Bộ Tài chính đề xuất mở rộng cơ sở thuế
Nhằm thực hiện chiến lược cải cách thuế hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17-5-2011 với mục tiêu cải cách chính sách thuế và quản lý thuế theo hướng phù hợp với thể chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; Căn cứ tình hình phát triển kinh tế qua các năm cũng như dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo và nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế và khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế dự kiến trình Quốc hội và kỳ họp tháng 5 năm 2018 với quan điểm chủ đạo là phải coi trọng việc mở rộng cơ sở thuế kết hợp với việc điều chỉnh thuế suất theo lộ trình phù hợp, không gây ảnh hưởng đến thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất quy định liên quan đến việc mở rộng cơ sở thuế bao gồm:
Về thuế giá trị gia tăng: Thực hiện mở rộng cơ sở thu thuế qua việc giảm nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt: Đề xuất bổ sung nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ các sản phẩm từ sữa.
Về thuế thu nhập cá nhân: Thực hiện mở rộng cơ sở thu thuế thông qua việc bổ sung quy định thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyển sử dụng tài nguyên internet theo quy định của Luật Viễn thông thuộc đối tượng chịu thuế.
Về quản lý thuế: Hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng đề án Luật Quản lý thuế thay thế Luật Quản lý thuế hiện hành, trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung chủ yếu như: Tăng cường quản lý thuế theo phương thức quản lý thuế điện tử ở tất cả các khâu: Đăng ký thuế, kê khai thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế... kết hợp quản lý thuế theo phương thức rủi ro để đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh có doanh số lớn; Tăng cường trách nhiệm của cá nhân có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử; Hoàn thiện quy định về Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn...
Về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ: Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện pháp luật về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ để trình Chính phủ trong quý 1 năm 2018, trong đó tập trung vào nội dung quy định về hoá đơn điện tử để đảm bảo thu thuế chính xác và tránh gian lận. Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Với xu thế toàn cầu hoá cùng chủ trương đẩy mạnh hội nhập kinh tế của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã góp phần thu hút vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài vào Việt Nam. Các yếu tố này góp phần đẩy mạnh sự tăng trưởng và phát triển của thương mại điện tử, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển công nghệ thông tin giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đến nay, các loại hình kinh doanh thương mại điện tử mới nhất trên thế giới đều đã xuất hiện tại Việt Nam. Điển hình là trong thời gian ngắn, tại Việt Nam đã xuất hiện các mô hình kinh doanh mới nhất như cung cấp các dịch vụ kết nối vận tải Uber, Grab, đặt phòng trực tuyến khách sạn Agoda, Traveloka, quảng các trực tuyến trên Google, Facebook được gọi chung là mô hình “kinh tế chia sẻ”.
Các hình thức kinh doanh thương mại điện tử mới mẻ này đang đem lại những lợi ích to lớn đối với chính phủ các nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng; tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội như tạo việc làm, tạo thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó thương mại điện tử cũng đang đặt ra rất nhiều thách thức trong xây dựng chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với hoạt động này.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng Đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để đáp ứng các nhu cầu vừa đảm bảo quản lý được nguồn thu, đồng thời khuyến khích cho sự phát triển của thương mại điện tử, trong đó kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật về chính sách thuế, về quản lý thuế và cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, địa phương có liên quan.