Cần xử lý nghiêm những hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân
Chế tài xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đã được qui định; nhưng giữa Luật và hiện thực vẫn còn một khoảng cách. Vậy phải làm thế nào để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa đối với tình trạng khai thác thông tin cá nhân trái phép?
Anh Hải, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội bức xúc cho biết, anh thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại mời chào vay vốn, mua căn hộ chung cư, thông báo trúng thưởng…
Khó chịu nhất là những lúc đang bận rộn công việc, đang đi ngoài đường thì nhận được những cuộc điện thoại mời chào kiểu này. Anh Hải cũng không biết, vì sao, số điện thoại di động của anh lại được nhiều doanh nghiệp biết đến thế?
Trường hợp của anh Hải cũng giống như trường hợp của rất nhiều thuê bao bị làm phiền bởi tình trạng mua bán trái phép thông tin cá nhân.
Khi bạn mua một sản phẩm hàng hóa tại một siêu thị, một cửa hàng kinh doanh, đơn vị bán hàng sẽ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, trong đó có số điện thoại. Tuy nhiên việc cung cấp số điện thoại chỉ nhằm mục đích phục vụ cho công tác "hậu bán hàng" thì không vấn đề gì.
Hàng triệu số điện thoại như vậy được tích hợp và "bán" cho các đơn vị có nhu cầu khai thác số điện thoại di động để phục vụ cho việc bán hàng (telesales), hoặc mời chào quảng cáo; cá biệt, còn sử dụng vào mục đích lừa đảo.
Những thông tin cá nhân kiểu này còn được phân loại cho từng nhóm khác nhau. Ví dụ, bạn đăng một thông tin mua bán nhà đất trên các website rao vặt, ngay lập tức, số điện thoại của bạn sẽ được lưu giữ và phân loại bạn là người quan tâm đến thị trường bất động sản, tài chính mua nhà… Từ đó, bạn sẽ liên tục bị làm phiền mời chào liên quan đến lĩnh vực nêu trên.
Mặc dù đến nay, qui định của pháp luật đối với hành vi mua bán trái phép thông tin cá nhân bị xử lý khá nghiêm khắc, nhưng trên mạng xã hội, vẫn có những người rao bán công khai thông tin cá nhân.
Chỉ cần bỏ ra vài trăm hoặc vài triệu đồng là có thể sở hữu trọn bộ danh sách khách hàng tiềm năng lên đến hàng chục nghìn người. Việc giao dịch mua bán thường diễn ra trên mạng, sau khi đã thống nhất, người mua chuyển tiền vào tài khoản, người bán sẽ chuyển danh sách qua email người mua.
Để bảo vệ khách hàng sử dụng viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị trực thuộc mỗi năm đã xử lý, ngăn chặn hàng triệu thuê bao phát tán tin nhắc rác, nhưng thực tế cũng chỉ ngăn ngừa được phần nào.
Theo qui định của Luật An toàn thông tin mạng, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lưu giữ thông tin cá nhân của người khác phát tán, chia sẻ cho bên thứ ba nếu chưa được sự đồng ý của chủ thể thông tin đó.
Ngoài ra, Luật Dân sự, Luật bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật giao dịch điện tử, Luật viễn thông cũng đều dành những qui định về bảo vệ thông tin riêng của người sử dụng viễn thông. Tùy theo mức độ hành vi thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.
Theo điểm a, khoản 5 Điều 66 Nghị định số 174, mức phạt có thể từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin nếu phát tán trái phép thông tin riêng của người sử dụng . Tùy theo tình tiết tăng nặng có thể xử lý hình sự, với mức phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Như vậy, căn cứ pháp luật đã có, người sử dụng viễn thông cần chủ động phát giác, thậm chí, khi nhận điện thoại, tin nhắn làm phiền có thể khiếu nại lên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khiếu nại lên cơ quan chức năng quản lý nhà nước để có căn cứ xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, người sử dụng viễn thông có thể chủ động cài đặt những phần mềm chặn thư rác và tin nhắn rác. Hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những sản phẩm rất tốt trên thị trường, giúp người dùng ngăn chặn có hiệu quả tới 99,9% thư rác và những cuộc gọi không mong muốn.