Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ

Thứ Sáu, 22/09/2023, 19:06

Tại tọa đàm với chủ đề “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT)” được Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/9, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) cho biết, các doanh nghiệp (DN) trong nước, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Phạm Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của DN đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển CNHT. Đến nay, cả nước có khoảng 5.000 DN CNHT; sản phẩm được cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ…

Đặc biệt, số lượng DN là nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn đa quốc gia đạt khoảng 100 DN; cung ứng cấp 2, cấp 3 là khoảng 700 DN. Tiêu biểu có khoảng 50 DN là nhà cung ứng cấp 1 và 170 DN là nhà cung ứng cấp 2 cho Tập đoàn Samsung. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, có khoảng 12 DN tham gia cung ứng cấp 1 cho Toyota. Bên cạnh đó, lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô đạt 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe tải và xe khách, tỷ lệ nội địa hóa cao hơn.

Hà Nội chiếm gần 1/5 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cả nước -0
Doanh nghiệp phải nâng cao trình độ công nghệ để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giữ vị trí ổn định trong chuỗi cung ứng.

Ông Nguyễn Vân cho biết, về năng lực cạnh tranh, các DN trong nước, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng. Thời gian vừa qua, HANSIBA cũng đồng hành với các DN và các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc thành lập những công ty liên doanh tư vấn phát triển CNHT để chia sẻ lại kinh nghiệm tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn trên thế giới, rút ngắn khoảng cách đào tạo, hướng đến việc đạt được các chứng chỉ toàn cầu, qua đó các DN tạo được sức mạnh và năng lực cạnh tranh nhất định để vươn ra thị trường thế giới, xuất khẩu các sản phẩm linh phụ kiện sản xuất tại Hà Nội và Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa (Hanel Plastics) cho biết, ngay từ đầu, DN đã xác định chiến lược là phải làm được các sản phẩm cung ứng cho các DN FDI lớn.

“Chúng tôi bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản, nhưng làm đâu được đấy và tăng dần. Chủ trương là tiếp cận được những “ông lớn" và không ngại những “ông nhỏ”. Vậy nên, chúng tôi luôn là nhà cung ứng cấp 1 của nhiều tập đoàn lớn”, ông Cường nói.

Về giải pháp, dưới góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Cường cho hay, trong thời gian tới, Nhà nước, Bộ Công Thương cũng thúc đẩy thu hút đầu tư nhiều, sẽ có sự chuyển dịch, cụ thể DN vẫn có nhiều cơ hội, nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối với những tập đoàn như Boeing hay  Airbus. Với môi trường đầu tư kinh doanh như tại Việt Nam, sẽ có nhiều tập đoàn lớn tìm đến, giúp DN có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, DN phải nâng cao trình độ công nghệ để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giữ vị trí ổn định trong chuỗi cung ứng.

TP Hà Nội đang hướng tới mục tiêu năm 2025 sẽ hình thành 1.000 DN trong lĩnh vực sản xuất CNHT, đồng thời phát triển theo chiều sâu. Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Nguyễn Vân, những giải pháp đang được Hà Nội tập trung triển khai gồm tăng cường hỗ trợ DN vay vốn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng lợi thế từ các FTA; tăng cường đào tạo nhân lực, kết nối với các DN lớn để nâng cao trình độ công nghệ…

Về phía Bộ Công Thương sẽ sửa đổi, hoàn thiện các chính sách pháp luật, nhất là xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm hỗ trợ tốt nhất cho DN CNHT. Đồng thời, Bộ phối hợp với các tập đoàn lớn như Samsung, Toyota hỗ trợ các DN CNHT của Việt Nam nâng cao năng lực thông qua đào tạo và mở rộng thị trường. 

Lưu Hiệp
.
.
.