Từ hai bản án dân sự tại Phú Yên: Bài học pháp luật và đạo đức

Thứ Tư, 06/09/2017, 10:51
Ông Nguyễn Hữu Tiến – Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Hòa (Phú Yên) cho biết, cơ quan này đã phân công kiểm sát viên tham gia tố tụng hai phiên xử dân sự sơ thẩm của TAND huyện Phú Hòa liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.


Tiếp xúc PV Báo CAND ngày 6-9, ông Nguyễn Hữu Tiến – Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Hòa (Phú Yên) cho biết, cơ quan này đã phân công kiểm sát viên tham gia tố tụng hai phiên xử dân sự sơ thẩm của TAND huyện Phú Hòa liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại. Hai vụ án này là một bài học cần được chia sẻ để góp phần giáo dục pháp luật và đạo đức xã hội.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 3 và 4-1-2016, ông Trần Văn Long (58 tuổi) cùng vợ là Trần Thị Hiệp (62 tuổi, trú ở thôn Định Thành, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa) tung tin bịa đặt người cùng làng là Trần Thị S (37 tuổi) có quan hệ tình cảm bất chính với ông Long. 

Bực tức vì bị người khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm, nên bà S ghi âm, thu thập chứng cứ và đề nghị Công an xử lý. 

Sau khi tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, ngày 28-1-2016, Công an xã Hòa Định Đông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng đối với ông bà Long - Hiệp. Vụ việc tưởng đã khép lại nhưng hơn một năm sau đó bà Trần Thị S khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại. 

Sau một thời gian thụ lý, mới đây TAND huyện Phú Hòa xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên xử buộc ông bà Long - Hiệp phải bồi thường 5,8 triệu đồng cho bà S.

Cùng thời điểm này, TAND huyện Phú Hòa cũng đã xét xử sơ thẩm vụ án hôn nhân gia đình, trong đó người chồng là bị đơn Lê Thanh P (43 tuổi, trú ở khu phố Định Thắng, thị trấn Phú Hòa) có yêu cầu phản tố đòi người vợ là nguyên đơn Đoàn Thị T (40 tuổi) bồi thường danh dự, nhân phẩm bị xâm hại với số tiền 30 triệu đồng. 

Ông P cho rằng, trong suốt thời gian ông và bà T ly thân (tháng 7-2015) cho đến khi TAND huyện Phú Hòa thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn của bà T (cuối 3-3017), ông P vào TP Hồ Chí Minh làm thuê, không quan hệ vợ chồng với bà T. Trong khi đó, bà T thừa nhận có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác và đã mang thai 5 tháng. 

Tuy nhiên, TAND huyện Phú Hòa bác yêu cầu phản tố của ông P đòi bồi thường danh dự, nhân phẩm, vì không có căn cứ chứng minh thiệt hại.

Hiện hai bản án dân sự sơ thẩm nêu trên của TAND huyện Phú Hòa đã có hiệu lực pháp luật vì không bị kháng cáo, kháng nghị. Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Viện trưởng Viện KSND huyện Phú Hòa, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền nhân thân của con người được Bộ luật Dân sự quy định (tại Điều 34), hậu quả thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại được tòa án giải quyết việc bồi thường (Điều 592) khi có yêu cầu khởi kiện. 

Bên cạnh đó, những hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự người khác sẽ bị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, xử lý bằng biện pháp hình sự (Điều 121, 122 Bộ luật Hình sự 1999). 

Trong vụ án thứ nhất, ông bà Long - Hiệp có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm bà S nên phải bồi thường thiệt hại. Còn vụ án thứ hai dù tòa án bác yêu cầu của ông P, nhưng không ít người cho rằng đằng sau bản án vẫn còn đó bài học đạo đức xã hội khi quan hệ hôn nhân giữa ông P và bà T còn tồn tại về mặt pháp lý nhưng bà T đã sớm có quan hệ tình cảm và mang thai với người khác.

Phan Văn Lương
.
.
.