Bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ bị xử lý như thế nào?

Thứ Sáu, 13/03/2015, 14:21
Hỏi: Vừa qua có một số trường hợp các đối tượng bắt giữ người trái pháp luật rồi đánh đập, ép viết giấy vay nợ… Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào đối với việc xử lý các trường hợp này? (Phạm Tú – Cầu Giấy - Hà Nội)

Trả lời: Những hành vi đòi nợ kiểu bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập, dọa nạt, ép viết giấy vay nợ, v.v... là trái quy định của pháp luật và tùy vào từng mức độ, tính chất cụ thể của mỗi vụ việc có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (có hiệu lực từ 28/12/2013) “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” đã nêu cụ thể vấn đề này, đơn cử như sau: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi “xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác” (điểm e khoản 3 Điều 5); Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản” (điểm c khoản 2 Điều 15).

Trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xử lý bằng hình sự thì có thể bị truy tố về một trong các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự như:

+ Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 BLHS). Khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và khung cao nhất là bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

+ Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135 BLHS) hoặc Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS). Tội cưỡng đoạt tài sản có mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 20 năm tù. Tội cướp tài sản có khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 3 năm đến 10 năm và khung cao nhất là phạt tù từ 18 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

+ Trường hợp việc đánh đập dẫn đến gây thương tích cho người bị hại thì các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS). Khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; khung cao nhất là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, cần lưu ý nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là mỗi hành vi vi phạm chỉ xử lý một lần theo tội danh tương ứng.

Nếu trong một vụ việc, người phạm tội có nhiều hành vi hỗn hợp sẽ bị xử lý theo một tội danh nhất định, còn các hành vi khác nếu không đủ cấu thành một tội danh độc lập thì trở thành tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng đối với người phạm tội đó.

Công ty luật TNHH Đào Ngọc Lý
.
.
.