"Đồng nát bán - đổi - hàn nồi đây..."

Thứ Năm, 15/09/2005, 08:36

Phóng viên (PV): Tôi được người ta giới thiệu rằng bác là một trong những thợ hàn gia truyền giỏi nhất thành phố?
Thợ hàn (TH): Vâng, họ nói không sai đâu, gia đình tôi đã bốn đời kiếm cơm bằng nghề này.

PV: Những bốn đời rồi kia à?

TH: Vâng, ông nội tôi ngày xưa là thợ hàn nồi đồng, nồi gang, nồi đất... nổi tiếng khắp vùng này.

Minh họa của Lê Tâm

PV: Tôi không hiểu? Sao lại phải hàn những thứ đó?

TH: Vâng, bây giờ thì chẳng ai còn sử dụng nồi đồng, nồi gang nữa mà hàn. Nhưng ngày xưa, nhà ai có những thứ đó nấu cơm, luộc rau là quý lắm. Dùng mãi, nó thủng, không có tiền mua cái mới, thì phải hàn... Ông nội tôi chẳng những có tài vá được nồi đồng, nồi gang, nồi nhôm,... mà còn vá được cả nồi đất kho cá chẳng may bị nứt. Tài nghệ, khéo léo đến như thế là tuyệt đỉnh. Cho nên bây giờ gia đình tôi vẫn thờ câu “thần chú” của ông cụ.

PV: Muốn hàn nồi phải có “thần chú” ư?

TH: Thực ra đó là một tiếng rao, khi ông cụ gánh đồ nghề đi vào các làng xóm để hành nghề. Tiếng rao ấy có sức cuốn hút ghê gớm, ai nghe cũng phải chú ý, ám ảnh và động lòng: “Đồng nát bán…án… đổi... hàn nồi đây.... ây…”.

PV: Thế nghĩa của câu “thần chú – tiếng rao” ấy là gì?

TH: Đơn giản hết sức: Có ai bán, đổi đồ cũ, sữa chữa đồ hỏng không?

PV: Vậy ông nội bác hành nghề bao lâu? Rồi truyền nghề cho ai?

TH: Ông nội tôi gánh hàng trên vai, đọc câu “thần chú” ấy gần suốt cuộc đời. Nhưng trước khi mất, cụ không truyền được nghề cho ai, vậy mà bố tôi vẫn tiếp tục theo nghề hàn...

PV: Ông vẫn hàn nồi đồng, nồi gang?

TH: Không, đầu tiên, bố tôi chỉ hàn... khung xe đạp, sau đó thì chuyên hàn… dép nhựa!

PV: Sao lại hàn khung xe đạp và dép nhựa? Tôi chưa nghe thấy bao giờ!

TH: Nhà báo quên là trong kháng chiến, thời bao cấp ở miền Bắc nước ta xe đạp cũng phải đeo biển số? Và đôi dép nhựa cũng là thứ phân phối, của quý hiếm và “mốt” của thanh niên hay sao?

PV: Đúng rồi, hồi đó anh chàng nào chưa vợ mà có đôi dép nhựa trắng Tiền Phong, chiếc áo bay màu cốm, quần sơviốt màu rêu... là diện lắm!

TH: Cho nên, chỉ với một cái bếp dầu, mấy que thép đánh mỏng, hơ lửa... ngồi ở bến xe, mà bố tôi dư sức kiếm tiền mua gạo, mắm, muối... nuôi cả nhà...

PV: Còn tới đời bác, có phát huy được nghề hàn gia truyền ấy không?

TH: Mỗi thời mỗi khác. Bây giờ tôi không hàn nồi, hàn xoong, cũng chẳng hàn khung xe đạp, dép nhựa như ngày xưa ông cha mình từng làm, mà khách cần hàn thứ gì tôi cũng đáp ứng hết: từ nồi niêu, xoong chảo cho tới tàu biển, máy bay...!

PV: Hàn tàu biển, máy bay?Tôi không hiểu?

TH: Có gì bí mật đâu, tôi là thợ hàn... “tổng hợp” mà.

PV: Nhưng xin lỗi... tôi trông bác bảnh bao lắm, hình như thường xuyên mặc véc, thắt càvạt, đầu chải mượt, cặp kính trắng đắt tiền, căn phòng bày biện choáng lộn... vậy thì, bác hành nghề ở đâu và khi nào?

TH: Mọi nơi, mọi lúc, miễn là... quý khách trả tiền theo thỏa thuận.

PV: Bác có thể nói rõ hơn?

TH: Chúng tôi không chỉ đạt trình độ “hànxì” siêu đẳng trên mọi chất liệu như cha ông mình, mà hiện nay còn chú trọng đến vấn đề thẩm mỹ và nghệ thuật đương đại! Ví dụ, con trai tôi mở phòng hàn... răng; con gái tôi cũng có phòng hàn... sắc đẹp cho các quý bà, quý cô. Sắp tới, tôi dự kiến sẽ lập một số văn phòng tư vấn tâm lý để hàn gắn… hạnh phúc gia đình.

PV: Nhưng đó là lĩnh vực y học và luật pháp rồi, thưa bác.

TH: Phải mở rộng khái niệm chứ! Chính tôi là người đã kiến nghị với giới ngôn ngữ học, nhưng họ chậm hiểu quá. Đó cũng là một nguyên nhân khiến cho việc cải cách hành chính ở nước ta diễn ra chậm chạp!

PV: Bác có kế hoạch gì trong tương lai?

TH: Sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng tôi dự kiến sẽ “xuất khẩu” nghề hàn gia truyền này ra khắp năm châu bốn biển...

PV: Tuyệt quá, bác định chinh phục nước nào trước?

TH: Cơ quan vũ trụ NASA của Hoa Kỳ sẽ là “mục tiêu” hợp tác đầu tiên! Tôi khẳng định rằng: Với tài nghệ hàn gia truyền siêu đẳng của gia đình mình, thì mối lo về những vết rạn nứt trên tàu Con Thoi của họ khi phóng lên vũ trụ sẽ không còn nữa!

PV: Xin chúc kế hoạch mang nghề hàn gia truyền chinh phục cả thế giới của bác thành công!

Hà Nội, 8/2005

.
.
.