Xuất khẩu gạo năm 2024 có còn “rộng cửa”?

Thứ Sáu, 01/03/2024, 08:15

Dù đứng trong “top đầu” thế giới, nhưng gạo Việt Nam xuất khẩu (XK) phải cạnh tranh gay gắt với các “đối thủ nặng ký” từ Thái Lan và Ấn Độ. Tại một số thị trường, dù tiêu thụ rất nhiều song thương hiệu gạo Việt vẫn còn khá mờ nhạt. Nếu không thay đổi chất lượng, việc XK gạo sẽ không còn “rộng cửa”.

Cạnh tranh gay gắt

Tại hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: "Đánh giá tình hình XK và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 29/2, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia cho biết, Indonesia là một trong những thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam. Nhưng, gạo Việt Nam cũng gặp thách thức lớn tại thị trường này, như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa gạo Thái Lan và Việt Nam ở phân khúc gạo chất lượng cao trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia sụt giảm. Bên cạnh đó, nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái Lan đã có thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng.

Xuất khẩu gạo năm 2024 có còn “rộng cửa”? -0
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường trong những tháng đầu năm.

Ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cũng cho rằng, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến khoảng từ trên 3,5 triệu đến 3,8 triệu tấn. Năm 2024 sẽ tiếp tục có nhiều biến động khó dự báo, lệnh cấm XK gạo của Ấn Độ, hay việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho XK gạo của Việt Nam.

Theo ông Thành, từ năm 2019, Việt Nam vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo đứng đầu tại thị trường này. Giá XK gạo sang Philippines năm 2023 có thời điểm đạt cao nhất là trên 650 USD/tấn. Gạo của Việt Nam không chỉ phục vụ tiêu dùng, mà còn là mặt hàng quan trọng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế vĩ mô cho Philippines. Tuy gạo Việt Nam có nhiều lợi thế tại Philippines, song điều này đã có những thay đổi khi gần đây Việt Nam phát triển mạnh sản phẩm gạo thơm, chất lượng cao.

“Với trên 50 triệu dân có thu nhập trung bình và thấp, Philippines có nhu cầu tiêu dùng khá lớn sản phẩm gạo chất lượng vừa phải. Đặc biệt, mới đây Tổng thống Philippines chỉ đạo các DN nước này kết nối với Việt Nam để tìm kiếm các loại gạo giá rẻ, song ở Việt Nam gần như không có. Các DN, địa phương cần cân nhắc vấn đề này để hướng tới XK gạo chất lượng vừa phải bên cạnh XK gạo chất lượng cao”, ông Thành nêu.

Ông Thành cho biết thêm, dù ngày càng nhiều người Philippines dùng gạo Việt Nam nhưng các nhà nhập khẩu gạo nước này làm nhãn mác gạo sản xuất tại Việt Nam khá mờ nhạt nên “phải nhìn kỹ mới thấy”. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Nhật Bản XK vào Philippines được nhà phân phối nước này ghi thương hiệu “Thai Rice” hoặc “Japanese Rice” rất to, rõ trên bao bì. Nguyên nhân theo ông Thành, trước đây người Philippines nói tới gạo là nhắc đến gạo Thái, gạo Nhật và vẫn chưa thực sự đánh giá cao gạo Việt Nam. Vì vậy phải đẩy mạnh làm thương hiệu để DN phân phối Philippines có thể giới thiệu rõ ràng hơn gạo Việt Nam tại hệ thống phân phối của họ.

Xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng gạo

Để gạo Việt Nam duy trì XK bền vững, gia tăng củng cố hơn nữa vị thế gạo của Việt Nam trong bối cảnh Indonesia chưa có nhiều giống lúa chất lượng, ông Phạm Thế Cường cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo XK, định hướng tập trung thúc đẩy phân khúc gạo thơm hạt dài cao cấp, gạo nếp, gạo japonica đa dạng hóa các chủng loại gạo (như gạo hữu cơ); đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với các DN chế biến thực phẩm, cũng cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo (bún khô, bánh gạo kiểu Hàn Quốc, bánh đa nem, bánh tráng, bánh phở khô, bánh đa gạo khô) vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng. Đặc biệt, các DN XK cần đảm bảo chất lượng gạo, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch; đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết vì số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế. Cơ hội tìm kiếm các thương nhân có đủ điều kiện nhập khẩu của Indonesia không nhiều.

Về thương hiệu, DN XK gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam. Hiện các loại gạo cao cấp ST25, Đài thơm 8, OM18 của Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi tại Indonesia.

Đại diện thương vụ Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng đánh giá, gạo XK đang cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, các sản phẩm gạo có mặt trên thị trường Trung Quốc đều có chất lượng tương đối cao bên cạnh việc các nước XK rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì. Qua công tác nắm tình hình, Thương vụ nhận thấy bao bì gạo của Thái Lan, Lào có mặt tại hệ thống siêu thị của Trung Quốc (thậm chí cả hệ thống siêu thị khu vực phía Bắc Trung Quốc – khu vực tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa và yêu cầu về bao bì) được đóng gói hết sức chắc chắn, bắt mắt và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc. Năm 2024, khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu gạo để điều tiết hài hòa giữa nhập khẩu và sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực, dự báo năng lực NK sẽ tăng, trong đó có gạo tấm, DN Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện để XK vào thị trường này.

Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là một trong 3 quốc gia XK gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo XK toàn cầu, nên tất cả sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam. Tín hiệu khả quan trong dự báo NK vẫn xuất hiện tại các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Indonesia, Philippines; các thị trường Việt Nam có lợi thế là khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; hay các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ hay các quốc gia Trung Đông…

Lưu Hiệp
.
.
.