Tản mạn về bút danh

Thứ Ba, 14/06/2005, 07:44
Nói công bằng thì khi còn mang bút danh Thao Trường, văn nghiệp của nhà văn này cũng bình bình. Nhưng từ khi ông đổi bút danh, văn tài ông phát lộ hẳn.

Bút danh nào giống... hình dung?

Thường thì với một nhà văn mà ta chưa được tiếp xúc, ta hay hình dung đặc điểm của họ theo như ngữ nghĩa mà cái bút danh đó gợi ra. Tuy nhiên, phải nói ngay là, trong nhiều trường hợp thì hình dung của ta khác xa với đặc điểm của họ trong thực tế. 

Minh họa của Lê Tâm

Ví dụ, ông nhà văn Phạm Hổ thì nói  năng nhỏ nhẹ, tính rất hiền, ông nhà thơ Huy Cận ở tuổi ngoài tám mươi mắt vẫn rất tinh, khi đọc sách báo không phải đeo kính. Đặc biệt, nhà thơ có bút danh Tú Mỡ lại là người có vóc dáng thật... gầy!

Và thế là, lịch sử văn học đã lưu lại bài thơ đùa trêu Tú Mỡ do nhà văn Nguyễn Công Hoan chấp bút. Lấy cái ý tên “mỡ” thì phải béo mà ở đây vóc vạc tác giả lại... còm, bài thơ kể chuyện Tú Mỡ viết thơ “xỏ” Trời và bị Trời cho Thiên Tào xuống bắt. Nhưng vì Thiên Tào chú trọng vào cái tên... mỡ ấy mà nhân vật này đã Bắt thằng béo kẹp kìm lòi mỡ?, trong khi Phớt lờ đi những đứa gày nhom nên Tú Mỡ đã lọt lưới lọt hom như Nguyễn Công Hoan viết.

Phát lộc văn nhờ đổi bút danh?

Đó là trường hợp của nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Cũng như “ông thầy” Nam Cao của mình (người phải vất vả lắm mới có được bút danh ổn định sau những cái tên như: Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê), có một thời gian dài nhà văn Nguyễn Khắc Trường lấy bút danh là Thao Trường, một bút danh mang đậm chất lính tráng, rất phù hợp với môi trường ông đang công tác khi ấy.

Thế rồi, một ngày nọ, không biết trời xui đất khiến thế nào, nhà văn bất ngờ đổi bút danh thành Nguyễn Khắc Trường (đây chính là tên thật của ông). Được hỏi, lý do gì dẫn tới sự thay đổi nói trên, nhà văn Nguyễn Khắc Trường trả lời thẳng tưng: “Tôi không muốn tên tôi trở thành... bãi tập của thiên hạ”.

Nói công bằng thì khi còn mang bút danh Thao Trường, văn nghiệp của nhà văn này cũng bình bình. Nhưng từ khi ông đổi bút danh, văn tài ông phát lộ hẳn. Cuốn sách đầu tiên ông đứng tên Nguyễn Khắc Trường chính là cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” nổi tiếng.

Một trường hợp khác cũng cần nhắc đến là nhà thơ Nguyễn Duy. Tên cúng cơm của ông là Nguyễn Duy Nhuệ. Với cái tên này, cách đây hơn ba chục năm, ông đã có thơ in báo. Nhưng rồi, dùng cái tên này một thời gian, ông cảm thấy nó xui xẻo thế nào, vậy nên ông mới bỏ Nhuệ lấy Duy, quyết định lập “con thứ” làm “con trưởng”. Quả tình, từ bấy đến giờ, thơ Nguyễn Duy hay lên thật!

Nghe thì “hay” nhưng in chệch thì... nguy!

Hoàng Nhuận Cầm là một cái bút danh nghe rất... thơ, ấy vậy mà bản thân tôi đã chứng kiến hai lần nó bị in sai, thành một tổ hợp từ nghe có vẻ rất... thương mại, khiến tác giả cũng có lúc phải lấy làm khó chịu.

Chẳng là hồi ấy, một tờ báo phía Nam in bài tôi viết bình một bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm. Không hiểu các nhân viên máy tính mắt mũi thế nào mà đánh sót mấy chữ, khiến khi in ra, tên nhà thơ bị biến dạng thành Hàng Nhận Cầm (hàng đã được nhận cầm). Hoàng Nhuận Cầm là người đầu tiên phát hiện ra sai sót này, anh lẩm bẩm: “Nghe cứ như ở hiệu cầm đồ”. Chưa hết, đến khi tôi cho xuất bản một tập phê bình văn học, trong đó có in một bài viết về đời thơ Hoàng Nhuận Cầm, không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà chữ tên anh lại bị in sai y chang lần trước. Lần này, Hoàng Nhuận Cầm không giấu được sự bực bõ: “Ông cho đánh máy thế nào ẩu thế. Ba chữ thì sai tới hai. Hay định “chơi” tôi thì phải”.

Trường hợp của nhà văn Phù Ninh ở Tuyên Quang cũng  gây ra sự hiểu lầm tai hại. Vốn tên thật của ông là Phạm Mạnh, nhưng khi xuất hiện trên báo tỉnh, ông thường lấy bút danh là Phù Ninh và Văn Thành Mạnh. Lần ấy, sau khi tập san Văn nghệ Hà Tuyên được ấn hành, mặc dù đang đi công tác ở cơ sở song ông vẫn được cấp trên cấp tốc gọi về. Vừa giáp mặt nhà văn trẻ, vị lãnh đạo nọ mắng luôn: “Văn của anh đã ra cái đếch gì mà anh kiêu ngạo”.

Phù Ninh ngơ ngác, không hiểu mình kiêu ngạo ở chỗ nào. Tức thì vị nọ chỉ tay vào một bài tùy bút in trên tập san Văn nghệ Tuyên Quang. Thì ra, ở dưới tiêu đề bài viết, thay vì dòng chữ “Tùy bút của Văn Thành Mạch” thì báo lại in ra là: “Tùy bút của Văn thằng Mạch”. Nghe quả là ... láo. Ông nọ tức là phải.

Những bút danh dễ bị “đồng hóa”

Trong những năm đánh Mỹ, người ta thấy xuất hiện trên thi đàn một tác giả lấy bút danh là Thanh Hao. Cùng thời gian này, nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi Thanh Hào cũng đang dần trở nên một tác giả quen biết. Bởi vậy mà khi tác giả Thanh Hao gửi bài cho các báo, tên ông thường bị in nhầm thành Thanh Hào.

Để tránh sự cố này, cuối cùng ông cũng nghĩ ra một mẹo: ấy là dưới tiêu đề bài viết, ông không quên ghi thêm dòng chú thích: Thanh Hao (chứ không phải Thanh Hào). Việc này có tác dụng, mặc dù đã có lần  suýt nữa thì người ta cho in nguyên cả dòng chữ này lên mặt báo.

Nhà văn nữ Đỗ Thị Thu Hiên (cán bộ Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) hiện cũng hay gặp phải sự cố tương tự. Rành rành tên cha sinh mẹ đẻ là Đỗ Thị Thu Hiên, song lắm khi in truyện ngắn trên báo, tên tác giả bị đổi thành ra là Đỗ Thị Thu Hiền. Có lẽ, trong tâm thức của các nhà biên tập thì Thu Hiên chính là Thu Hiền bị đánh máy thiếu dấu đó thôi.

Để đối phó với tình thế này, đã có người khuyên Thu Hiên là khi gửi bài, cứ cho đánh máy là Đỗ Thị Thu Hiền sau đó lấy bút ngoặc ra ngoài lề, chữa lại là Đỗ Thị Thu Hiên. Như vậy sẽ nhắc nhở các biên tập viên rằng tên tác giả đích thực là như thế.

Đây cũng là một sáng kiến!

Phạm Tuấn Đạt
.
.
.