Ngày 24/6, xét xử phúc thẩm vụ án tại CDC Hà Nội
HĐXX phúc thẩm gồm ba người do Thẩm phán Đặng Đình Lực làm chủ toạ phiên toà. Phiên toà phúc thẩm diễn ra trong hai ngày 24 và 25/6. Tính đến thời điểm này, đã có 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo có đơn kháng cáo, cùng các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Trước đó, chiều 12/12/2020, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù; cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội Nguyễn Vũ Hà Thanh 6 năm 6 tháng tù; cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung 6 năm tù; cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội Nguyễn Ngọc Quỳnh 5 năm tù; cựu Kế toán trưởng-Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội Hoàng Kim Thư và cựu cán bộ CDC Hà Nội Lê Xuân Tuấn cùng bị tuyên phạt 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo; Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST Đào Thế Vinh 6 năm 6 tháng tù; nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech Nguyễn Ngọc Nhất 6 năm tù; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành Nguyễn Trần Duy 6 năm tù; nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông Nguyễn Thanh Tuyền 5 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm tại phiên toà sơ thẩm. |
Bản án sơ thẩm khẳng định, trong khi Đảng, Chính phủ và Nhân dân đang tập trung tối đa sức người, sức của để phòng, chống dịch thì các bị cáo thuộc CDC Hà Nội đã không nêu cao trách nhiệm mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó, mà còn cố tình vi phạm pháp luật. Đối với các bị cáo không thuộc CDC Hà Nội vì lợi ích vật chất mà câu kết với các bị cáo thuộc CDC Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu, khởi xướng và trực tiếp bàn bạc, ấn định giá thiết bị tham gia thầu nên có vai trò cao nhất. Hành vi phạm tội với động cơ vụ lợi của các bị cáo thể hiện qua việc không làm tròn chức trách tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo các vấn đề liên quan tài chính đơn vị, trực tiếp ký và hoàn tất nhiều tài liệu liên quan đến việc hoàn thiện thủ tục đấu thầu; xây dựng hồ sơ dự thầu, sử dụng thủ đoạn mua đi bán lại thiết bị nhằm nâng giá bán lên đúng như giá đã thỏa thuận.
Sau phiên toà sơ thẩm, các bị cáo: Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Đào Thế Vinh, Nguyễn Trần Duy, Nguyễn Thanh Tuyền đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh ngoài có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt còn xin được cải tạo tại địa phương. Trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền đã xin rút đơn kháng cáo của mình. Do đó, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Tuyền.
Ngoài các bị cáo có đơn kháng cáo, phía bị hại là CDC Hà Nội cũng có đơn kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo thuộc CDC Hà Nội.