Quá dài và quá ngắn

Thứ Bảy, 18/06/2005, 07:29
Điều đáng nói là chỗ cần viết gọn, thì lại dài, trong khi chỗ cần giải thích kỹ càng thì lại quá… tóm tắt.

Những tưởng sách do các nhà thơ - nhà giáo biên soạn thì câu chữ hẳn phải gọn gàng, súc tích, ấy vậy mà đọc cuốn “Thơ Việt Nam thế kỷ XX - thơ trữ tình” (NXB Giáo dục, 2005) thì thấy ở phần “Lời nhà xuất bản”, câu chữ lại lùa thùa, lê thê quá. Để nêu lý do ra đời của tập sách, người ta phải dùng tới 2 câu, trong đó có một câu dài tới… 13 dòng (khổ sách 16x24cm), gồm gần 300 từ, được ngắt bởi… 28 dấu phẩy.

Điều đáng nói là chỗ cần viết gọn, thì lại dài, trong khi chỗ cần giải thích kỹ càng thì lại quá… tóm tắt. Chẳng hạn, ở phần “Đôi lời cùng bạn đọc”, để giải tỏa tâm lý của nhiều người về việc các tác giả trẻ vắng mặt trong tập tuyển (người trẻ nhất có thơ được chọn trong ấn phẩm đồ sộ, dày tới ngàn trang này cũng đã gần 40 tuổi), người chủ biên đã buông thõng một câu: “Với những bạn còn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, chúng tôi không chọn vì các bạn ấy thuộc về thế kỷ XXI, công chúng thơ thế kỷ XXI sẽ định giá các bạn ấy”.

Cách “thoái thác” như vậy là chưa thỏa đáng. Đây là chúng ta chọn bài chứ không phải chọn tác giả. Nếu như các tác giả trẻ có thơ hay thì lẽ nào chúng ta lại “đẩy” họ ra ngoài tập tuyển chỉ với một câu như vậy? Ngộ sau này những người làm tuyển thơ Việt Nam thế kỉ XXI lại lấy lý do (mà điều này hoàn toàn chính đáng) rằng những bài thơ được viết ra trong thế kỷ XX không thể được tuyển vào tập tuyển thơ thế kỷ XXI, thế chẳng hóa thiệt thòi cho các tác giả trẻ lắm sao?

.
.
.