Luật Thủy sản sửa đổi sẽ giúp thủy hải sản Việt Nam thoát thẻ?

Thứ Tư, 22/11/2017, 07:57
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có giải trình 9 khuyến nghị của Phái đoàn liên minh châu Âu liên quan đến thủy hải sản Việt Nam, cũng như hướng khắc phục để không bị thẻ đỏ. Bộ NN&PTNT cho biết, các khuyến nghị của EU đã được đưa vào Luật Thủy sản sửa đổi.


Khuyến nghị của EU cho rằng, phạm vi của Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi không bao gồm các hoạt động của các tàu cá Việt Nam và người dân Việt Nam hoạt động bên ngoài vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bộ NN&PTNT cho biết, việc quản lý các hoạt động của các tàu cá Việt Nam và người dân Việt Nam hoạt động bên ngoài vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt đã được thể hiện tại Dự thảo Luật: “Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam”.

Luật Thủy sản sẽ giúp Việt Nam lấy lại thẻ xanh?

Bộ NN&PTNT sẽ ban hành danh sách các tàu cá khai thác bất hợp pháp dựa trên các nguồn thông tin thu thập được. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật  cũng quy định, tàu khai thác thủy sản trái phép trên cạn, trái phép ngoài vùng biển Việt Nam sẽ bị thu hồi giấy phép. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai thác thủy hải sản bất hợp pháp - IUU (bao gồm các hoạt động vi phạm IUU ở ngoài vùng biển Việt Nam) đã được quy định tại Dự thảo Luật và sẽ được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sau khi Luật được thông qua.

Liên quan đến điều khoản về IUU cũng đã sửa đổi theo ý kiến của chuyên gia, đã bổ sung thêm hành vi khai thác bất hợp pháp.

Về khuyến nghị của EU cho rằng, Dự thảo Luật đã không đề cập được thẩm quyền phân cấp cho việc đăng ký và cấp phép cho tàu cá, Bộ NN&PTNT cho biết, Dự thảo Luật đã quy định rõ thẩm quyền của Bộ như xác định, giao hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố. Đồng thời, quy định thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thuỷ sản và sản lượng cho phép khai thác theo loài tại vùng ven bờ và vùng lộng thuộc phạm vi quản lý.

Việc đăng ký tàu cá được phân cấp rõ cho địa phương thực hiện đối với tàu cá của địa phương mình quản lý và phải cập nhật vào Sổ đăng ký tàu cá quốc gia (Sổ điện tử)… do Bộ NN&PTNT xây dựng và quản lý. Ngoài ra, Dự thảo Luật Thủy sản đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của chuyên gia về nội dung cấp phép có quy định: “đã nộp nhật ký khai thác theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp do Bộ NN&PTNT công bố”.

Phái đoàn EU cho rằng, mặc dù đã có một vài điểm mới về biện pháp quốc gia có cảng nhưng Dự thảo Luật không thể hiện được các điều khoản liên quan đến từ chối vào/sử dụng cảng, thanh tra và các hành động tiếp theo của hành động thanh tra.

Về điểm này, Bộ NN&PTNT cho biết, nội dung này đã được thể hiện đầy đủ tại Dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi. Cụ thể như quyền của tổ chức quản lý cảng cá quy định không cho vào cảng cá hoặc bắt buộc rời cảng cá đối với người và tàu cá không tuân thủ nội quy của cảng cá…

Trách nhiệm của UBND các cấp tổ chức quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo phân cấp; thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chấp hành các quy định pháp luật về khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn thực phẩm trên tàu cá, tại cảng cá, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ tại cảng cá, thu thập, tổng hợp báo cáo số liệu về thủy sản qua cảng cá theo quy định.

Một điểm nữa EU khuyến nghị là cần làm rõ hơn quy định về trách nhiệm trong việc chứng nhận tính pháp lý của sản phẩm khai thác được nhập khẩu. Liên quan đến khuyến nghị này, Bộ NN&PTNT giải trình rằng, trong Dự thảo Luật mới nội dung này được dự thảo lại.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận nguyên liệu, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác tại vùng biển Việt Nam không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu. Nguyên liệu thủy sản nhập khẩu được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu chứng nhận có nguồn gốc từ khai thác không vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về nội dung, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, xác nhận nguyên liệu thủy sản nhập khẩu không có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp…

Ngọc Yến
.
.
.