Thúc đẩy liên kết vùng tạo cơ hội cho Trung du và Miền núi phía Bắc khai thác tốt tiềm năng

Thứ Năm, 27/10/2022, 11:20

Ngày 27/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu khả năng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp độ vùng ở Vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung rà soát khung pháp lý về thể chế kinh tế vùng, cơ chế liên kết vùng, khung chính sách liên quan đến xây dựng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng.

Các chỉ tiêu hiện có đều cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực trong những năm qua. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), Trung du và Miền núi phía Bắc là vùng có tiềm năng phát triển nhưng chưa được khai thác hiệu quả.

Cụ thể, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong vùng xấp xỉ mức bình quân cả nước (26,1%); số doanh nghiệp đang hoạt động ở vùng tính đến cuối năm 2021 chỉ chiếm 4,3% tổng số doanh nghiệp cả nước; thu nhập bình quân của người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh bằng 82,7% mức trung bình toàn quốc; đầu tư nước ngoài vào vùng Trung du và Miền núi phía Bắc còn rất hạn chế, đến cuối năm 2021 luỹ kế tổng số các dự án đầu tư nước ngoài vào vùng chỉ chiếm 3,4% tổng số dự án đầu tư nước ngoài của cả nước.

Thúc đẩy liên kết vùng tạo cơ hội cho Trung du và Miền núi phía Bắc khai thác tốt tiềm năng -0
Cần tạo cơ chế tăng cường khả năng liên kết vùng, kết nối giữa các doanh nghiệp trong vùng.

Liên quan đến những giải pháp tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số. Trên cơ sở đó, cần tạo cơ chế tăng cường khả năng liên kết vùng, kết nối giữa các doanh nghiệp trong vùng. Khả năng kết nối này không chỉ mang tính chất nội vùng, liên vùng mà cần mở rộng trong phạm vi cả nước và toàn cầu.

Lưu Hiệp
.
.
.