Cuộc trò chuyện giữa một con heo và một ông đạo diễn điện ảnh

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:32
Heo: Các sản phẩm từ heo luôn luôn quảng cáo om sòm hướng tới người tiêu dùng hôm nay từng nơi từng phút thì các sản phẩm điện ảnh lặng lẽ nằm chờ, hướng tới những suy tư từ 40 năm về trước.
Đạo diễn: Những điều cậu nói tôi đều biết hết, nhưng chỉ có điều đau lòng khi thấy cậu là… heo.

Đạo diễn: Heo này, giữa chúng ta có gì chung không nhỉ?
Heo: Có chứ. Hai ta đều có trái tim.
Đạo diễn: Nhưng… tim tôi không ăn được.
Heo: Ừ, đó đúng là điểm yếu của ông.
Đạo diễn: Tôi làm ra sản phẩm từ trí tuệ. Còn anh làm ra chúng bằng chính bản thân mình.
Heo: Đúng vậy.  Đạo diễn này, xin ông hãy để ý một điều: Ở các nước phát triển, người ta rất ít ăn thịt heo trực tiếp.
Đạo diễn: Ờ. Phải!
Heo: Trong khi đó, người ta lại dùng rất nhiều xúc xích, pa tê, dăm bông… điều đó có nghĩa là gì?
Đạo diễn: Nghĩa là khâu chế biến trở thành vô cùng quan trọng.
Heo: Chính xác. Rõ ràng là có bốn khâu cơ bản để một sản phẩm được tiêu thụ toàn cầu: nguyên liệu, chế biến, mạng lưới phân phối và cảm xúc của khách hàng.
Đạo diễn: Về các sản phẩm từ heo thì anh nói đúng.
Heo: Thưa đạo diễn, phim cũng là một thứ sản phẩm, và cũng tuân theo quy định này.
Đạo diễn: Để tôi nghĩ xem nào… hình như phần lớn là giống thế!
Heo: Ông biết vậy, tại sao phim của ông vẫn thiếu người xem, thua hẳn các sản phẩm từ heo trong dịp Tết lẫn dịp thường?
Đạo diễn: Tại vì chúng tôi cao quý.
Heo: Sai. Tại vì các ông lười. Đây nhé, muốn có xúc xích ngon thì con heo phải ngon. Nói cách khác, thịt heo là nguyên liệu đầu tiên, cũng giống như kịch bản.
Đạo diễn: Khác chứ. Heo lúc chết thì kêu, còn kịch bản phần lớn cứ nằm im chờ chết.
Heo: Dân thực phẩm phần lớn thì mổ thịt heo khi con heo béo. Trong khi dân đạo diễn lắm lúc nhận kịch bản làm phim mà vẫn chẳng hài lòng. Hay nói cách khác là kịch bản gầy. Có nghĩa là, ngay từ bước đầu tiên các ông đã làm ăn không cẩn thận.
Đạo diễn: Ừm
Heo: Sau nguyên liệu là đến khâu chế biến. Lạp xường, xúc xích hiện nay đều được làm trên những dây chuyền khép kín, những máy móc tối tân. Trong khi phim được làm ra trên những máy móc cũ xì, những quy trình chắp vá.
Đạo diễn: Khổ lắm!
Heo: Tiếp nữa, các sản phẩm từ heo bán trong nhiều siêu thị lộng lẫy, có máy lạnh, có ánh sáng và có âm nhạc êm tai. Trong khi phim chiếu ở những rạp xây từ đầu thế kỷ, có mặt thường xuyên cả muỗi lẫn ruồi.
Đạo diễn: Đang thay đổi, đang thay đổi.
Heo: Chậm vô cùng. Các sản phẩm từ heo luôn luôn quảng cáo om sòm hướng tới người tiêu dùng hôm nay từng nơi từng phút thì các sản phẩm điện ảnh lặng lẽ nằm chờ, hướng tới những suy tư từ 40 năm về trước.
Đạo diễn: Những điều cậu nói tôi đều biết hết, nhưng chỉ có điều đau lòng khi thấy cậu là… heo.
Heo: Thưa đạo diễn, nghề làm phim phải quan tâm đến heo rồi mới quan tâm đến cọp.
Đạo diễn: Tại sao?
Heo: Tại cọp oai vệ, nhưng số lượng ít ỏi vô cùng. Có rất nhiều người cả đời chưa một lần trông thấy cọp, nói chi thấu hiểu được tâm tư.
Đạo diễn: Ờ.
Heo: Tôi biết tuy ông ăn thịt heo hằng ngày, nhưng ông vẫn không tôn trọng heo, đó là một điều có thật.
Đạo diễn: Tôi xin lỗi. Tôi không cố ý.
Heo: Nhưng tôi không buồn phiền về chuyện đó. Tôi chỉ thầm tự hào: không có heo coi như không có Tết, thế là được rồi. Những danh hiệu khác xin dùng cho kẻ khác.
Đạo diễn: Heo, anh chân chính lắm!
Heo: Tôi chỉ muốn gợi ý với ông một điều: ông hãy nhìn sự phổ cập, sự thông dụng, sự gần gũi của các sản phẩm từ heo và tự hỏi rằng tại sao phim của ông không được thế?
Đạo diễn: Thế này, heo ạ. Xem phim đôi lúc phải học. Còn ăn thịt thì không.
Heo: Ấy chết, vậy ông nhầm rồi. Ăn thịt heo, trong những bữa tiệc cao cấp, vẫn phải học như thường. Vấn đề không phải là sản phẩm, mà môi trường nó được bưng ra.
Đạo diễn: Chà chà. Trong cuộc đời mình tôi biết heo sữa, heo quay, heo rừng, heo nấu đông… còn hôm nay tôi gặp một heo lý luận.
Heo: Có nhiều cách lý luận. Cách của heo là cứ âm thầm, để hiệu quả cuối cùng nói lên tất cả. Không chịu nhìn vào quy trình đến với công chúng của thịt heo, không chịu rút ra điều gì, mà còn coi thường nó, nhiều bộ phim đã chết từ trong trứng, mà nói thế vẫn còn sai vì trứng ăn được trong khi phim cất kỹ vào kho cả đời không mang ra ánh sáng.
Đạo diễn: Tôi mệt rồi. Tôi mệt rồi. Phim là sáng tác, còn thịt một chú heo, đôi lúc là dã man.
Heo: Ồ, còn gì dã man hơn một bộ phim chục tỷ đồng bằng tiền nuôi cả vạn con heo, làm ra thịt nạc cho hàng vạn trẻ em mà không ai ngó tới.
Đạo diễn: Dừng lại. Heo! Không nên đi quá xa.
Heo: Làm nghệ sĩ mà sợ đi quá xa thì lạ thật.
Đạo diễn: Thôi, thôi. Hôm nay là Tết. Hai đứa mình ngồi đây uống rượu, và nói những chuyện vui. Anh Heo này, hay là hai chúng mình hợp tác làm phim?
Heo: Tôi biết rồi. Tôi lại nhận phần diễn viên chứ gì?
Đạo diễn: Không, không. Tôi sẽ trao anh phần xin tài trợ. Anh quen nhiều tập đoàn siêu thị, nhiều nhãn hiệu nổi tiếng, anh lại có bề ngoài đẹp đẽ ưa nhìn. Anh đi xin tài trợ là đúng lắm.
Heo: Không. Tôi không cần ăn cái thứ phần trăm tài trợ ấy cũng đã béo rồi. Phương châm của tôi là cứ sống hồn nhiên.
Đạo diễn: Chỗ bạn bè không giúp nhau à?
Heo: Tôi chỉ có thể giúp ông một cái chân giò. Còn ông phải tự cố lên đi chứ!

.
.
.