Đồng lương và anh hùng

Thứ Sáu, 10/11/2006, 08:19

Nhìn kỹ, các vị "khinh" lương, thờ ơ với lương, mỉa mai tiền lương phần lớn là người thành phố, và là viên chức... cơ quan. Họ quả là không sống bằng lương. Lương chỉ là cái cớ, nhưng lại là cái cớ quan trọng vô cùng, để họ từ vị trí đó kiếm được các nguồn lợi phong phú hơn nhiều.

Vào cái ngày kinh hoàng 11/9, khi hai tòa nhà vĩ đại đổ xuống tại New York, có một người lính cứu hỏa đã liều mạng sống của mình để giải cứu cho mấy nạn nhân bị kẹt lúc cái chết cận kề.

Sau đó người ta truy tìm anh. Người ta làm phim về anh. Rồi người ta vô tình phát hiện ra anh còn sống và vẫn là... người thường.

Khỏi phải nói, thiên hạ đổ xô tới phỏng vấn như thế nào. Khi được hỏi: Lý do gì anh đã hành động dũng cảm như thế? Trước câu hỏi mà cả trăm ký giả "suy nghĩ nát óc" mới tìm ra, và hàng triệu khán giả đang hồi hộp và mơ ước gặp những câu trả lời kiểu như:

-Tôi nghĩ tới cuộc sống...

-Tôi nghĩ tới những tấm gương...

-Tôi hành động vì lương tâm và trách nhiệm.

-Tôi chỉ muốn mang lại...

-Tôi hiểu ra rằng...

-Tôi thề là...

-Tôi bị thôi thúc bởi...

Minh họa của Lê Tâm.

Tóm lại, có vô số cách trả lời trong trường hợp này và các trường hợp tương tự. Toàn những cách gây ấn tượng, cao đẹp, làm khoái trí cả người nói lẫn người nghe, làm nguồn cảm hứng đầy thi vị cho phim, cho nhạc, cho thơ, cho sử, cho giảng dạy...

Nhưng anh lính cứu hỏa không chọn kiểu nào trong các cách đó. Hoặc do anh không tìm thấy, hoặc anh nghĩ chúng không đúng, hoặc anh nghĩ chúng không hợp, hoặc anh... không biết là có những lý do "sang" như thế. Anh nói quá đơn giản:

- Tôi làm thế vì tôi đã được trả lương để làm thế!

Một tuyên bố "chán" vô cùng. Nó gây thất vọng giới truyền thông, gây ỉu xìu những nhà viết kịch bản, gây mất hứng khởi cho những... đề thi văn, nếu xét theo góc độ của chúng ta.

Riêng tôi thì thấy anh ấy nói đúng.

Đến thế kỷ 21 này, vẫn có những cuộc tranh cãi: Người do thượng đế sinh ra hay do... khỉ sinh ra. Nhưng hình như cả hai phía đều nhất trí một điểm: Người trở thành Người là do lao động.

Nói thế vô cùng chính xác. Nhưng cũng chưa đầy đủ. Phải nói thế này: Người trở thành Người khi lao động được trả lương.

Nghe thì đơn giản, nhưng nếu tôi không nhầm, đấu tranh cho lao động được trả lương có lẽ là cơ bản của tất cả các cuộc đấu tranh trên đời.

Đồng lương, hai từ đó nghe rất tầm thường, nhưng lại vô cùng vĩ đại. Trong đồng lương, có tất cả những gì chúng ta cần: danh dự, trình độ, ý thức, vị trí xã hội, công bằng xã hội. Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh chữ công bằng vì đó là nền tảng của mọi quan hệ trong cuộc sống.

Có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng cách đánh giá bằng lương, trong một xã hội văn minh, là đơn giản nhất. Kẻ lương cao lao động nhiều hơn kẻ lương thấp, và người lĩnh lương phải làm những việc người... không lĩnh lương khỏi làm.

Thế thôi. Sự mơ mộng còn lại là của các... nhà văn. Họ tha hồ tìm ra vô vàn mục đích cao quý, vô vàn động cơ tốt đẹp cho nhiều loại cống hiến. Họ rất đúng. Biết bao những anh hùng, biết bao những nhà thám hiểm, những khoa học gia vĩ đại đã lao động quên mình chả vì đồng lương nào hết. Họ quên mình vì một thế giới tốt hơn. Song cái thế giới ấy trở nên tốt hơn chính khi nó trả cao hơn cho các công dân khác của nó.

Nói tóm lại, làm hết sức mình vì những gì mình được nhận là một thái độ lao động chân chính, "chuyên nghiệp". Không cần phải có thêm các "chỉ số phụ" cũng quý giá lắm rồi.

Thế nhưng có nhiều "nhà tư tưởng" rất nhầm lẫn. Họ nghĩ rằng ít nói tới lương, hay ghê hơn, coi thường đồng lương, "vượt lên trên lương" mới là cao quý.

Tất nhiên, chuyện ấy có lý do khá chính đáng bởi hiện nay lương trong xã hội, quá bất công và quá... ít. Nên nếu lao động đúng theo lương thì có vẻ nực cười và nói ra chẳng "sang" chẳng "oai hùng" tý nào cả.

Quan niệm đó thoạt nghe có vẻ "khí phách". Nhưng xét kỹ lại hình như... sai.

Nếu nhìn cho kỹ, các vị "khinh" lương, thờ ơ với lương, mỉa mai tiền lương phần lớn là người thành phố, và là viên chức... cơ quan. Họ, quả là không sống bằng lương. Lương chỉ là cái cớ, nhưng lại là cái cớ quan trọng vô cùng, để họ từ vị trí đó kiếm được các nguồn lợi phong phú hơn nhiều. Nói khác đi, họ không tồn tại bằng lương, mà bằng các địa vị cao do đồng lương thấp mang lại.

Còn đa số công nhân, đa số viên chức nhỏ, đa số trong hàng chục triệu những người lao động quần quật hàng ngày, thì tuy biết lương ít, cũng chả mấy khi dám có thái độ "thờ ơ" "lạnh lùng" và "coi rẻ". Ngược là khác. Dân chúng luôn luôn mong ngóng, chờ đợi và quý trọng những đồng tiền công, dù nó "còm" tới đâu.

Câu nói "sống và làm việc theo pháp luật" theo tôi khá hay, nhưng chưa đủ. Đúng ra cần phải chỉnh lý: "sống theo luật, làm việc theo lương". Có tăng cường ý thức của mỗi cá nhân với đồng lương, coi đấy là một động cơ chính đáng, chúng ta mới xây dựng được một xã hội lành mạnh, thực chất, ít những lời hô hào suông.

Vì có thể tin chắc rằng càng văn minh thì càng ít lời hoa mỹ. Khi con người đã được trang bị một thái độ lao động nghiêm túc, khi chế độ đã thiết lập được những mối quan hệ công bằng thì mọi thứ tự nó vận hành hoàn hảo, thậm chí tuyệt hảo trong tất cả mọi lĩnh vực, từ quét sân trường đến cứu người bị nạn mà không cần phải "gồng" lên hoặc phải mất công sức cho việc tìm kiếm các lối giải thích "đẹp đẽ" khiến thiên hạ tuy cảm phục nhưng thấy... ít có trong các phẩm chất của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: "Người anh hùng là người làm công việc bình thường nhưng hoàn thành một cách xuất sắc". Theo tôi, rất nhiều nhân viên hành chính, công chức trực tiếp làm việc với dân có thể trở thành "xuất sắc" chỉ cần có sự tận tâm. Tận tâm với ai? Với những gì mà xã hội đã trả cho mình là đủ.

Xây dựng một thái độ tôn trọng đồng lương (đi kèm với cải cách tiền lương, dĩ nhiên!) là xây dựng một cái nền căn bản cho các mối quan hệ xã hội. Nếu chúng ta bỏ quên chuyện này, chỉ thích mải mê chạy theo các "danh hiệu" hoặc "lý tưởng" ghê gớm thì chúng ta sẽ xây dựng một cuộc sống quá nhiều "hào nhoáng" mà thiếu nền tảng

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.