ngược, con chết đằng ngược. Con đi đằng xuôi con chết đằng xuôi...”. Ông mua béng. Thì tiền “chùa”, thiếu gì. Ông hí hửng đem về làm quà tặng bố vợ. Nhạc phụ vứt ngay miếng cao cho chó. Con Mực vồ lấy, chén sạch. Ông bẽ mặt quá, về đến nhà gặp vợ còn chửi: “Quân khốn nạn! Đồ lừa đảo!”.

- ...Cho nên - Ông nói với con - có lần người ta tặng bố một miếng cao hổ cốt, bố đã hỏi đùa rằng: “Này cậu, vẫn còn đủ cả bộ xương cụ kễnh đấy chứ?”. “Dạ đủ”. “Cả xương bánh chè nữa đấy chứ?”. “Dạ, cao biếu sếp thiếu cái khoản ấy sao được ạ?”.

- Còn đây là nai hả bố? - “Cục cưng” cắt ngang tràng liên thanh của bố.

- Hươu đấy! Hươu có gạc sừng. Khi sừng già rụng đi, sừng non mới nhú gọi là nhung. Nhung hươu quý lắm, vì cao đạm. Mẹ con phát phì lên cũng vì tham ăn nhung hươu đấy. Nhưng thịt hươu thì không ngon bằng thịt nai. Hôm nọ, cả nhà ăn khô nai, ai cũng chê là dai và tanh. Riêng bố, sau chuyến đi Tây Nguyên, bố nghiện nhất món thịt nai!

- Con nghe chị Phương đọc: "Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô...”, là thế nào hả bố?

- ... Là nó sắp bị phường đi săn cho lên đĩa, chứ còn thế nào nữa. Chà, cái món thịt nai mới hấp dẫn, mới ấn tượng làm sao! Chỉ cần nhắc tới nó là bố đã tứa nước miếng ra rồi.

Cứ như thế, mỗi khi “cục cưng” qua các chuồng thú, lại được ông bố giở ngay “từ điển” giới thiệu tỉ mỉ món ăn về con vật đó.

Còn ông, cuộc đi thăm thảo cầm viên lần này cũng rất... thú!

.
.
.