Để kẻ lừa không còn chỗ… lách!

Thứ Tư, 08/03/2017, 10:00
Mỗi năm, cơ quan điều tra các cấp ở TP Hồ Chí Minh thụ lý hàng trăm đơn thư tố cáo về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nhưng số bị can bị khởi tố về hành vi này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó không chỉ gây bức xúc cho người dân mà còn tạo điều kiện gia tăng loại tội phạm này.

Theo đơn tố cáo của bà Khánh, ngụ quận 10 (TP Hồ Chí Minh), trước đây bà bán quán cà phê ở cư xá Bắc Hải (quận 10). Trong số khách hàng của bà Khánh có Lê Thị Thái, quê quán Đồng Nai. Người này ăn mặc sang trọng, đi xe ôtô, nói năng lưu loát và thường khoe quen biết rất rộng. 

Thi thoảng Thái còn dẫn một số nghệ sĩ nổi tiếng ghé quán uống cà phê nên bà Khánh rất nể trọng. Trong một lần ghé quán, Thái “bật mí” cho bà Khánh biết mình có ông chú làm ở Công ty Honda Việt Nam đặt ở tỉnh Vĩnh Phúc nên có thể mua xe gắn máy với giá rẻ hơn 1/3 so với giá thị trường với điều kiện người mua phải đưa tiền trước và chờ từ 3-4 tháng mới có xe. 

Các bị cáo trong một vụ lừa đảo.

Để kiểm chứng, lúc đầu, bà Khánh gửi tiền mua một vài chiếc cho gia đình, người thân thì đúng như lời Thái nói. Thấy vậy, từ chỗ mua để sử dụng bà Khánh chuyển sang kinh doanh và đều đặn mỗi đợt đặt mua vài chục chiếc chủ yếu xe Air Blade. 

Những ngày đầu tháng 12-2015, bà Khánh dốc hết hầu bao gửi cho Thái hơn 7 tỷ đồng để đặt mua xe nhưng sau đó thì Thái lánh mặt. Trước khi “cao chạy xa bay”, Thái còn nhắn tin bảo làm ăn thất bại nên mới chiếm đoạt số tiền này và mong bà Khánh… thông cảm! Sau khi thụ lý đơn, cơ quan điều tra có triệu tập Thái đến làm việc nhưng đến nay đã gần 1 năm trôi qua Thái vẫn chưa bị hề hấn gì khiến nạn nhân rất bức xúc.

Cũng đau khổ không kém là trường hợp của ông Mai Đăng Diễn (ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), giám đốc một công ty vận tải đặt tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Do có quen biết trong làm ăn, từ ngày 25-3-2014 đến ngày 18-6-2014, ông Phạm Hoàng Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ - Xây dựng Hoàng Lập Phương (trụ sở đặt tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) và ông Nguyễn Dũng Chí (ngụ quận 10, TP Hồ Chí Minh) ký hợp đồng thuê 81 container (trị giá hơn 4 tỷ đồng) của Công ty ông Diễn. Sau đó, hai ông này không thanh toán tiền thuê, không sử dụng vào mục đích vận chuyển hàng hóa, mà bán lại cho người khác. Thế nhưng cơ quan tố tụng cho rằng đó chỉ là quan hệ dân sự!

Căn nhà số 12/24, Nguyễn Khoái (phường 2, quận 4, TP Hồ Chí Minh) thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Tầm. Năm 2010, bà Tầm xây lại căn nhà nhưng có phần sai chi tiết so với thiết kế. Biết chuyện, bà Trần Thị Kim Liêng (SN 1966; ngụ 247A, Tôn Đản, phường 15, quận 4) hứa sẽ giúp bà Tầm làm thủ tục hoàn công căn nhà. Tin tưởng chỗ quen biết, bà Tầm giao hết giấy tờ bản chính cho bà Liêng.

Từ đó bà Liêng nảy sinh ý định lừa bà Tầm và đã bán căn nhà cho người khác để lấy 3 tỷ đồng. Khi bị tố cáo, bà Liêng hứa sẽ chuộc lại căn nhà trả lại cho bà Tầm nhưng sau đó thì lánh mặt… Sự việc rõ ràng như vậy nhưng sau nhiều năm trời tố cáo bà Tầm nhận được văn bản trả lời từ phía Viện Kiểm sát TP Hồ Chí Minh cho rằng đây là tranh chấp dân sự!

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo và lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản ở TP Hồ Chí Minh nhưng kẻ lừa bị xử lý hình sự thì rất ít. Qua tìm hiểu của chúng tôi từ rất nhiều vụ việc cho thấy kẻ lừa đảo nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật để lách qua kẽ hở. 

Để “né” yếu tố “dùng thủ đoạn gian dối”, họ một mực khai với cơ quan điều tra là do yếu tố khách quan nên họ không thực hiện được hợp đồng chứ không có ý định gian dối từ đầu. Chẳng hạn như vụ bà P.T.Th (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) gạ người quen là bà T N.T (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) hùn tiền để kinh doanh ly nhựa, ống hút và chiếm đoạt của bà T hàng chục tỷ đồng. 

Sau khi bị lừa, bà T tìm hiểu thì mới hay chuyện kinh doanh là không có thật mà do bà Th dựng lên. Tuy nhiên, bà Th thì khẳng định là có thật nhưng do bà bị người khác “bẻ kèo” nên mới thất tín với bà T. Hỏi người “bẻ kèo” là ai thì bà Th bảo “không biết lai lịch”. Đây là chiêu thức lừa đảo và lách luật phổ biến nhất hiện nay.

Thông thường, khi không xử lý được tội “lừa đảo” thì vụ việc chuyển sang hướng có dấu hiệu phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Trong khi đó việc xử lý hành vi này hiện nay là rất khó. 

Vì theo quy định tại BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) hành vi cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” phải thuộc một trong hai trường hợp là “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó” hoặc “đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”. 

Trong khi đó để chứng minh người vay mượn nợ bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là rất khó khăn, nếu không muốn nói là gần như không thể chứng minh được. 

Một điều tra viên Đội 8, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Mặc dù lánh mặt chủ nợ nhưng khi cơ quan Công an triệu tập thì người bị tố cáo vẫn đến và cho rằng sở dĩ mình rời khỏi địa phương là đi làm ăn để kiếm tiền trả nợ hoặc do sợ người cho vay siết nợ, hành hung chứ không có ý định bỏ trốn. Còn điều kiện phải sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp thì chẳng con nợ nào lại dại dột khai mình đã sử dụng tài sản để đánh bạc, mua bán ma túy, buôn lậu…”. Và để khắc phục hậu quả, kẻ lừa nhanh nhảu chốt nợ và hứa sẽ trả trong một thời gian theo thỏa thuận để lái vụ việc sang dân sự và sau đó thì chây ì không trả nợ và tẩu tán hết tài sản!

Có thể để khắc phục một trong những kẽ hở nói trên, Bộ luật hình sự năm 2015 (hiện chưa thi hành, chỉ mới áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội) quy định người nào “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật thì quy định mới “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” cũng rất thiếu khả thi. Bởi trong thực tiễn, những kẻ có ý thức chiếm đoạt thì chẳng ai dại dột đứng tên tài sản để cơ quan điều tra buộc được họ là “có điều kiện, có khả năng”. Vì vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Tài, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, nên chăng cụm từ nói trên rút ngắn thành “đến thời hạn trả lại tài sản nhưng cố tình không trả” thì sẽ chặt chẽ hơn, hạn chế được kẽ hở pháp luật.

M.Hải - A.Huy
.
.
.