Xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp dịp lễ 2/9

Chủ Nhật, 03/09/2023, 08:38

Trong dịp nghỉ lễ 2/9, tại các cửa khẩu vẫn duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, 6 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh hoạt động xuyên dịp nghỉ lễ 2/9.

Bà Trần Thị Hằng, Công ty Cổ phần Vận tải Thái Việt Trung cho biết, tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị dịp lễ 2/9 vẫn duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu bình thường. Hàng xuất khẩu nhiều vẫn là hoa quả. Tuy nhiên do vào dịp lễ, nên một số doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc nên xe hàng cũng giảm hơn so với ngày thường. Như tại công ty trung bình một ngày thực hiện xuất nhập khẩu hơn 30 xe, nhưng trong ngày 2/9 chỉ có 10 xe nhập, 10 xe xuất.

Xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp dịp lễ 2/9 -0
Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) dịp lễ 2/9.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 2/9, Phó chi Cục trưởng Chi Cục Hải quan Tân Thanh Phùng Văn Ba cho biết, trung bình một ngày hàng xuất từ 160-180 xe, hàng nhập khoảng 200 xe qua cửa khẩu Tân Thanh. Trong những ngày lễ, lượng xe hàng nhập qua cửa khẩu Tân Thanh tăng do nhu cầu tiêu thụ hoa quả tươi tăng, trung bình khoảng 200-230 xe/ngày. Hiện, hoa quả tươi lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc chủ yếu là mít, thanh long, chuối, sầu riêng… xe lên cửa khẩu làm thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận tiện.

Trong dịp lễ, đơn vị luôn bố trí cán bộ, công chức để giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ. Cùng đó, phối hợp với doanh nghiệp kho bãi để tạo điều kiện cho sắp xếp vị trí phương tiện chở hàng hóa trong thời gian chờ xuất khẩu.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết, vào dịp Quốc khánh 2/9, tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa tại 6 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Cốc Nam, Na Hình, Cửa khẩu Song phương Chi Ma, Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Cửa khẩu Phụ Tân Thanh.

Các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu luôn tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu của Lạng Sơn gồm: Sầu riêng tươi, ớt, trái thanh long tươi, quả mít tươi, nhôm hợp kim dạng thỏi được nấu từ nhôm vỏ lon, sợi gai làm từ cây gai xanh, bánh đậu xanh, quả chanh leo, quả bưởi tươi,...

Hàng nhập khẩu chủ yếu là ôtô, linh kiện phụ tùng ôtô xe máy, sản phẩm từ sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may da giày, sản phẩm từ cao su, hàng thủy sản, gỗ, sản phẩm gỗ, linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng rau quả, giấy, sản phẩm từ giấy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng điện gia dụng, thanh nhôm hợp kim, hóa chất, sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ thủy tinh, sản phẩm từ chất dẻo, vải các loại, bánh kẹo, hàng tạp hóa, nguyên liệu thuốc bắc…

Tại luồng xuất nhập khẩu hàng hóa Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, lưu lượng phương tiện xuất nhập khẩu vẫn ổn định với khoảng 500 - 600 xe/ngày. Các lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm dịch y tế, kiểm dịch thực vật vẫn duy trì các điều hành cũng như chuyên môn theo từng vị trí công tác, đúng quy trình thủ tục; hướng dẫn lái xe, doanh nghiệp khai báo hàng hóa nhanh chóng và chính xác.

Đặc biệt, thời điểm nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vẫn có hành khách có nhu cầu du lịch, thăm thân xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, hoạt động xuất nhập cảnh vẫn diễn ra bình thường. Để đảm bảo duy trì hoạt động, lực lượng biên phòng đã ra soát và bố trí lực lượng, trang thiết bị kỹ thuật máy móc để thực hiện giải quyết thủ tục cho hành khách nhanh chóng và đúng quy định.

Xuất nhập khẩu diễn ra nhộn nhịp dịp lễ 2/9 -0
Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) dịp lễ 2/9.

Theo Đại úy Trịnh Văn Bác, Phó trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, để đảm bảo an ninh trật tự khu vực hiện nay, đơn vị thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong khu vực cửa khẩu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những trường hợp gây mất an ninh trật tự. Cùng đó, đơn vị chủ trì phối hợp với lực lượng chức năng để điều tiết, hướng dẫn phân luồng, đảm bảo cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu thông suốt.

Ngoài ra, để thông quan nhanh chóng các mặt hàng, lực lượng chức năng Cửa khẩu tại Lạng Sơn tiếp tục triển khai biện pháp tạo điều kiện thuận lợi theo quy định như đẩy mạnh duy trì nghiệp vụ chuyên môn, giải quyết thủ tục thông quan với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền tới doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ thủ tục thông quan theo quy định, chủ động trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa. Các cơ quan chức năng cửa khẩu thực hiện sắp xếp phương tiện trong khu vực cửa khẩu theo hướng tận dụng tối đa hạ tầng cửa khẩu…

Tại Lào Cai, hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) vẫn diễn ra sôi động, thuận lợi và thông suốt với lưu lượng trung bình 350 - 370 phương tiện làm thủ tục thông quan mỗi ngày.

Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, dịp lễ Quốc khánh, lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành không tăng so với ngày bình thường nhưng đơn vị vẫn duy trì đủ quân số ở từng vị trí để giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp thực hiện xuất - nhập khẩu hàng hóa bảo đảm thời gian thông quan nhanh nhất. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, nông sản, gỗ các loại, giày dép, bánh kẹo...

Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc và các thiết bị cơ khí, than cốc, hóa chất, điện, phân bón các loại, sắt, thép và các sản phẩm từ thép... Theo thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai, từ đầu năm đến nay có 556 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Kim Thành và đã giải quyết thủ tục cho 38.834 tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu làm thủ tục tại đơn vị đạt hơn 627 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 271 triệu USD, nhập khẩu đạt hơn 356 triệu USD.

Xuất khẩu ngành dừa kỳ vọng mới

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa thông báo Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gửi thư tới cơ quan này thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa sọ Việt Nam. Theo đó, ngày 7/8/2023, APHIS đã hoàn tất việc cập nhật cơ sở dữ liệu trực tuyến yêu cầu nhập khẩu (NK) hàng hóa nông nghiệp để phê duyệt việc NK dừa tươi từ Việt Nam. Ngoài thị trường Mỹ, các doanh nghiệp (DN) ngành dừa trong nước cũng đang chờ nghị định thư để xuất khẩu (XK) chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để ngành dừa tăng tốc bứt phá trong thời gian tới...

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, ngành dừa trong thời gian qua đã phát triển khá thần tốc. Nếu như 10 năm trước, rất ít người quan tâm đến cây dừa thì hiện nay có nhiều DN lớn đã đầu tư vào ngành dừa. Hiện, các DN trong ngành này đang cố gắng phát triển vùng nguyên liệu, đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ, để đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới.

Theo ông Đặng Quốc Hùng – Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Kim Bôi, hiện nay nhu cầu NK dừa của thị trường thế giới khá lớn, đặc biệt là dừa uống nước. Công ty Kim Bôi cũng có nhiều khách hàng đặt vấn đề là làm sao Việt Nam giữ được trái dừa 90 ngày thay vì 60 ngày như hiện nay thì thị trường Mỹ sẽ lấy hàng rất nhiều. Như vậy, để trái dừa bảo quản được lâu thì việc áp dụng công nghệ là hết sức cần thiết.

Hiện nay, diện tích dừa cả nước đạt hơn 190.000ha, trong đó có khoảng 7.000 ha dừa đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Ông Cao Bá Đăng Khoa - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam khẳng định, với cây dừa thì không bỏ gì hết, nhưng thực tế hiện nay ghi nhận XK chỉ có trái dừa. Còn gỗ dừa, chỉ đơn thuần làm thủ công mỹ nghệ đơn giản sử dụng trong gia dụng như đũa, muỗng, nĩa,... chỉ số XK rất thấp, do công nghệ chế biến chưa chuyên sâu, các loại hóa chất bảo quản trong các loại gia dụng chưa được công bố rộng rãi, nên hạn chế đi vào các thị trường cao cấp trên thế giới.

Trong khi đó, gỗ dừa có gía trị trong ngành xây dựng, trang trí nội thất, thủ công mỹ nghệ và gỗ dừa được xếp vào nhóm một - nhóm gỗ có giá trị cao nhất của quốc gia. Vì vậy, để khai thác giá trị gia tăng của mặt hàng gỗ dừa, Hiệp hội Dừa cũng khuyến khích việc XK chính ngạch mặt hàng này, nhưng DN gặp khó khăn, chưa rõ ràng về ấn định mức thuế trong quá trình XK, thậm chí cơ quan thuế, hải quan cũng lúng túng.

Với xu hướng tiêu dùng của thế giới, trong thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm thực thi giảm thiểu, thay thế đồ nhựa sử dụng một lần, hướng tới tiêu dùng xanh. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam không sử dụng đồ nhựa một lần. Đây là một lợi thế lớn cho cây dừa và các sản phẩm từ trái dừa, gỗ dừa.

Ông Cao Bá Đăng Khoa nhìn nhận, ngành dừa đang có rất nhiều tiềm năng, nhưng để phát triển chuỗi giá trị bền vững, Hiệp hội đang triển khai nhiều kế hoạch để xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, đẩy mạnh liên kết vùng trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó tiến đến việc truy xuất nguồn gốc, bảo hộ thương hiệu sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.                   

Thúy Hà

Phan Đức
.
.
.