Luật trẻ em có hiệu lực từ 1-6-2017:

Lấp khoảng trống pháp luật để bảo vệ trẻ em

Chủ Nhật, 11/06/2017, 09:05
Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6 đã thể hiện rõ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ; chăm sóc thay thế cho trẻ em…

Trong xã hội hiện đại, trẻ em luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn, nguy cơ bị xâm hại cả về thể chất và tinh thần. Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1-6 với nhiều điểm mới đã thể hiện rõ hơn các quyền và bổn phận của trẻ em; các biện pháp bảo vệ trẻ em ba cấp độ; chăm sóc thay thế cho trẻ em… Tuy nhiên, để luật áp dụng được vào thực tế thì còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Suốt thời gian qua, số vụ trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục được nhắc đến nhiều. Có nhiều vụ việc, đối tượng đã bị pháp luật xử lý.

Điển hình như, ngày 16-3, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Cao Mạnh Hùng (34 tuổi) trú ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai về hành vi Dâm ô với trẻ em (theo Điều 116 Bộ luật Hình sự).

Cũng trong tháng 3, cơ quan CSĐT Công an thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Hoàng Minh Tiến (55 tuổi), trú tại thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên về hành vi Hiếp dâm trẻ em. Nạn nhân của Tiến là một bé gái học lớp 9.

Hậu quả khiến bé gái mang thai và sinh con. Gần đây nhất, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn 4 quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các đối tượng có hành vi Hiếp dâm trẻ em. Phần lớn những nạn nhân bị xâm hại tình dục đều chưa đủ 13 tuổi, trong đó có em đang là học sinh tiểu học.

Trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ trong môi trường an toàn.

Thực tế đã có nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị xử lý như kể trên. Nhưng cũng có rất nhiều vụ việc bị rơi vào im lặng, phần do nạn nhân và gia đình nạn nhân không dám lên tiếng vì không vượt qua được rào cản dư luận xã hội.

Nhưng nhiều vụ việc không bị xử lý vì thiếu chứng cứ và chưa rõ ràng. Đa số các vụ xâm hại trẻ em đều do thủ phạm là người quen biết, thậm chí có cả người thân trong gia đình. Bởi vậy, nhiều đứa trẻ phải âm thầm chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng mang theo ám ảnh và di chứng đến hết cuộc đời.

Có trường hợp, khi đứa trẻ không thể chịu được nỗi đau một mình mới tâm sự với cha mẹ hoặc cô giáo. Lúc đó, hậu quả đã rất nặng nề.

Bởi vậy, với mục đích để những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, để làm dịu bớt nỗi đau của nạn nhân bị xâm hại, một trung tâm truyền thông đã tổ chức cuộc tọa đàm với tên gọi “Im lặng hay lên tiếng” để khuyến khích nạn nhân và gia đình phải lên tiếng khi vụ việc xâm hại được phát hiện.

Luật Trẻ em quy định, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Tuy vậy, theo luật sư Tạ Ngọc Vân, Văn phòng luật sư Tạ Vân và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì Luật Trẻ em vẫn mang tính định hướng là chính chứ chế tài thực hiện chưa đầy đủ. Bởi, việc xử lý hành vi xâm hại trẻ em phải được quy định trong Luật Hình sự.

Để xử lý tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em buộc phải có kết luận giám định pháp y và những chứng cứ liên quan. Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ việc nạn nhân tố cáo muộn, không có vật chứng nên khó khăn trong xử lý. Bên cạnh đó, hiểu thế nào là hành vi dâm ô cũng là một vấn đề…

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nêu giải pháp, bên cạnh việc xử lý hành vi xâm hại trẻ em theo pháp luật thì một trong các biện pháp để ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là các cơ quan chức năng phải có quy định bảo vệ nhân chứng, người tố cáo, khuyến khích người tố cáo.

Bên cạnh đó, cần kiện toàn hệ thống cộng tác viên, tuyên truyền viên để thu thập thông tin, đến tận nhà có nguy cơ xảy ra vụ việc để làm công tác phòng ngừa, phát hiện sớm, tuyên truyền ngăn chặn từ xa.

Cha mẹ có thể bị tước quyền nuôi con

Đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan Lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế. (Khoản 3, Điều 52 Luật Trẻ em)

Việt Hà
.
.
.