Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc

Chủ Nhật, 17/09/2023, 07:33

Với vị trí láng giềng gần gũi, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ lâu đời, trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam- Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển. Thống kê cho thấy, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47%.

Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, hết tháng 8/2023, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,45 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 36,61 tỷ USD, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Với 105,45 tỷ USD, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên trong năm 2023 và tiếp tục duy trì vị thế bạn hàng lớn nhất của nước ta.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc -0
Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô kim ngạch từ 100 tỷ USD trở lên trong năm 2023.

Về đầu tư, tính đến tháng 8/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có gần 4.000 dự án ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 26 tỷ tỷ USD, đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký mới gần 2,7 tỷ USD. Về thương mại, Trung Quốc luôn là đối tác lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Qua đó, hai bên đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí trong nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giữa hai nước, góp phần tạo cơ sở vật chất quan trọng cho thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu, nâng cao hiệu suất thông quan, duy trì giao thương thông suốt, bảo đảm chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hoá Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc -0
Trung Quốc luôn là đối tác lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2008, Trung Quốc là nước đầu tiên cùng Việt Nam xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, khung hợp tác sâu rộng nhất trong khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam với các nước trên thế giới cho đến nay.

"Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Chia sẻ thông tin về 20 năm tổ chức Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, CAEXPO và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và Đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) đã trở thành một trong những cơ chế quan trọng, uy tín về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của các nước ASEAN và Trung Quốc; góp phần trực tiếp và thực chất đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam tự hào là một trong những thành viên tích cực nhất đóng góp vào sự thành công của CAEXPO và CABIS. Trong các nước ASEAN, Việt Nam luôn là quốc gia tham dự CAEXPO với quy mô doanh nghiệp đông nhất, diện tích và số lượng gian hàng trưng bày hàng hóa lớn nhất tại tất cả các kỳ Hội chợ trực tiếp.

"Chúng tôi kỳ vọng những hợp tác trong khuôn khổ cơ chế CAEXPO sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung toàn khối ASEAN - Trung Quốc và các quốc gia thành viên RCEP, các quốc gia thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường", hướng đến tương lai, trở thành một trong những Trung tâm tăng trưởng kinh tế năng động nhất trên thế giới", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Trong thời gian tới, Việt Nam mong rằng, các kỳ CAEXPO, CABIS và các hoạt động trong khuôn khổ liên quan sẽ tập trung vào các nội dung ưu tiên, trong đó, thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia, giao dịch của các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu, nhập khẩu uy tín, có quy mô, tiềm lực đến từ Trung Quốc và thế giới trong các lĩnh vực có thế mạnh của ASEAN và Trung Quốc. 

Theo các chuyên gia thương mại, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, để tiếp tục giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa hoạt động thương mại vào chính quy, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường rộng lớn này. Đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bắt buộc phải thay đổi và thích ứng... 

Lưu Hiệp
.
.
.