Góc nhìn pháp luật về vụ tài xế Lexus bị tông chết khi dừng xe theo hiệu lệnh CSGT

Thứ Bảy, 22/09/2018, 07:57
Khi anh H. xuống xe xuất trình giấy tờ thì bị ôtô tải do Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) điều khiển đâm vào đuôi xe của H. Sau đó, chiếc xe tiếp tục tông vào anh H. và anh Nguyễn Anh Tuấn (40 tuổi, là cán bộ đội 2, phòng 8, cục CSGT)...

Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, vào khoảng 15h15 ngày 15-9, tổ công tác của Đội 2, Phòng 8, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ tại đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên thì phát hiện ôtô nhãn hiệu Lexus KBS 20L-8888 do anh Nguyễn Việt H điều khiển, vi phạm lỗi chạy quá tốc độ nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. 

Khi anh H. xuống xe xuất trình giấy tờ thì bị ôtô tải do Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) điều khiển đâm vào đuôi xe của H. Sau đó, chiếc xe tiếp tục tông vào anh H. và anh Nguyễn Anh Tuấn (40 tuổi, là cán bộ đội 2, phòng 8, cục CSGT).

Sau khi gây tai nạn, lái xe rời khỏi hiện trường. Anh H. và anh Nguyễn Anh Tuấn được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức. Do vết thương quá nặng, anh H. đã tử vong.

Để làm rõ lỗi trong vụ tai nạn cũng như việc CSGT có được ra hiệu lệnh dừng đỗ xe để kiểm tra trên đường cao tốc, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định về quyền hạn của CSGT khi thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên đường cao tốc như sau: “Được dừng các phương tiện đang tham giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật…”

Các cán bộ CSGT khám nghiệm hiện trường tai nạn.

Như vậy, theo quy định này thì CSGT có quyền yêu cầu người tham gia giao thông đang di chuyển trên đường cao tốc dừng lại, kiểm tra giấy tờ và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi dừng phương tiện phải đảm bảo an toàn, đúng quy định và không làm cản trở đến hoạt động giao thông.

Căn cứ quy định về quy trình TTKS, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của CSGT đã nêu rõ vị trí, thời gian dừng phương tiện kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính như sau: Khi kiểm soát tại một điểm trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính tại các vị trí sau: Điểm đầu, cuối đường cao tốc; Khu vực Trạm thu phí trên đường cao tốc; Trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc; Đoạn đường nhánh vào, ra đường cao tốc; Khi tuần tra, kiểm soát cơ động trên đường cao tốc, chỉ được dừng phương tiện vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp sau: Phát hiện hành vi vi phạm trật tự, ATGT có nguy cơ tức thời gây mất ATGT nghiêm trọng; Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện đang lưu thông trên đường cao tốc; Có yêu cầu của thủ trưởng, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm; Phát hiện phương tiện dừng, đỗ trái quy định trên đường cao tốc.

Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật, CSGT được quyền dừng xe của người tham gia giao thông trên cao tốc để thực hiệc việc tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, khi dừng phương tiện trên đường cao tốc, lực lượng CSGT cũng phải thực hiện các công tác đảm bảo ATGT như đặt rào chắn bằng nhựa hoặc cao su hình chóp nón, biển cảnh báo “đi chậm” phía sau phương tiện bị dừng với chiều dài đoạn đường đặt rào tối thiểu là 100m.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, để đánh giá chính xác lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ thuộc về ai trong trường hợp này để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật, cần đợi kết quả điều tra của Cơ quan chức năng.

Theo Thông tư 09/2013/ TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-8-2013 hướng dẫn, thì Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999, nay là Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015) được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn. Vì thế, để có cơ sở xác định lỗi, hành vi vi phạm và chế tài xử lý, nhất thiết phải dựa trên kết quả điều tra tai nạn đối chiếu với luật pháp mới có cơ sở xử lý.

Mai Hương
.
.
.