Lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Chủ Nhật, 17/06/2018, 00:15
Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Công an nhân dân (CAND) sửa đổi gồm 7 chương, 48 điều.


So với luật CAND năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật CAND năm 2014. Trong đó có một số nội dung thay đổi quan trọng như sau:

Dự thảo Luật sửa đổi quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân từ 3 năm xuống còn 2 năm; đồng thời quy định việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ trong một số trường hợp để phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự và thực tiễn trong CAND. Bổ sung quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của hạ sĩ quan (45 tuổi), nữ sĩ quan cấp Tướng trong Công an nhân dân (60 tuổi) (Điều 31 dự thảo Luật).

Chương III “Tổ chức của Công an nhân dân” của dự thảo Luật gồm 3 điều (từ Điều 18 đến Điều 20) quy định về hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; thẩm quyền quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức trong Công an nhân dân; chỉ huy trong Công an nhân dân. 

Các điều 18, 19 được sửa đổi, bổ sung như sau: Không quy định về Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tại Điều 18 dự thảo Luật (bỏ khoản 2 Điều 16 Luật CAND năm 2014). Sửa đổi khoản 3 Điều 18 dự thảo Luật như sau: “3. Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập các đồn, trạm Công an và các đơn vị độc lập bố trí tại những địa bàn cần thiết”. 

Quán triệt chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị, dự thảo Luật không quy định Công an xã là lực lượng bán chuyên trách (bỏ khoản 3 Điều 16 Luật CAND năm 2014); đồng thời, bổ sung một khoản vào Điều 18 dự thảo Luật với nội dung như sau: “Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”, để thể chế hóa quan điểm của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 22-NQ/TW. 

Bổ sung vào khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật nội dung: “Chính phủ quy định cục đặc biệt thuộc Bộ Công an”. Sửa đổi quy định về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật).

Chương IV “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân” gồm 13 điều (từ Điều 21 đến Điều 33) có những điểm mới cơ bản sau: Sửa đổi tên điều và nội dung các khoản, điểm về chức vụ, chức danh để phù hợp với tổ chức bộ máy mới (Điều 25 dự thảo Luật). 

Sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND theo hướng không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an (khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật). 

Sửa đổi quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ như sau: “2. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng cục đặc biệt; nâng lương cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng.” (khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật); bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an về nâng lương cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Điều 27 dự thảo Luật). 

Dự thảo Luật cũng quy định sửa đổi một số nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật cán bộ, công chức năm 2008 để phù hợp với mô hình tổ chức mới của CAND.

Luật CAND (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1-7-2019. Luật CAND năm 2014 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi haânh.

Toàn văn dự thảo Luật CAND (sửa đổi) được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương
.
.
.