Lần đầu viết chuyện vui

Chủ Nhật, 15/10/2006, 08:10

Chân bước trên những mảnh thạch cao vụn, nhà kỹ sư tâm hồn lao về phía tường để giật bức chân dung của vợ đang treo. Cái khung lâu ngày bị gãy, tấm kính long ra rơi xuống vỡ tan. Bức ảnh cuộn tròn bay khắp phòng như một tờ lịch nhỏ của cuộc sống chung của họ.

Iulia Phêđôrốpna về nhà vào lúc 10 giờ để khỏi ảnh hưởng đến công việc của chồng. Đã bốn ngày liền, Nicôlai Clêmenchiêvích, chồng chị, ngồi lỳ bên bàn viết để sáng tác câu chuyện tâm lý theo đơn đặt hàng của một tòa soạn. Trong mấy ngày đó chị thấy tốt nhất là mình nên đi khỏi nhà.

Minh họa của Lê Tâm.

Gần như suốt ngày hôm đó, chị ở thăm nhà một người bạn gái từ thời nhỏ, có chồng làm giám đốc ở một xí nghiệp giày lớn nhất trong thành phố. Thấm thoát đã 11 tiếng đồng hồ trôi qua, Phêđôrốpna đã lần lượt mặc thử tất cả những chiếc áo dài mới mua của chị bạn. Càng thử, Phêđôrốpna càng thấy buồn.

Thế nhưng nhà văn đã không hiểu thấu nỗi lòng của vợ mình. Nhìn thấy vợ ở cửa phòng viết, anh khẽ đập một bàn tay lên tập giấy vừa viết xong, đặc những chữ rồi bảo vợ:

- Em biết không, anh định viết một chuyện tâm lý, nhưng loanh quanh thế nào nó lại thành ra một chuyện rất tức cười. Em có muốn cười, anh sẽ đọc thử cho mà nghe.

- Tất nhiên là em muốn nghe. Nhưng anh Côlia ạ, trước hết chúng mình hãy chuyển sang phòng ăn. Em muốn đặt ấm nước ở đó. Vả lại, em tin chắc anh đã đói ngấu rồi còn gì?

Khi đã cắm xong chiếc ấm đun nước. Phêđôrốpna cố ngồi sao cho thật thoải mái trên đi văng. Nicôlai Clêmenchiêvích hơi có vẻ xúc động, bắt đầu đọc. Anh đã đọc cả ba vai kịch khác nhau: vai ông già nông trường viên Egôrứt, vai chị vắt sữa Anna Philimônốpna và vai cô gái cứu hỏa Liubốtca.

Câu chuyện quả là rất vui. Thế nhưng Nicôlai vừa đọc được chừng mười lăm phút, thì bỗng Phêđôrốpna nhào ra cứu chiếc khăn chải bàn khỏi bị nước chè rớt xuống. Chị vừa kịp gượng cười để lên tiếng bình phẩm về câu chuyện, thì Nicôlai đã cuộn tập bản thảo lại rồi tức giận, nói:

- Anh chúa ghét cái thói xu nịnh của các bà vợ. Nếu em không thích thì cứ việc nói thẳng ra, chứ đừng nói lấy lòng anh.

- Anh Côlia! Việc gì em phải nói dối? Mà tại sao em lại không thích câu chuyện kia chứ? Chuyện rất buồn cười. Chẳng hạn cái cô Nhinôxca…

- Nhinôxca nào? - Côlia cười chua chát. Thậm chí em cũng chẳng buồn nghe nữa. Em còn mải nghĩ đến những chiếc áo dài của cái con gà mái tây đần độn, bạn em, vợ cái lão giám đốc ấy.

- Đúng, em đã nghĩ về những chiếc áo dài! - Iulia Phêđôrốpna dài giọng – Cái con gà mái tây ấy nó có cả một tủ đầy những quần áo mới. Còn em, tiếng là vợ một nhà văn, vợ của một kỹ sư tâm hồn, mà chẳng có gì để mặc ra đường. Anh có thấy xấu hổ không, hở nhà văn?

- Nhưng hình như, em cũng đã có…

- Anh thì lúc nào cũng “hình như”! Anh cứ thử ra đường, thử tới nhà hát, thử tới các phòng trưng bày các mốt quần áo, thử đọc các tạp chí về thời trang mà xem… Em đã lạc hậu, đã thua kém bạn bè!

- Đây là số phận của một con người đã suốt đời phụng sự nghệ thuật! - Nicôlai Clêmenchiêvích giơ cuốn bản thảo lên quá đầu rồi xé vụn ra.

Giọng anh cứ mỗi lúc một the thé lên. Ai hiểu và trọng anh thì không biết, chứ phải là những người thân, không phải là ở nhà. Ở nhà, chẳng ai cần cái tâm hồn của anh. Người phụ nữ cần có quần áo, tặng phẩm và đồ trang sức!

- Thật là càn rỡ! - Phêđôrốpna thét lên và làm đổ chiếc ấm trà khiến chiếc khăn trải bàn bị hư hỏng nặng. Thế nhưng, chị chẳng thèm để ý đến nó. Chị kêu lên:

- Anh lại dám ví mình với Puskin? Lấy nhau đã 5 năm nhưng đã bao giờ anh tặng tôi một cái gì ra hồn chưa? - Hay chỉ có cái tên ngốc bằng thạch cao này? Rồi chị ta giật lấy bức tượng trên giá làm nó rớt xuống sàn.

- Iulia!… - Nicôlai Clêmenchiêvích tức giận, rên rỉ. Em phải cẩn thận! Iulia ạ! Em đã nhạo báng tình cảm của anh. Đó là cái tặng phẩm anh đã tặng em để kỷ niệm một năm ngày chúng ta lấy nhau… Em đã coi thường tất cả. Em là một kẻ tầm thường nhỏ nhen, một kẻ tôn sùng quần áo! Em đã lừa dối anh!

Chân bước trên những mảnh thạch cao vụn, nhà kỹ sư tâm hồn lao về phía tường để giật bức chân dung của vợ treo ở đó xuống. Cái khung lâu ngày bị gãy, tấm kính long ra rơi xuống sàn vỡ tan. Bức ảnh cuộn tròn bay khắp phòng dường như đó là một tờ lịch nhỏ của cuộc sống chung của họ.

- Thế là hết! - Phêđôrốpna kêu toáng lên rồi rơi phịch xuống đi văng.

Đến nửa đêm, nhà thơ Gôrinkhin, trên đường về, tiện đường đã ghé thăm Nicôlai. Trước hết, ông nhìn thấy cặp mắt điên dại, màu vàng của con mèo đang ngồi chồm chỗm trên chiếc tủ chè. Iulia thì đang úp mặt xuống đi văng nức nở, Nicôlai Clêmenchiêvích ngồi bên bàn, mắt nhìn chằm chằm vào một điểm nào đó ở phía trước, tay vo tròn một mảnh vải lốm đốm màu đỏ gạch. Khắp sàn ngổn ngang những mảnh kính vỡ và mẩu giấy, mảnh các tông và mảnh gốm.

- Cái gì đã xảy ra vậy? – Nhà thơ hoảng hốt hỏi. Ông lao về phía Iulia Phêđôrốpna rồi về phía Nicôlai Clêmenchiêvích.  Iulia! Côlia! Các bạn hãy nói xem có chuyện gì vậy?

Nicôlai Clêmenchiêvích ngẩng mặt lên hốc hác, cứng đờ, rầu rĩ đáp:

- Chẳng có gì đặc biệt đâu – Chẳng qua đây là lần đầu tiên trong đời tôi đã viết một câu chuyện vui

Đỗ Thanh (dịch)
.
.
.