Lời khai đối nghịch của bị cáo Đinh La Thăng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh
Sáng 9/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục ngày xét xử thứ hai với phần thẩm vấn các bị cáo trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ).
Bị cáo Đinh La Thăng. |
Trả lời HĐXX về việc “Có dùng tiền tạm ứng cho dự án để mua đất ở thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) hay không?. Bị cáo Đỗ Văn Hồng (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) thừa nhận, có dùng tiền tạm ứng từ dự án để mua đất ở thị trấn Tam Đảo. Bị cáo Hồng cho biết, toàn bộ thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất từ PVC Kinh Bắc sang cho Công ty Mai Phương (công ty của bị cáo Trịnh Xuân Thanh), bị cáo đều làm việc trực tiếp với bị cáo Trịnh Xuân Thanh chứ không làm việc với ai khác. Theo đó, Công ty Mai phương đã trả 20,8 tỷ đồng tiền mua đất, còn nợ 3 tỷ đồng chưa trả.
Theo lời khai của bị cáo Hồng, số tiền 3 tỷ đồng còn thiếu, bị cáo có đòi và ông Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Trịnh Xuân Thanh) hứa trả nợ, nhưng ông Giới đã không thực hiện lời hứa. “Với vị trí của ông Trịnh Xuân Thanh khi đó và thân phận của mình, bị cáo không thể mở miệng để đòi nợ số tiền ấy”, bị cáo Hồng khai.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh. |
Cáo trạng xác định, bị cáo Đỗ Văn Hồng đã có hành vi bàn bạc, thống nhất với Trịnh Xuân Thanh làm các thủ tục để được tạm ứng 25 tỷ đồng trái quy định. Việc này nhằm có tiền mua 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo. Sau đó, bị cáo Hồng giúp sức cho bị cáo Thanh gán trừ công nợ tiền tạm ứng thành tiền góp vốn điều lệ của PVC tại PVC Kinh Bắc, gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng. Đến năm 2011, bị cáo Hồng chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Mai Phương, tạo điều kiện để hưởng lợi 3 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Hồng được xác định đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05 Dự án Ethanol Phú Thọ. Nhưng với mục đích chỉ định thầu cho PVC thực hiện thông qua Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T, bị cáo Đinh La Thăng đã ban hành chủ trương, chủ trì các cuộc họp để kết luận chỉ đạo quyết liệt Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB), PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho Liên danh nhà thầu thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ trái quy định. Hậu quả, dự án phải dừng thi công, gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng.
Trả lời HĐXX, bị cáo Đinh La Thăng (cựu Trưởng Ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học) cho rằng “PVB không phải đơn vị thuộc hệ thống PVN nên tôi không thể chỉ đạo. PVB cũng không có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của PVN. Tôi là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ và Ban chỉ đạo này chỉ có trách nhiệm đôn đốc tiến độ, đặt ra các mốc thời gian để chủ đầu tư là PVB phấn đấu hoàn thành. PVN cũng không ép PVC phải tham gia đấu thầu và thực hiện dự án”.
Trả lời HĐXX về tiêu chí nào để đưa ra mức giá xây dựng là 59 triệu USD, bị cáo Đinh La Thăng cho biết, đây là giá PVB đưa ra nhưng bị cáo và Ban chỉ đạo không thể quyết định việc này vì nguyên tắc là không làm thay việc của chủ đầu tư. Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, bị cáo đã từng yêu cầu Hội đồng quản trị của của PVC phải họp, thống nhất tham gia dự án với giá của chủ đầu tư. Và khi thực hiện phải theo nguyên tắc, có lãi thì mới làm.
Bị cáo Trần Thị Bình. |
Về Thông báo kết luận cuộc họp ngày 7/5/2009, trong đó yêu cầu PVC và PVB ký hợp đồng, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, Ban chỉ đạo đưa ra các mốc thời gian để yêu cầu các bên thực hiện. Đôn đốc tiến độ thì cần phải yêu cầu hoàn thành theo ngày tháng cụ thể. Nếu chỉ nói làm nhanh lên là vô nghĩa.
Đối chất tại tòa, bị cáo Trần Thị Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN) cho biết, trong thông báo cuộc họp ngày 10/4/2009, ông Đinh La Thăng có bút phê “Giao cho chị Bình chỉ đạo PVoil, PVB xem xét đánh giá hồ sơ đề xuất của PVC để đàm phán hợp đồng, hoàn thiện các thủ tục để ký hợp đồng”. Nhưng bị cáo không thực hiện vì thấy, việc này là các thủ tục thông thường của chủ đầu tư. Chức năng công việc của bị cáo là không làm thay công việc của chủ đầu tư.
Tại phiên toà, bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc PVB) khai, bị cáo đã phải chịu sức ép từ văn bản của bị cáo Đinh La Thăng về tiến độ thực hiện Dự án Ethanol Phú Thọ. “Lúc đó bị cáo nghĩ, trong bối cảnh bấy giờ, việc thực hiện dự án là nhiệm vụ chính trị của Tập đoàn PVN”.
Sau khi bị cáo Đinh La Thăng được cách ly khỏi phòng xử án, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai, nếu không có văn bản của PVN thì PVC sẽ không ký hợp đồng xây dựng Dự án Ethanol Phú Thọ. Bị cáo Thanh trình bày, các thành viên trong Hội đồng quản trị của PVC từng nói, với số tiền 59 triệu USD thì không làm được dự án mà để làm được thì phải có số tiền hơn 85 triệu USD. “Khi tôi báo cáo PVN thì PVN yêu cầu tôi kiểm điểm. Nếu không có chỉ đạo của PVN, chúng tôi sẽ không làm dự án đó”, bị cáo Thanh giải trình.
Bị cáo Vũ Thanh Hà. |
Theo lời khai của bị cáo Thanh, thời điểm được chỉ định thầu, PVC chưa đáp ứng một số tiêu chí do chủ đầu tư là PVB đưa ra. Tuy nhiên với những tiêu chí đó, ở Việt Nam không có đơn vị nào đáp ứng được. “Trong luật đấu thầu, không nhất thiết phải đạt tất cả tiêu chí để được trúng thầu. Nếu chấm điểm đạt trên 50% có thể làm được trong mời thầu; chỉ định thầu là trên 80%, trừ khi chủ đầu tư ra tiêu chí nguyên tắc mình không đáp ứng được”, bị cáo Thanh cho biết.
Trả lời HĐXX về liên danh của PVC sau đó dừng thi công năm 2013, bị cáo Thanh cho rằng, những đơn vị liên quan thấy dự án không hiệu quả nên lấy cớ PVC đòi tăng tiền thì họ dừng liên danh luôn.