Cuộc trò chuyện giữa tên trộm và quan tòa

Thứ Năm, 22/09/2005, 08:18

Quan tòa: Đã tới giờ tuyên án. Bị cáo, đứng lên!
Tên trộm: Dạ.
Quan tòa: Bị cáo Nguyễn Văn Tèo, anh đã phạm tội ăn cắp con gà mái của một bà già. Chiếu theo chương... điều... khoản... của luật hình sự, anh bị kết án sáu tháng tù.
Tên trộm: Dạ.

Quan tòa: Vì luật pháp sinh ra không chỉ nhằm để trừng trị nên anh được nói lời sau cùng. Có muốn nói không?

Tên trộm: Thưa tòa, em chẳng nói, mà hỏi được chứ ạ?

Quan tòa: Được. Đây là tòa văn minh, sẵn sàng đối thoại.

Tên trộm: Thưa tòa, ăn cắp của một bà già và ăn cắp của một nhà băng có gì khác nhau không ạ?

Quan tòa: Về bản chất cũng là ăn cắp, nhưng về hình phạt, nhiều khả năng trộm nhà băng bị kết án nặng hơn.

Tên trộm: Vậy nhà băng là gì? Thưa tòa. Là nơi cất giấu vàng bạc, châu báu, tiền và những vật phẩm dễ dàng đổi ra tiền, đúng chứ?

Quan tòa: Đúng. Quả nhiên trộm luôn hiểu được nhà băng! Nói theo kiểu của Alibaba, đấy là một kho của báu.

Tên trộm: Em không phải Alibaba, Alibaba không ăn cắp gà.

Quan tòa: Ta biết. Hắn ăn cắp tiền kèm theo công chúa, tội còn lớn hơn... Nhưng bị cáo đừng có lạc đề.

Tên trộm: Thưa tòa, so với trộm gà thì trộm nhà băng nặng hơn chứ ạ?

Quan tòa: Hẳn rồi.

Tên trộm: Và nếu như trộm nhà băng không bị kết tội, trộm gà cũng phải được tha?

Quan tòa: Hừ, cái đấy còn tùy trộm nhà băng có bị tóm hay không.

Tên trộm: Vậy em tố cáo, có một bọn trộm ngân hàng công khai, trộm suốt ngày, thậm chí trộm suốt đời mà vẫn không bị tóm.

Quan tòa: Đâu?

Tên trộm: Thưa tòa, theo em hiểu ta gọi một địa điểm là nhà băng vì căn cứ vào tài sản chứa bên trong của nó chứ không phải căn cứ vào cổng cao tường dầy.

Quan tòa: Phải.

Tên trộm: Vậy tất cả chúng ta, từ quan tòa, luật sư cho tới em, đều sống trong một nhà băng cả đấy.

Quan tòa: Xạo.

Tên trộm: Em không hề xạo. Nhà băng ấy có tên: Môi trường. Ai chả biết, trong môi trường có rừng vàng, biển bạc, đất kim cương. Có không khí trong lành, có nước để đóng chai bán ra cực đắt. Thậm chí, nhà băng đó còn sừng tê giác, mật gấu, cao hổ, vi cá và đương nhiên là có cả gà trống, gà mái, gà trụi lông đuôi...

Quan tòa: Mà ngươi bắt trộm.

Tên trộm: Em xin lưu ý: Em trộm của cá nhân chứ không phải nhà băng, và em rất đau lòng thấy mình phải đứng đây, trước vành móng ngựa lộng lẫy này, trong khi bao tên trộm ngân hàng đang nhởn nhơ đi lại.

Quan tòa: Khoan đã, chúng trộm gì?

Tên trộm: Chúng đào vàng, chúng khai thác gỗ, chúng săn nai, chúng múc nước, toàn là những việc trộm cắp quy mô mà không bị tóm một cách đầy đủ.

Quan tòa: Hừ, theo bị cáo thì tại sao?

Tên trộm: Đầu tiên, tại nhà băng ấy chỉ nhận gửi vào chứ không có ai canh. Tài sản của nó khổng lồ, được cất giữ hàng triệu năm, do một cá nhân rất hồn nhiên có tên là thiên nhiên đóng góp. Đấy là kẻ gửi tiền duy nhất không bao giờ muốn rút ra.

Quan tòa: Vì anh ta giàu?

Tên trộm: Không. Vì anh ta khác loài người. Loài người sống một nơi cất tiền một nơi, còn thiên nhiên sống và để tiền trong cùng chỗ. Thiên nhiên hòa hợp với... ngân hàng.

Quan tòa: Do đó thiên nhiên chẳng khi nào phạm pháp, vì thiên nhiên không cướp phá bản thân.

Tên trộm: Đúng, thưa tòa. Còn thiên hạ thì sao? Thiên hạ trộm, hay nói đúng ra, cướp nhà băng thiên nhiên ở mọi chỗ, từ xẻ cây, đào đường hay khoét đá, từ bắt châu chấu đến chén cả cá voi.

Đôi khi chúng ta quên rằng, chúng ta tồn tại bằng một phương pháp đơn giản là khai thác thiên nhiên, khai thác tài nguyên và thỉnh thoảng sự khai thác này về bản chất giống hệt như cướp phá. Thế mà nhiều đứa không bị tóm.

Quan tòa: Cũng có.

Tên trộm: Ít lắm. Vồ một con gà mái của bà già bị bắt, chứ vồ một đàn gà rừng chưa chắc đã làm sao vì gà rừng là gà của nhà băng mở cửa suốt đời có tên gọi "Bank môi trường"... không ai quản lý.

Quan tòa: Bị cáo, ý anh muốn gì?

Tên trộm: Em muốn nhắc với tòa rằng, sự cướp phá ngân hàng là một vụ cướp phá xuyên thế kỷ, luôn có quy mô rầm rộ nhưng tòa đã không trừng trị thích đáng vì thứ nhất, tòa không biết môi trường cũng là một ngân hàng, thứ hai, tòa tưởng đấy là ngân hàng công cộng, thứ ba, tòa nghĩ đấy là ngân hàng vô tận và cuối cùng chỉ đơn giản tòa... lười.

Quan tòa: Bậy, ta không lười. Chỉ trong một ngày nay, ta đã xử hai vụ cướp xe, hai vụ cướp tiệm vàng và một vụ giật dây chuyền khiến nạn nhân té ngã.

Tên trộm: Thế đã khi nào tòa xử một vụ giật... ngà khiến voi bị chết chưa.

Quan tòa: Chưa. Vì muốn ra tòa, đôi khi thủ phạm phải được nạn nhân trình báo. Mà voi, tê giác, chim, cá chưa trình báo bao giờ. Để ta tổ chức một hội thảo để bàn về vấn đề này mới được.

Tên trộm: Còn nữa, thưa tòa. Nếu em không trộm con gà của bà già, mà chỉ nhốt cho nó chết, em có bị kết án không?

Quan tòa: Có chứ. Như thế anh phạm tội hủy hoại tài sản công dân. Tội cũng chả nhẹ gì.

Tên trộm: Vậy thì hàng ngày có bao nhiêu đứa hủy hoại tài sản môi trường bằng cách xả khói đen, phơi ruột cá hoặc vứt rác ra đường, sao tòa không kết án?

Quan tòa: Này, ở đây ai là bị cáo?

Tên trộm: Thưa, em !

Quan tòa: Vậy ở đây ai có quyền hỏi?

Tên trộm: Thưa, quan tòa.

Quan tòa: Thông minh lắm.

Tên trộm: Nhưng em lâu lâu cũng được hỏi một chút chứ?

Quan tòa: Tất nhiên. Hãy hỏi làm sao đừng để tội nặng thêm, nhớ nhé!

Lê Thị Liên Hoan
.
.
.