Cuộc giao tranh của đức và tài

Chủ Nhật, 16/04/2006, 07:20

Phần lớn bà con băn khoăn giữa hai phương án: Ông A đức độ, nhiều người yêu mến nhưng năng lực kém, còn ông B giỏi chuyên môn, thạo khoa học nhưng tính tình kiêu căng, khó chịu, ít người ưa. Và phần thắng thường nghiêng về phía ông A, đơn giản thôi, đặc điểm của vị lãnh đạo này là: ít gây xáo trộn.

Cứ như quảng cáo trên tivi thì từ nay chúng ta không mất công (và mất tiền!) trong việc chọn lựa mạng điện thoại di động, kem đánh răng, bia và dầu gội đầu... Đơn giản bởi trong hàng ngàn nhãn hiệu phong phú ấy, cái gì số một đã được khẳng định (hoặc được nhà tiếp thị khẳng định hộ) rồi.

Minh họa của Tả Từ

Ta sung sướng quá. Ta tội nghiệp quá cái anh trên màn hình cầm hai cái cà vạt, lúng túng chả biết chọn cái nào!

Nhưng con người không phải cà vạt. (Con người chỉ có thể là "mề đay" như Marxim Gorky đã kể trong cuốn "Thời thơ ấu" khi ông nội của nhà văn vừa đuổi Gorky ra đường vừa nói: Mày không phải là cái huy chương. Mày không thể cứ lủng lẳng trên cổ tao. Hãy xông ra đường mà kiếm ăn).

Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất, rắc rối nhất, liên quan đến sự nghiệp nhiều nhất là lựa chọn con người.

Nếu chọn nhầm bạn, nhầm vợ hay nhầm... mẹ vợ thì quả thật bi kịch. Nhưng suy cho cùng, đấy là bi kịch gia đình mà ai trong đời cũng phải biết ít hay nhiều. Sự chọn lựa ở đây có giá trị "vĩ mô" hơn cơ, đó là lựa chọn người lãnh đạo, hoặc người điều hành một vị trí quan trọng.

Chả cơ quan nào không có một ông sếp sắp nghỉ hưu. Chả cơ quan nào không có hai, ba người ứng cử vào cái chức danh đấy.

Nếu mọi người tìm được một ông vừa đức vừa tài thì quá tuyệt. Khỏi bàn. Khỏi lo. Nhưng (chữ "nhưng" đáng ghét muôn đời!) phần lớn bà con phải băn khoăn giữa hai phương án: Ông A đức độ, nhiều người yêu mến nhưng năng lực kém, còn ông B giỏi chuyên môn, thạo khoa học nhưng tính tình kiêu căng, khó chịu, ít người ưa.

Lịch sử những cuộc chiến tranh như thế, phần thắng hay nghiêng về phía ông A. Không vũ khí tối tân, không áp dụng những chiến thuật kỳ dị, ông A phần lớn chỉ cười cười, chỉ bắt tay và gật đầu nhè nhẹ. Xong! Ông dịu dàng chiếm lĩnh vị trí.

Đặc điểm cao quý nhất suốt thời gian ông lãnh đạo cơ quan thường là: ít gây xáo trộn. Ông để người khác yên và người khác cũng chỉ cần đáp lại bằng phương pháp để ông yên.

Thanh bình làm sao!

Thực ra, cái nhìn trọng đức hơn tài này có lịch sử và lý do rất chính đáng để tồn tại. Nhưng nó đã hết chưa? Với tư cách một cá nhân tầm thường, tôi xin kêu (chứ không phải xin tuyên bố): Hãy hết cho nhanh!

Vì đức độ rất nhiều khi chỉ là bản năng. Đức độ rất giống hiền lành, mà con người có hiền lành bao nhiêu cũng chả khi nào bằng... con thỏ.

Bước ra khỏi cửa nhà, bạn sẽ gặp các công trình mang tên kiến trúc sư này, họa sĩ kia, bước vào bảo tàng, bạn sẽ gặp tượng hay tranh của nhà điêu khắc nọ. Bước vào thư viện, bạn sẽ thấy chân dung của các nhà thơ hay nhà văn lớn, tác phẩm để rừng rực trên kệ. Đấy là những người đã xây nên thế giới của chúng ta bằng tài năng của mình.

Tôi chả biết đức độ của Mozart, Beethoven, Picasso và Da Vinci, Lev Tonstol... ra sao, nhưng hình như thiên hạ không quan tâm lắm về khoản ấy (nhất là của Picasso).

Dù đi khắp thế gian bạn cũng chả gặp một bức tượng đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, béo hay gầy với biển đề như sau: "Đây là vĩ nhân chẳng tài năng, chẳng phát minh và làm ra cái gì, nhưng suốt đời không làm hại ai, suốt đời vô cùng đức độ".

Lý do chi không có bức tượng như thế, mặc dù trái đất khéo phải có vài tỷ những cá nhân xứng đáng?

Tôi không biết! Tôi chỉ đoán rằng đức độ hình như chưa đủ để lịch sử phải khắc tên!

Tài năng thì sao?

Tài năng ở thế kỷ XXI này, trừ vài thứ bẩm sinh, còn phần lớn phải do rèn luyện. Rèn luyện cật lực, rèn luyện suốt ngày đêm (ví dụ Bill Gates giàu nhất thế giới chắc chắn có tài rồi, nhưng ông ta cũng bận nhất thế giới). Mà bản thân sự rèn luyện, sự say mê đó cũng chính là một thứ đức độ đôi khi ở bậc rất cao, và ngày càng cao.

Nói đơn giản, xã hội đã biến đổi tới mức tài năng muốn phát triển, cần kèm theo một lượng đức độ cũng... không xoàng (chả tin bạn cứ mở hồ sơ tòa án mà xem, lượng tiến sĩ, giáo sư (bằng thật!) phạm tội bao giờ cũng ít nhất trong các hạng người).

Trái lại, đức chả "tiến triển" bao nhiêu. Hàng chục năm qua, vẫn cách cư xử nhũn nhặn ấy, vẫn tác phong hiền lành ấy. Trong cuộc đua tìm ra những sản phẩm mới cho loài người, đức độ luôn luôn... về nhì (mà cũng có thể kêu là về bét khi mà cuộc thi chỉ có hai đối thủ tham gia).

Phức tạp hơn nữa là việc phân biệt giữa "Đức tự nhiên" và "Đức được giáo dục". Hai thứ ấy đôi khi rất khác nhưng rất nhiều vị vẫn cứ lập lờ.

Cuộc chiến tranh của Đức và Tài, nếu xảy ra, không bao giờ nên kết thúc bằng... đàm phán. Cũng chả nên kết thúc bằng Đức đầu hàng. Hãy công nhận cả hai là cặp chân của một con người, nhưng Tài là... chân phải!

.
.
.