Diễn biến vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 270 tỷ đồng từ Sàn vàng Khải Thái:

Cựu Tổng Giám đốc công ty bị đề nghị án chung thân

Thứ Tư, 13/12/2017, 16:07
Ngày thứ 3 (13-12) phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 270 tỷ đồng từ Sàn vàng Khải Thái (Công ty Khải Thái) chuyển sang phần luận tội và đề nghị mức án của đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Nguyên Tổng Giám đốc Công ty Khải Thái-Hsu Ming Jung bị đề nghị mức án chung thân.

Trong hai ngày xét xử trước đó, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc, ai là người xây dựng cơ chế hợp đồng huy động vốn cũng như trả thưởng cho cán bộ công nhân viên trong Công ty Khải Thái, bị cáo Hsu Ming Jung cho biết, việc này do công ty bên Đài Loan (Trung Quốc) cung cấp và chỉ đạo làm.

Theo Hsu Ming Jung, sau khi nhận chỉ đạo từ công ty bên Đài Loan, bị cáo này truyền đạt lại với các cán bộ, công nhân viên trong Công ty Khải Thái qua các cuộc họp. Về nguồn tiền dùng để trả lương và thưởng cho cán bộ, công nhân viên, Hsu Ming Jung cho biết được lấy từ lợi nhuận đầu tư được. Hsu Ming Jung cho rằng, trước khi vụ án xảy ra, cán bộ công nhân viên và các nhà đầu tư đã được Công ty Khải Thái đưa qua Công ty Fushing ở Đài Loan để tham quan, học tập kinh nghiệm. Khi mọi người đến đó đều được Chủ tịch HĐQT cũng như Giám đốc của công ty tiếp đón.

Bị cáo Hsu Ming Jung (đứng) bị đề nghị án chung thân.

Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc chuyển tiền huy động được của các nhà đầu tư ở Việt Nam qua các cá nhân để chuyển về Đài Loan? Bị cáo Hsu Ming Jung cho biết, việc chuyển tiền đều làm theo chỉ đạo của một Giám đốc công ty tại Đài Loan. Với cách lý giải này, bị cáo Hsu Ming Jung đề nghị HĐXX cho phép được liện hệ với công ty ở Đài Loan để lấy số liệu phục cho vụ án. Đồng thời kiến nghị HĐXX cho kế toán của Công ty Khải Thái quyết toán lại để có số liệu chính xác về số tiền thiệt hại để có cơ sở trả lại tiền cho các bị hại.

Cũng theo lời khai của bị cáo Hsu Ming Jung, các khoản tiền thu được từ Công ty Khải Thái đều được đầu tư vào vàng và tiền tệ. Hsu Ming Jung yêu cầu Kế toán trưởng nộp tiền thuế nhưng người này đã chiếm đoạt và bỏ trốn. Vì vậy Hsu Ming Jung đề nghị HĐXX cho triệu tập những người liên quan đến hoạt động nộp thuế để làm rõ.

Theo giải thích của bị cáo Hsu Ming Jung, việc huy động tiền gửi dưới hình thức ủy thác đầu tư. Đây là hình thức khách hàng gửi tiền vào Công ty Khải Thái, ủy thác cho công ty này để triển khai thực hiện. “Thực hiện việc huy động vốn, Công ty Khải Thái đã tổ chức họp và chỉ đạo các nhân viên, lấy lý do công ty kinh doanh vàng để kêu gọi và huy động vốn từ khách hàng. Thời hạn ủy thác thường 3 tháng đến 1 năm, lãi suất từ 3% đến 3,5% một năm. “Để khuyến khích nhân viên kêu gọi khách hàng gửi tiền vào, chủ trương của Công ty Khải Thái là chi thưởng cho nhân viên thông qua hình thức trả lương cao, trích phần trăm từ số tiền những người muốn hưởng lợi gửi vào”, bị cáo Hsu Ming Jung khai.

Nhận thấy những đề nghị của Hsu Ming Jung là thiếu cơ sở, HĐXX cho biết, theo công văn phản hồi từ Văn phòng kinh tế Đài Bắc thì không có công ty nào như bị cáo Hsu Ming Jung  khai báo đã đầu tư vào trước đó theo địa chỉ bị cáo này cung cấp. Ngoài ra, vợ bị cáo Hsu Ming Jung cũng khẳng định, không biết việc chuyển tiền từ Việt Nam về Đài Loan đầu tư của chồng mình.

Quá trình luận tội, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nhận định, đứng đầu vụ án này là Hsu Ming Jung nhưng bị cáo này không hề đứng tên trong các giấy tờ chứng minh mà giao cho các nhân viên người Việt Nam đứng tên. Mọi hoạt động đều do Hsu Ming Jung trực tiếp chỉ đạo nhưng mọi hoạt động kinh doanh đều không đúng với danh mục ngành nghề đã đăng ký kinh doanh. Trong giấy phép kinh doanh của Công ty Khải Thái không được huy động vốn, nhưng Hsu Ming Jung vẫn chỉ đạo nhân viên dưới quyền tổ chức huy động vốn là những hành vi vi phạm pháp luật rất rõ ràng. Các bị cáo khác giữ vai trò giúp sức tích cực có hiệu quả cho bị cáo Hsu Ming Jung trong việc huy động tiền gửi. “Tuy nhiên các bị cáo chỉ là người làm thuê, số tiền chiếm đoạt hoàn toàn do Hsu Ming Jung sử dụng vào mục đích cá nhân nên các bị cáo giúp sức cho Hsu Ming Jung cần được HĐXX xem xét để giảm nhẹ khi lượng hình”, đại diện Viện kiểm sát đề nghị. “

Đại diện Viện kiểm sát xác định, trong thời gian từ tháng 12-2012 đến tháng 9-2014, bằng thủ đoạn đưa ra các thông tin gian dối, tạo lòng tin cho khách hàng Việt Nam về hoạt động của Công ty Khải Thái, bị cáo Hsu Ming Jung đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của Công ty Khải Thái tư vấn cho các khách hàng là người Việt Nam ký hợp đồng ủy thác đầu tư, rồi sau đó chiếm đoạt của 724 khách hàng gần 290 tỷ đồng, trong đó Hsu Ming Jung đã chi trả cho nhân viên dưới quyền hơn 18 tỷ đồng, số tiền còn lại của bị hại gần 270 tỉ đồng, Hsu Ming Jung đã chiếm đoạt và chuyển sang Đài Loan.

 “Việc truy tố các bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn có căn cứ. Hành vi vi phạm của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, chiếm đoạt số tiền rất lớn, gây thiệt hại cho nhiều bị hại. Trong vụ án này, bị cáo Hsu Ming Jung giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ nội dung, mục đích kinh doanh của Công ty Khải Thái để chiếm đoạt tiền của các bị hại thông qua hình thức kinh doanh vàng tài khoản và ủy thác đầu tư. Các bị cáo khác thực hiện tội phạm với vai trò giúp sức tích cực”, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm.

Sau khi phân tích, đánh giá vai trò của từng bị cáo trong vụ án này, địa diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án đối với từng bị cáo như sau: Phan Kiện Trung bị đề nghị mức án từ 18-20 năm tù; Trịnh Hoàng Bình từ 3- 4 năm tù; Nguyễn Mạnh Linh từ 16-18 năm tù; Đoàn Thị Luyến và Tăng Hải Nam từ 14-16 năm tù và Đinh Thị Hồng Vinh từ 12-14 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS). Ngoài đề nghị hình phạt tù, đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Hsu Ming Jung phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại số tiền đã chiếm đoạt. Các bị cáo còn lại bị truy thu số tiền đã giúp Hsu Ming Jung chiếm đoạt. 

Nguyễn Hưng
.
.
.